Ngay từ khi mới xuất hiện và được các đảng cộng sản vận dụng vào quá trình hoạt động của mình, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn chịu sự xuyên tạc, chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Do đó, phân tích rõ những sự xuyên tạc trên cơ sở đối chiếu, đánh giá những nội dung của nguyên tắc này từ thực tiễn để người cộng sản vững tin vào tính đúng đắn của nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời hạn chế những sai lầm trong thực tiễn vận dụng nguyên tắc, là việc làm có ý nghĩa cấp bách cả về lý luận và thực tiễn.
Trong quá trình đấu tranh xây dựng chính đảng độc lập của giai cấp vô sản, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã rất chú trọng xác định nguyên tắc tổ chức của đảng. Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác vào cuộc đấu tranh xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân ở nước Nga, V.I. Lê-nin đã phát triển tư tưởng của C. Mác, Ph. Ăng-ghen và xác định nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng cộng sản là tập trung dân chủ. Với sự thành công của Đảng Cộng sản (b) Nga trong Cách mạng Tháng Mười, nguyên tắc tập trung dân chủ trở thành nguyên tắc tổ chức phổ biến của các đảng cộng sản trong Quốc tế III. Ngay từ tháng 10 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam (khi đó là Đảng Cộng sản Đông Dương) đã quy định cách tổ chức của Đảng trong Điều lệ: Đảng “tổ chức theo lối dân chủ tập trung”(1). Từ đó đến nay, trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng.
Cho đến trước khi Đảng Cộng sản Liên Xô cải tổ, nguyên tắc tập trung dân chủ với vị trí là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các đảng cộng sản dường như không có gì phải bàn đến nữa. Nhưng từ khi Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản cầm quyền ở các nước Đông Âu cải tổ thất bại dẫn đến khủng hoảng, sụp đổ, phong trào cộng sản rơi vào thời kỳ khủng hoảng, suy thoái, đã xuất hiện nhiều ý kiến nghi ngờ về nguồn gốc, sự cần thiết, bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ, thậm chí còn kết tội cho nguyên tắc này là một nguyên nhân làm cho các đảng cộng sản cầm quyền thất bại. Ngay ở Việt Nam, đã có một số ý kiến công khai phê phán nguyên tắc tập trung dân chủ và đề nghị Đảng từ bỏ nguyên tắc đó với những lập luận dường như “rất lô-gíc”, “khách quan”. Vậy những phê phán đó là đúng hay đây là một thủ đoạn hòng làm suy yếu, tan rã các đảng cộng sản? Cần nhìn nhận những luận điệu đó như thế nào? Sau đây là một số luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ và sự thật:
1- Nguyên tắc tập trung dân chủ “không phải của chủ nghĩa Mác” mà “do V.I. Lê-nin đặt ra”, chủ yếu hướng tới “tập trung”, “dân chủ” chỉ là “thứ yếu”, là “hình thức” (?!)
Lấy lý do thời C. Mác và Ph. Ăng-ghen chưa có tên gọi nguyên tắc tập trung dân chủ, một số người cho rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ không phải của chủ nghĩa Mác mà do V.I. Lê-nin đặt ra. Có người cho rằng chỉ “tính tuổi” cho nguyên tắc tập trung dân chủ từ năm 1905, và nguyên tắc này, theo V.I. Lê-nin, chủ yếu hướng tới “tập trung”, còn “dân chủ” chỉ là “thứ yếu”, là “hình thức”. Quan điểm này là sai lầm do bỏ qua những dữ liệu lịch sử và thực chất cũng phụ họa cho luận điệu phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ, chia tách, đối lập chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lê-nin, gây nghi ngờ giá trị, hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ khi gắn nó với V.I. Lê-nin, tức là với Đảng Cộng sản Liên Xô - một đảng cộng sản đã thất bại vì xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đúng là C. Mác và Ph. Ăng-ghen chưa gọi nguyên tắc tổ chức của đảng cộng sản là tập trung dân chủ. Năm 1885, sau 33 năm Liên đoàn những người cộng sản - chính đảng cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân giải tán, nói về cách tổ chức của Liên đoàn, Ph. Ăng-ghen khẳng định: “Bản thân tổ chức cũng hoàn toàn dân chủ, với những người lãnh đạo được bầu ra và luôn luôn có thể bị bãi miễn”(2). Điều đó cho thấy, Ph. Ăng-ghen chưa đưa ra tên gọi tập trung dân chủ. Tuy vậy, không vì thế mà giản đơn cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ của đảng cộng sản không phải do C. Mác và Ph. Ăng-ghen đề ra. Nghiên cứu các tư liệu liên quan cho thấy, tuy chưa gọi tên là nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng tư tưởng xây dựng một đảng vô sản trên cơ sở những nội dung cốt lõi của nguyên tắc tập trung dân chủ đã được Ph. Ăng-ghen và C. Mác thể hiện rõ trong Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản từ năm 1847.
Một mặt, Điều lệ Liên đoàn quy định: Tất cả hội viên của Liên đoàn đều bình đẳng; cơ quan lãnh đạo các cấp của Liên đoàn từ chi bộ đến Đại hội Liên đoàn do bầu cử lập ra. “Các ủy viên ban chấp hành khu bộ và Ban chấp hành trung ương được bầu hằng năm, có quyền được bầu lại và có thể bị những người bầu ra mình bãi miễn bất cứ lúc nào”(3)... Đây chính là những nội dung của chế độ dân chủ trong nguyên tắc tập trung dân chủ mà ngày nay, Đảng ta đang thực hiện.
Mặt khác, Điều lệ lại quy định Liên đoàn là một tổ chức theo chế độ tập trung rất chặt chẽ, như: Liên đoàn chỉ có một hệ thống tổ chức thống nhất; Đại hội Liên đoàn hàng năm là cơ cấu tổ chức có vị trí, quyền lực cao nhất của Liên đoàn. Điều 5 của Điều lệ Liên đoàn do chính C. Mác và Ph. Ăng-ghen trực tiếp tham gia soạn thảo quy định: “Về cơ cấu, Liên đoàn gồm chi bộ, khu bộ, tổng khu bộ, Ban chấp hành trung ương và Đại hội”(4). Đại hội có quyền lực lập pháp đối với toàn Liên đoàn; các khu bộ của một nước hoặc một tỉnh phải phục tùng một tổng khu bộ; các tổng khu bộ phải báo cáo công tác với cơ quan quyền lực tối cao là Đại hội, còn giữa các kỳ đại hội thì báo cáo với Ban chấp hành trung ương. Hội viên của Liên đoàn phải phục tùng các nghị quyết của Liên đoàn; “không tham gia vào mọi tổ chức - tổ chức chính trị hoặc tổ chức dân tộc - chống cộng sản”(5).
Như vậy, với những quy định về cách tổ chức của Liên đoàn những người cộng sản nêu trên cho thấy, cách tổ chức “hoàn toàn dân chủ” mà Ph. Ăng-ghen nói tới chính là nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực tế đó chứng tỏ, đối với C. Mác và Ph. Ăng-ghen, nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ là tư tưởng mà đã được vận dụng vào thực tiễn tổ chức, hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân.
Tuy nhiên, cũng cần chú ý xem vì sao C. Mác và Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh tính chất “hoàn toàn dân chủ” (mà chưa nói rõ về mặt tập trung) trong nguyên tắc tổ chức chính đảng của giai cấp công nhân như vậy? Một trong những lý do được Ph. Ăng-ghen chỉ ra là do khi đó, trong phong trào công nhân có một số lãnh tụ muốn xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân thành một tổ chức âm mưu, độc tài, điển hình như: Uây-ling (Weitling) với “chủ nghĩa cộng sản của giáo hội nguyên thủy”, Uy-lích (Willich) với “một thứ đạo Hồi cộng sản chủ nghĩa” cùng tham vọng “thực hiện chế độ độc tài chính trị không kém gì chế độ độc tài quân sự”(6). Vì vậy, theo Ph. Ăng-ghen, với cách tổ chức chính đảng của giai cấp công nhân “hoàn toàn dân chủ, với những người lãnh đạo được bầu ra và luôn luôn có thể bị bãi miễn; chỉ điều đó thôi cũng đủ chấm dứt mọi manh tâm manh động - tức là những manh tâm đòi hỏi một chế độ độc tài”(7) mà một số lãnh tụ của phong trào công nhân lúc đó theo đuổi.
Như vậy, sự nhấn mạnh về dân chủ trong tổ chức của đảng công nhân mà C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã khẳng định chính là do bối cảnh tình hình của đảng và phong trào công nhân lúc đó đòi hỏi. Sau này, V.I. Lê-nin không chỉ phát triển tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về nguyên tắc tập trung dân chủ, đặt tên cho nguyên tắc này mà còn nêu một mẫu mực về cách thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực tiễn cách mạng. Trong tình hình phức tạp của cuộc đấu tranh thành lập Đảng Công nhân Dân chủ - Xã hội Nga đầu thế kỷ XX do những xu hướng tự do vô chính phủ, đòi lập đảng theo chế độ tự trị, chế độ liên bang, V.I. Lê-nin đã hết sức đề cao yêu cầu về chế độ tập trung, kỷ luật trong Đảng, đấu tranh kiên trì, không khoan nhượng với những quan điểm cơ hội đó, nhằm xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân thật sự là đội tiên phong có tổ chức chặt chẽ, đủ sức lãnh đạo cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân. V.I. Lê-nin khẳng định: Kinh nghiệm “thấy rằng chế độ tập trung tuyệt đối và kỷ luật hết sức nghiêm minh của giai cấp vô sản là một trong những điều kiện căn bản để chiến thắng giai cấp tư sản”(8). Hơn nữa, V.I. Lê-nin còn chỉ rõ rằng trong điều kiện đảng hoạt động bí mật, đầy khó khăn, nguy hiểm, không thể việc gì của đảng cũng mang ra thảo luận được, do đó tuy đảng công nhân “chủ trương theo chế độ tập trung dân chủ”(9) nhưng trong điều kiện đó không thể thực hiện đầy đủ chế độ dân chủ. Ngay cả giai đoạn đầu sau khi giai cấp công nhân giành được chính quyền, trong thời kỳ sự phản kháng của giai cấp thống trị cũ còn gay gắt thì cũng không thể thực hiện dân chủ đầy đủ được. Theo V.I. Lê-nin, kinh nghiệm nước Nga cho thấy: “Trong thời kỳ nội chiến gay gắt hiện nay, đảng cộng sản chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình nếu đảng được tổ chức một cách tập trung nhất, nếu trong đảng có một kỷ luật sắt, gần giống như kỷ luật quân sự, và nếu Trung ương đảng là một cơ quan có uy tín mạnh mẽ, có quyền lực rộng rãi, được toàn thể đảng viên tin cậy”(10). Chính điều này làm cho một số người ngộ nhận cho rằng, trong tư tưởng của V.I. Lê-nin về nguyên tắc tập trung dân chủ thì “tập trung” là chính, là mục tiêu, còn “dân chủ” chỉ là thứ yếu, là hình thức.
Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, giành được chính quyền, đảng cộng sản trở thành đảng cầm quyền, chuyển sự tập trung sang lãnh đạo việc xây dựng, củng cố chính quyền, đảng có điều kiện thuận lợi hơn để tổ chức hoạt động, đồng thời cũng đứng trước những nguy cơ về nạn quan liêu, tham nhũng, lạm quyền, V.I. Lê-nin lập tức kiến nghị phải mở rộng dân chủ trong Đảng. Người đòi hỏi tổ chức đại hội đảng mỗi năm một lần để tạo diễn đàn dân chủ thảo luận công việc của Đảng và giải quyết các vấn đề mới đặt ra, đồng thời thường xuyên kiện toàn cơ quan lãnh đạo của Đảng. Năm 1920, khi cuộc nội chiến đã đến hồi kết thúc, V.I. Lê-nin nhận định: “Tình hình chung của nước cộng hòa đã được cải thiện đến mức là giờ đây chúng ta đã có được điều kiện thảo luận một cách rất bình tĩnh... Vô luận thế nào thì giờ đây chúng ta cũng đã ở vào tình hình là có thể và phải tiến hành đến cùng những cuộc thảo luận hiện nay đang được tiến hành, không tự hạn chế mình chút nào... giờ đây chúng ta phấn đấu để làm sao trong đảng và trong quân đội công cuộc dân chủ hóa sẽ được đẩy mạnh”(11). Người yêu cầu tăng cường tổ chức các hội nghị toàn thể đảng viên nhằm phát huy tính chủ động của các đảng viên; lập ra những cơ quan văn đàn có khả năng thực hiện một cách có hệ thống và rộng rãi hơn nữa việc phê bình những sai lầm của đảng và nói chung việc phê bình trong nội bộ đảng (những trang báo tranh luận, v. v.); thảo ra những quy tắc thực tiễn hoàn toàn chính xác về những biện pháp xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng (trong điều kiện sinh hoạt, về mức lương,...) giữa một bên là các “chuyên gia”, và những cán bộ có chức trách, và một bên là quần chúng, vì tình trạng bất bình đẳng này vi phạm dân chủ; thành lập Ban kiểm tra song song với Ban chấp hành trung ương(12)... Những tư tưởng và hoạt động của V.I. Lê-nin cho thấy một mẫu mực về vận dụng tư tưởng và kinh nghiệm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tình hình cụ thể.
Hiện nay, Đảng ta đang nhấn mạnh về mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng, trong toàn xã hội cũng xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đổi mới và tình hình thực tế là chế độ dân chủ trong Đảng còn nhiều hạn chế, cần tập trung khắc phục. Sự nhấn mạnh về mở rộng dân chủ đó cũng hoàn toàn không có nghĩa là Đảng ta hiện nay chỉ đề cao dân chủ và coi nhẹ tập trung, kỷ cương, kỷ luật.
2- Nguyên tắc tập trung dân chủ đã “lỗi thời” (?!)
Họ cho rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ phù hợp với hoạt động của Đảng khi chưa giành được chính quyền, trong hoạt động bí mật, hoặc khi lãnh đạo chiến tranh cần có kỷ luật chặt chẽ, tập trung, thống nhất cao độ. Còn trong điều kiện hòa bình, Đảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng, đòi hỏi phải mở rộng dân chủ, phát huy tối đa sáng tạo cá nhân như hiện nay, nguyên tắc tập trung dân chủ đã lỗi thời, không còn phù hợp nữa. Đây là một quan điểm sai lầm và hoàn toàn sai trái, xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ từ bản chất. Tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề thuộc về bản chất của đảng cộng sản. Là đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân, đảng cộng sản phải có tổ chức chặt chẽ, tập trung, thống nhất, chứ không thể là một tổ chức lỏng lẻo, vô chính phủ; là liên minh tự nguyện của những người cùng chung chí hướng cộng sản, đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội - một xã hội giương cao ngọn cờ tự do, dân chủ, công bằng và bảo vệ phẩm giá con người; đảng cộng sản lại phải có tổ chức dân chủ mới phù hợp với bản chất và mục đích ấy. Bởi vậy, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ là xa rời bản chất của đảng cộng sản. Nguyên tắc tập trung dân chủ nằm ngay trong bản chất của đảng cộng sản.
Đồ họa: Vũ Duy
Với Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiệm vụ, sứ mệnh lịch sử của Đảng là lãnh đạo cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức, bất công, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa và tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Lãnh đạo một sự nghiệp mới mẻ, vĩ đại, phức tạp, khó khăn chưa từng có, một mặt, Đảng phải tổ chức, hoạt động một cách dân chủ để phát huy mọi tiềm năng, lực lượng của đảng viên, tổ chức đảng mới mong thành công; mặt khác, cuộc đấu tranh xây dựng xã hội mới thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt mà lợi thế so sánh lực lượng đang có lợi cho các thế lực thù địch, đòi hỏi Đảng phải có tổ chức cao mới có sức mạnh bảo đảm cho thắng lợi; muốn vậy, Đảng phải tổ chức tập trung, thống nhất, kỷ luật nghiêm minh. Thử hỏi, nếu cho phép đảng viên trong Đảng không phải chấp hành nghị quyết của Đảng, đảng viên được tự do truyền bá ý kiến cá nhân trái với quan điểm của Đảng thì tình hình sẽ ra sao? Chắc chắn sẽ bắt đầu một thời kỳ rối loạn và sụp đổ bi thảm. Nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ tạo cho Đảng kỷ luật thống nhất, nghiêm minh, mà còn tạo cơ chế hữu hiệu nhất để phát huy mọi sáng kiến, sáng tạo, khai thác mọi trí tuệ của đảng viên, của cơ sở. Do vậy, trong điều kiện nào cũng phải phát huy cao độ dân chủ và đồng thời, phải có sự tập trung thống nhất. Không thể có việc Đảng chỉ cần tổ chức chặt chẽ, lãnh đạo thống nhất trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, còn trong thời kỳ lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội thì tổ chức, hoạt động lại lỏng lẻo.
Qua thực tiễn đấu tranh xây dựng và bảo vệ xã hội mới sau Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I. Lê-nin đã từng chỉ rõ sai lầm của những người “phái tả” ở Nga lúc đó ngây thơ đòi phá hủy các chính đảng vì cho là vô dụng trong giai đoạn xây dựng chế độ mới sau khi cách mạng đã giành được chính quyền: “... họ hãy thử chuẩn bị (rồi thực hiện)... mà không cần một đảng tập trung chặt chẽ và có kỷ luật sắt, không cần biết cách làm chủ được mọi lĩnh vực, mọi ngành và mọi loại công tác chính trị và văn hóa xem sao. Kinh nghiệm thực tiễn sẽ sớm mở mắt cho họ”(13). Sau này, trong quá trình cải tổ, những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đã bỏ qua lời dạy của V.I. Lê-nin, không nắm vững bản chất của Đảng, dẫn đến chấp nhận đa nguyên chính trị, từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ nên đã bị các thế lực thù địch và bọn cơ hội tấn công làm tan rã Đảng. Do vậy, ở mọi thời kỳ cách mạng, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh đều phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chỉ khác ở cách thực hiện nội dung và phạm vi áp dụng do tình hình, nhiệm vụ của Đảng trong mỗi thời kỳ. Giữ vững tập trung dân chủ không chỉ nhằm mở rộng dân chủ, phát huy mạnh mẽ dân chủ mà còn phải giữ gìn tính tập trung thống nhất, tính kỷ luật chặt chẽ nghiêm minh của Đảng.
3- Nguyên tắc tập trung dân chủ “không có thật”, “dân chủ không thể đi đôi với tập trung” (?!)
Những người theo quan điểm này cho rằng, “tập trung” và “dân chủ” là hai mặt đối lập, luôn có xu hướng phủ định, triệt tiêu nhau. Nếu thực hiện tập trung sẽ tất yếu dẫn đến thu hẹp dân chủ, triệt tiêu dân chủ; ngược lại, nếu muốn thực hiện dân chủ thì phải từ bỏ tập trung. Từ lập luận đó, họ xuyên tạc rằng, tập trung dân chủ là “nguyên tắc không có thật”, “dân chủ” không thể đi đôi với “tập trung”.
Cùng loại luận điệu này còn có quan điểm cho rằng “tập trung” là danh từ, là chính, còn “dân chủ” chỉ là tính từ, là cái bổ nghĩa cho tập trung. Hoặc quan điểm cho rằng bản chất gốc rễ của tập trung dân chủ là tập trung quan liêu, vì tập trung là mục đích, dân chủ chỉ là phương tiện, do vậy, có rất nhiều phương tiện để đạt được mục đích, thành ra “dân chủ” chỉ là một loại “phương tiện” mà thôi. Rõ ràng, luận điệu này đã tầm thường hóa dân chủ, mưu đồ để phá hoại và làm cho chúng ta từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc chia cắt nguyên tắc vốn thống nhất, hoặc đem dân chủ đối lập với tập trung là không hiểu đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Với những cách lập luận sai trái này, họ hoặc không hiểu bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ, hoặc cố tình lừa dối người khác để hạ bệ nguyên tắc tập trung dân chủ.
Trong nguyên tắc tập trung dân chủ, hai mặt “tập trung” và “dân chủ” không tách rời nhau mà quy định lẫn nhau, không phân định danh từ, tính từ, không quy định mặt nào quan trọng hơn mặt nào mà tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung. Dân chủ trong nguyên tắc tập trung dân chủ không đối lập với tập trung mà chỉ đối lập với quan liêu, chuyên chế, độc tài. Tập trung càng không đối lập với dân chủ. Nó chỉ đối lập với phân tán, cục bộ, bè phái, tự do vô chính phủ mà thôi. Tập trung đúng đắn sẽ làm tăng sức mạnh của dân chủ. Dân chủ đúng đắn phải dựa trên cơ sở tập trung. Dân chủ tách rời tập trung sẽ thành vô chính phủ. Tập trung không trên cơ sở dân chủ sẽ thành tập trung quan liêu, độc tài. Muốn có tập trung dân chủ thì phải bảo đảm dân chủ thực chất, đồng thời đề cao kỷ luật, tăng cường chế độ trách nhiệm. Như vậy, trong nguyên tắc tập trung dân chủ, “tập trung” và “dân chủ” thống nhất với nhau, tương tác đồng thuận với nhau chứ không phải là hai mặt đối lập loại trừ nhau như các luận điểm sai trái đã rêu rao.
4- Nguyên tắc tập trung dân chủ là một “nguyên tắc sai lầm”, “làm mất dân chủ” và “tất yếu dẫn đến tập trung quan liêu, chuyên chế, tình trạng vô trách nhiệm” (?!)
Lập luận này xuyên tạc rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đúng trên lý thuyết, chứ trong thực tế không thể thực hiện được, càng thực hiện thì hiện tượng chuyên quyền độc đoán trong bộ máy lãnh đạo càng nhiều, quan điểm này đã bám lấy những hiện tượng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực tế, có những trường hợp vi phạm nghiêm trọng gây ra hậu quả tai hại, để phủ nhận nguyên tắc này. Họ đã lẫn lộn giữa những hiện tượng vi phạm nguyên tắc với bản chất của nguyên tắc.
Với luận điệu sai trái này, tập trung dân chủ chỉ là “một thứ chế độ tập quyền, độc đoán bảo thủ, kìm hãm tư duy sáng tạo”. Họ ra sức tán dương thực hiện dân chủ tự do, dân chủ vô hạn độ, dân chủ cực đoan; ủng hộ nhiều phe nhóm đối lập để đấu tranh, bàn cãi; sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “đa nguyên” cổ vũ cho những bất đồng ý kiến trong Đảng để chia rẽ Đảng. Họ cố tình tỏ ra không hiểu, hoặc cố tình xuyên tạc bản chất của nguyên tắc, họ cố tình “bới lông tìm vết” bằng việc dẫn ra những ví dụ về sai lầm, về quan liêu độc đoán, về việc mất dân chủ của một số người trong bộ máy của Đảng để “quy chụp”, để đòi phải thay nguyên tắc tập trung dân chủ. Một số cán bộ, đảng viên còn ngộ nhận rằng tập trung càng cao thì dân chủ càng giảm, muốn tăng cường dân chủ thì phải giảm bớt tập trung; còn giữ lại nguyên tắc tập trung dân chủ thì bản chất của nó không thể khắc phục được tệ độc đoán, gia trưởng, quan liêu...
5- Phải “bỏ chế độ thiểu số phục tùng đa số”, “cho đảng viên được nói và làm khác với nghị quyết của Đảng” mới có “dân chủ”, “sáng tạo” (?!)
Ý kiến sai lầm này cho rằng, cái mới bao giờ cũng là thiểu số nên chế độ thiểu số phục tùng đa số của nguyên tắc tập trung dân chủ làm triệt tiêu cái mới, cái sáng tạo, vì vậy, cần bỏ chế độ thiểu số phục tùng đa số, cho phép đảng viên được nói và làm khác với nghị quyết của Đảng thì mới có dân chủ, sáng tạo. Đây là một cách nhìn phiến diện, sai lầm về nguyên tắc tập trung dân chủ. Đúng là cái mới lúc ban đầu thường là thiểu số, nhưng trong nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ đã có cơ chế bảo vệ cái mới là chế độ bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số nên không thể nói nguyên tắc tập trung dân chủ làm triệt tiêu cái mới, cái sáng tạo. Trên thực tế, nhiều ý kiến thuộc về thiểu số đã được bảo lưu, bảo đảm quyền của đảng viên và bảo vệ được cái mới.
Nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ tạo cho Đảng kỷ luật thống nhất, nghiêm minh, mà còn tạo cơ chế hữu hiệu nhất để phát huy mọi sáng kiến, sáng tạo, khai thác mọi trí tuệ của đảng viên, của cơ sở _Nguồn: Vietnamplus.vn
Cần lưu ý rằng, trong nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số là nội dung cốt lõi, đặc trưng của dân chủ trong Đảng. Chính chế độ này mới quy định các chế độ khác trong nguyên tắc tập trung dân chủ, như: Đảng viên phải chấp hành nghị quyết của tổ chức đảng; đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết; cấp dưới phải phục tùng cấp trên... Nếu bỏ chế độ thiểu số phục tùng đa số thực chất chính là bỏ chế độ tập trung trong nguyên tắc tập trung dân chủ, và do đó, là bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ.
***
Như vậy, thực chất tất cả những cách nhìn trên về nguyên tắc tập trung dân chủ đều nhằm đi tới xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Chính vì vậy, chúng ta phải nhìn sâu vào bản chất của những quan điểm sai lầm và những luận điệu chống phá này mà cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn, những khuynh hướng tự phát, tự do vô chính phủ, chia rẽ, phá hoại nội bộ Đảng cả ở trong nước và ngoài nước. Với những kinh nghiệm chống phá phong trào cộng sản, các thế lực thù địch đang ra sức tấn công vào nguyên tắc tập trung dân chủ và sẽ lợi dụng bất kỳ sự buông lỏng nào trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng để phá hoại sự thống nhất của Đảng, gây ra tình trạng vô chính phủ, tạo dựng lực lượng đối lập với Đảng. Bởi vậy, cần phê phán mọi mưu toan bác bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, kiên quyết khắc phục những thiếu sót, tổ chức thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Không vì những vấp váp, sai lầm mà dao động, phủ nhận nguyên tắc này. Tuy nhiên, để bảo vệ nguyên tắc tập trung dân chủ, bác bỏ những luận điệu, những âm mưu sai trái nêu trên của các thế lực thù địch, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật, nhận ra những khuyết điểm trong quá trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và có giải pháp kiên quyết khắc phục./.
------------------------------