Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành điện ảnh, nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023), Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận phối hợp Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang tổ chức hoạt động về nguồn tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy ở ấp Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc, với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa, nhân ái.
Người dân ấp Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc, xem triển lãm ảnh “Vĩnh Thuận đổi mới, phát triển".
Tại Khu di tích Xẻo Gia, nơi Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Tỉnh ủy Kiên Giang) đã xây dựng căn cứ ở và làm việc giai đoạn 1966-1969, các bạn trẻ của huyện Vĩnh Thuận đã được nghe và tìm hiểu về ý nghĩa ra đời của Ngày truyền thống điện ảnh, nhiếp ảnh Việt Nam. Cách đây 70 năm, ngày 15/3/1953, tại Thái Nguyên - “Thủ đô gió ngàn Việt Bắc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL về thành lập doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự phát triển và định rõ hướng đi cho điện ảnh, nhiếp ảnh Việt Nam. Đồng thời là cơ sở, tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ của hai ngành nhiếp ảnh và điện ảnh Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.
Trong thời kỳ khó khăn, gian khổ tại khu vực Định Hóa, Thái Nguyên được gọi là ATK (an toàn khu), Bác Hồ làm việc tại đồi Khau Tý, đồng chí Trường Chinh đóng ở Điềm Mặc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt đại bản doanh tại Khâu Hấu. Các cơ quan Trung ương đóng rải rác tại khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, trong đó có Phòng Điện - Nhiếp ảnh thuộc Nha Tuyên truyền, văn nghệ. Đời sống kháng chiến hết sức khó khăn, những người làm công tác nhiếp ảnh vô cùng thiếu thốn, để làm ra một bộ ảnh cỡ 13x18 cm hoặc lớn hơn một chút là 18x24 cm cũng hết sức vất vả. Nhưng với những bộ ảnh đó, nhiếp ảnh đã đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, tham gia phục vụ kháng chiến, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
Với sự kiện này, khu vực Đồi Cọ thuộc bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên được công nhận là Khu di tích lịch sử kháng chiến. Địa danh này đã đi vào lịch sử của giới văn nghệ - tuyên huấn trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Cũng từ sự kiện này, ngày 16/12/2002, Nhà nước đã quyết định chính thức lấy ngày 15/3 hằng năm làm Ngày truyền thống của điện ảnh, nhiếp ảnh Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh năm 1953 với những tiền đề rất quan trọng. Một là, giá trị thực tiễn của nhiếp ảnh và điện ảnh để phục vụ cho cách mạng và tạo mối quan hệ văn hóa với các nước. Hai là, nội dung sắc lệnh được xây dựng trên cơ sở lý luận là Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 với 3 phương châm cốt lõi là “dân tộc hóa", “khoa học hóa", “đại chúng hóa". Ngoài ra, Sắc lệnh số 147/SL có giá trị quan trọng khẳng định: Văn hoá tuyên truyền chính sách, chủ trương, những tấm gương người tốt, việc tốt của quân và dân ta trong các cuộc chiến đấu; giới thiệu thành tựu, vẻ đẹp đất nước, con người tới bè bạn năm châu (tham gia các triển lãm quốc tế), đồng thời giáo dục chính trị, văn hoá cho nhân dân.
Phải nói rằng, nhiếp ảnh làm cho cuộc sống của con người phong phú hơn, có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và giáo dục thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân, đúng như tinh thần Sắc lệnh 147/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành cách đây 70 năm. Đây là một sắc lệnh lịch sử, với tầm nhìn xa, trông rộng của Người, nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào của dân tộc...
Ngoài việc trưng bày triển lãm, ảnh được sử dụng rộng rãi trong việc tuyên truyền báo chí, xuất bản và đặc biệt là nhiếp ảnh đã hiện diện trong mỗi gia đình, từ việc lưu giữ kỷ niệm ngày sinh, ngày cưới, gặp gỡ người thân, họp lớp, tham quan du lịch… Nó trở thành kỷ vật mang ký ức thời gian, thể hiện khát vọng tốt đẹp nhằm xây dựng văn hóa và con người hướng đến chân - thiện - mỹ.
Hoạt động về nguồn tổ chức triển lãm 70 ảnh với chủ đề “Vĩnh Thuận đổi mới, phát triển". Đây là những bức ảnh có giá trị nghệ thuật và mang dấu ấn về văn hóa, con người Vĩnh Thuận trong quá trình xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tại đây, đông đảo đoàn viên thanh niên cùng bà con nhân dân được xem lại bộ phim trắng đen màn ảnh rộng do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Kiên Giang phối hợp tổ chức. Bộ phim “Cánh đồng hoang" - đây là một trong những phim cách mạng đậm chất trữ tình nhất từ trước đến nay. Trong đợt về nguồn ý nghĩa này, ban tổ chức đã trao tặng 1 tấn gạo; khám bệnh, cấp phát 200 suất thuốc cho gia đình chính sách; tặng quà và xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khan; thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình có công nuôi, chứa, che chở, đùm bọc các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy ở và làm việc tại Xẻo Gia giai đoạn 1966-1969.
Những nội dung ý nghĩa của hoạt động về nguồn chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống điện ảnh, nhiếp ảnh Việt Nam nhằm giáo dục cho tuổi trẻ Vĩnh Thuận tiếp tục xây dựng lý tưởng, khát vọng đóng góp sức mình, tích cực tiếp thu những tri thức của nhân loại, lao động, sáng tạo và cống hiến cho xã hội. Đồng thời, ra sức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc; xây dựng văn hóa và con người Vĩnh Thuận, thuận hòa, thủy chung, nghĩa tình, nhân ái.
ThS Võ Thanh Xuân
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Vĩnh Thuận
Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Huyện ủy
Ý kiến bạn đọc
Chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -...
Vĩnh Thuận - Kiên GIang trên đường phát triển