Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", khẳng định đây là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có lực lượng đoàn viên, thanh niên.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có 312.308 thanh niên (chiếm 18,06% dân số), trong đó có 175.971 thanh niên thường xuyên có mặt tại địa phương. Nhìn chung, đại bộ phận thanh niên có ý chí vượt qua khó khăn, khát vọng vươn lên trong học tập, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng của đoàn, hội. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên thiếu hoài bão, thích hưởng thụ, lười lao động, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; còn chạy theo lối sống “ảo", thực dụng. Đây là những đặc điểm dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng và chúng luôn coi thanh niên là đối tượng chủ yếu để tuyên truyền, lôi kéo, kích động.
Theo số liệu báo cáo từ tổ chức We are Social và công ty Hootsuite công bố, tính đến tháng 1/2021, dân số Việt Nam đạt mốc 97.8 triệu người. Trong đó, tổng số người dùng Internet ở Việt Nam thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau khoảng 68,17 triệu người (chiếm 70.3% dân số); tăng 551.000 người (0,8%) so với cùng thời điểm năm 2020. Số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam là 72 triệu người (chiếm 73.7% dân số), tăng 7 triệu người (11%) so với năm 2020. Độ tuổi người dùng mạng xã hội Việt Nam phổ biến nhất là từ 18 đến 34 tuổi, trong đó, thời gian dành cho việc “lướt" mạng, tìm kiếm thông tin, đọc tin tức chiếm khoảng 94%. Như vậy, có thể thấy rằng, ở nước ta, những người thường xuyên truy cập mạng xã hội chính là lực lượng thanh niên và nhu cầu tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội của thanh thiếu niên là rất cao.
Bên cạnh những tiện ích mà Internet, mạng xã hội đem lại, thì hiện nay các thế lực thù địch đã và đang biến chúng thành công cụ chống phá Đảng, Nhà nước. Lợi dụng những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; những sơ hở, thiếu sót trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp, chúng tán phát nhiều thông tin với các nội dung xấu độc, giả mạo, xuyên tạc, vu khống tình hình của đất nước, bôi nhọ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp. Đồng thời, chúng tuyên truyền lối sống thực dụng, thích hưởng thụ của phương Tây, mục tiêu làm chuyển biến, thay đổi nhận thức chính trị, không phân biệt được thông tin thật và giả, dần dần tin vào những thông tin giả mạo, xấu độc dẫn đến mất niềm tin vào cuộc sống, xa rời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Hậu quả là đã có một bộ phận thanh thiếu niên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, xa rời mục tiêu phấn đấu; không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội…
Để có thể phát huy được vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần chú ý đến những giải pháp cơ bản như sau:
Một là, tích cực tuyên truyền cho thanh niên thấy rõ nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, mà mỗi đoàn viên, thanh niên, người dân cần phải hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch. Từ đó, tích cực tham gia đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Hai là, động viên, khích lệ thanh niên tích cực học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, biết khai thác, sử dụng Internet một cách hiệu quả, thiết thực và lành mạnh; biết nhận diện các thông tin giả, sai sự thật để tăng cường khả năng “miễn dịch" trước sự lôi kéo, chống phá của các thế lực thù địch.
Ba là, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội trong nắm bắt, định hướng thanh niên. Chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của thanh niên, từ đó có những biện pháp, cách thức phù hợp, kịp thời tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống để tạo sức đề kháng trước các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch.
Bốn là, tuyên truyền, vận động thanh niên đăng tải, chia sẻ các tin tốt, các câu chuyện đẹp trên mạng xã hội, theo phương châm “có xây, có chống và xây trước, chống sau" và tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực", để tin tốt át tin xấu, chuyện đẹp dẹp các chuyện bịa đặt do các thế lực thù địch phát tán, chia sẻ.
Đỗ Quyên