Ở vùng đất phương Nam trong quá trình mở cõi, đi tới đâu cũng đều bắt gặp những địa danh gắn liền với chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long triều Nguyễn sau này) trong những ngày bôn tẩu tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Sa Đéc có Nha Mân với gái đẹp; Sóc Trăng có Bãi Xàu cơm sống, rạch Long Ẩn, Trường Tiền, vàm Tấn, Hồ Bể với công chúa Mỹ Thanh; Cà Mau, Kiên Giang có kênh Chắc Băng, Cạnh Đền; các hòn đảo trên biển đều có rất nhiều địa danh, nhất là Côn Đảo, quần đảo Nam Du và Phú Quốc... Những ngày thu cuối tháng 9 đầu tháng 10, vùng đất phương Nam vào mùa mưa dầm. Mưa bất chợt đến rồi vội vã đi, ầm ào rồi tạnh hẳn, không kéo dài lê thê như một số vùng miền khác. Tôi trở về thăm vùng đất Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang anh dũng, kiên cường, nơi tập kết 200 ngày đêm đưa đoàn cán bộ miền Nam ra miền Bắc vào năm 1954 và là căn cứ cách mạng của tỉnh, quân khu mà quân địch hòng “nhổ cỏ U Minh” để tiêu diệt. Vùng đất này còn có một dòng kênh mang trên mình một huyền thoại gắn liền với chúa Nguyễn Ánh, đó là dòng kênh Chắc Băng. Đang nhâm nhi ly cà phê tối ven bờ kênh Chắc Băng, trời bỗng đổ mưa nhẹ, lất phất như mưa phùn của xứ cao nguyên nhưng tôi và anh Huỳnh Ngọc Nguyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cùng vài “chiến hữu” vẫn cố “chịu trận” ngắm nhìn tàu ghe tấp nập xuôi ngược trên dòng kênh mà nghe như tiếng vọng từ thuở khai hoang vang dội về.
Về vùng đất kiêu hùng
Ở vùng đất phương Nam trong quá trình mở cõi, đi tới đâu cũng đều bắt gặp những địa danh gắn liền với chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long triều Nguyễn sau này) trong những ngày bôn tẩu tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Sa Đéc có Nha Mân với gái đẹp; Sóc Trăng có Bãi Xàu cơm sống, rạch Long Ẩn, Trường Tiền, vàm Tấn, Hồ Bể với công chúa Mỹ Thanh; Cà Mau, Kiên Giang có kênh Chắc Băng, Cạnh Đền; các hòn đảo trên biển đều có rất nhiều địa danh, nhất là Côn Đảo, quần đảo Nam Du và Phú Quốc...
Những ngày thu đầu tháng 10, vùng đất phương Nam vào mùa mưa dầm. Mưa bất chợt đến rồi vội vã đi, ầm ào rồi tạnh hẳn, không kéo dài lê thê như một số vùng miền khác. Tôi trở về thăm vùng đất Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang anh dũng, kiên cường, nơi tập kết 200 ngày đêm đưa đoàn cán bộ miền Nam ra miền Bắc vào năm 1954 và là căn cứ cách mạng của tỉnh, quân khu mà quân địch hòng “nhổ cỏ U Minh” để tiêu diệt. Vùng đất này còn có một dòng kênh mang trên mình một huyền thoại gắn liền với chúa Nguyễn Ánh, đó là dòng kênh Chắc Băng.
Đang nhâm nhi ly cà phê tối ven bờ kênh Chắc Băng, trời bỗng đổ mưa nhẹ, lất phất như mưa phùn của xứ cao nguyên nhưng tôi và anh Huỳnh Ngọc Nguyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cùng vài “chiến hữu” vẫn cố “chịu trận” ngắm nhìn tàu ghe tấp nập xuôi ngược trên dòng kênh mà nghe như tiếng vọng từ thuở khai hoang vang dội về.
Ảnh: Cầu Vĩnh Thuận lung linh vào ban đêm.
Từ cầu Vĩnh Thuận, ánh đèn trang trí nhiều màu sắc hắt ánh sáng xuống dòng kênh làm cho không gian như mờ ảo đầy huyễn hoặc. Bỗng bàn bên, có mấy “lão tiền bối” đang huyên thuyên nhắc nhớ đến giai thoại vì sao có cái tên Chắc Băng này và câu chuyện chuyến tàu tập kết đưa những người con ưu tú từ miền Nam ra miền Bắc vào năm 1954. Không khí bỗng xôn xao hẳn lên, nhiều bàn kế bên “gom bi” lại và cũng cùng bắt đầu “vào cuộc” mặc cho mưa lất phất, gió thổi lành lạnh. Ai cũng muốn góp phần “hiểu biết” của mình để “nói về” dòng kênh mang trên mình nhiều trọng trách lịch sử oai hùng trong thời kỳ kháng chiến mà nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cấp cao từng “kề vai, sát cánh” ở vùng đất này.
Anh Huỳnh Ngọc Nguyên cho biết thêm, Chắc Băng là kênh xáng đã có hơn trăm năm do thực dân Pháp cho đào để vận chuyển lúa gạo, sản vật và kiểm soát vùng U Minh trù phú, có chiều dài hơn 40 cây số. Nó như một “đòn gánh” giữa hai đầu là sông Cái Lớn (thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) và sông Trẹm (thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Do là kênh xáng nên nó thẳng băng “như sợi chỉ”, hai bên bờ là những dãy nhà lẩn khuất bên những rặng dừa nước xanh ngút ngàn. Đây là con kênh huyết mạch thông thương giữa vùng U Minh Hạ và vùng U Minh Thượng.
Ảnh: Dòng kênh Chắc Băng hôm nay.
Nét văn hóa truyền thống
Tôi đến vùng đất rừng U Minh cũng được mấy lần, từ khi chưa có con đường nhựa thông thoáng như bây giờ, chủ yếu di chuyển bằng xuồng ghe hoặc “cuốc bộ”. Được tiếp xúc với nhiều má, nhiều dì, các chị, các em, trong tôi vẫn luôn ấn tượng với hình ảnh những phụ nữ có mái tóc dài ngang vai, đội nón lá trong chiếc áo bà ba mềm mại chèo xuồng uyển chuyển bán rau củ, trái cây, sản vật vốn có mà giọng rao lảnh lót, làm xao xuyến lòng người. Đây còn là một nét văn hóa độc đáo của những lưu dân Nam Bộ trong quá trình mở cõi phương Nam còn lưu lại cho đến bây giờ. Chỉ tiếc tôi không phải nhà thơ “chính tông”, chứ không sẽ có nhiều bài thơ “để đời” về hình ảnh người phụ nữ nơi đây.
Năm 1919, nhận thấy vị thế chiến lược của vùng đất U Minh cũng như con kênh này nên thực dân Pháp đã cho đào mở rộng để tiện việc giao thông, giao thương và kiểm soát.
Dòng kênh Chắc Băng không chỉ gắn liền với lịch sử huyền thoại, mà còn mang đậm nét văn hoá lâu đời của miền sông nước Cà Mau - Kiên Giang với trên bến, dưới thuyền, đông đúc chợ trên sông, bức tranh của một nền nông nghiệp đa dạng, phong phú, ấm no và hội nhập.
Dòng Chắc Băng không phải một mình, mà hợp thành từ sự hội tụ của nhiều nhánh sông, với dòng chính bắt nguồn từ sông Cái Lớn, thuộc huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang, mà xuôi về Cà Mau qua lòng Thới Bình thôn thơ mộng, kết thúc ở ngã ba Cái Tàu, điểm khởi đầu của dòng sông Cái Tàu xuyên qua lòng U Minh Hạ và sông Ông Đốc chảy về với biển Tây. Hình tượng về dòng sông được đào từ thời Pháp thuộc, kênh Chắc Băng dài trên 40 cây số như là phần thân của con sông, hai chân là sông Cái Tàu và sông Ông Đốc chảy ra biển Tây, vững chãi đầy sức sống.
Sự kiện lịch sử
Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, kênh Chắc Băng cũng ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại. Tại ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận hiện nay (giáp ranh giữa xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), có một khu lưu niệm khá hoành tráng là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Kiên Giang vào năm 1932 do đồng chí Quản Trọng Linh làm Bí thư Chi bộ.
Ảnh: Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang vào năm 1932.
Cũng bên dòng kênh Chắc Băng này, sau khi ký Hiệp định Genève, được Trung ương chọn là trung tâm khu tập kết 200 ngày đêm để đưa cán bộ miền Nam ra miền Bắc. Tại Ranh Hạt này, má Tư Sảnh (Lê Thị Sảnh sinh năm 1903 mất năm 1986) đã tìm đến điểm tập trung, tay nâng niu cây vú sữa, nói với các đồng chí cán bộ tập kết ước nguyện của mình: “Má muốn gởi các con cây vú sữa nhỏ này ra kính tặng cụ Hồ và đồng bào miền Bắc, các con chuyển được không?”. Má Tư Sảnh trao tay cây vú sữa cùng với lời căn dặn thiết tha: “Ra ngoài đó, các con thưa với cụ Hồ, thưa với cô bác miền Bắc rằng, bà con trong này luôn hướng về cụ Hồ, hướng về miền Bắc”.
Tôi đã tìm đến nhà má Tư Sảnh, ngôi nhà ngói thuở nào vẫn còn đây. Cháu nội của má ở đây thờ phụng và giữ gìn ngôi nhà. Trước khu mộ của má Tư đối diện với ngôi nhà ngói là biểu tượng với bức phù điêu Bác Hồ đang chăm sóc cây vú sữa miền Nam. Thật tình, lúc nhìn thấy hình ảnh ấy, lòng tôi trào dâng một cảm xúc không nói nên lời và càng xúc động hơn trước tấm lòng của một bà má miền Nam, bà má Chắc Băng với quê hương đất nước, với Bác Hồ kính yêu. Chỉ tiếc, lúc tôi đến thăm lần này, nền móng bức phù điêu đang xuống cấp trầm trọng. Tiếc hơn, nơi đây chưa được tôn tạo, nâng cấp thành khu lưu niệm để xứng đáng với tấm lòng của người dân Nam Bộ kính dâng Bác Hồ.
Ảnh: Ngôi nhà của má Tư Sảnh (Lê Thị Sảnh) - người tặng cây vú sữa cho Bác Hồ.
Không những vậy, bên dòng kênh Chắc Băng này còn là nơi che chở cho các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt... hoạt động cách mạng trong những năm tháng kháng chiến ác liệt. Dọc bờ kênh Chắc Băng hiện nay có ngôi trường tiểu học và trung học cơ sở mang tên Võ Văn Kiệt - như là một sự ghi ân của người dân nơi này đối với cố Thủ tướng. Tại vàm Chắc Băng không lâu nữa sẽ hình thành nên Khu di tích lưu niệm nơi tập kết 200 ngày đêm đưa đoàn cán bộ miền Nam ra miền Bắc vào năm 1954 mà người dân không chỉ nơi đây đều mong đợi.
Phát huy lợi thế
Mỗi lần về Chắc Băng là mỗi lần chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của vùng quê này. Dọc kênh Chắc Băng có nhiều chợ lớn, nhỏ nhưng đáng kể nhất là 4 chợ đã “đi vào” lòng người dân từ thuở khai hoang. Chợ Chắc Băng (hay còn gọi là chợ Vàm, do đây là ngọn Vàm Chắc Băng), Vĩnh Thuận, Huyện Sử và Thới Bình.
Chợ Vàm có nhiều điểm thu mua tôm của nông dân rất lớn, tấp nập từ sáng tới trưa. Chợ Thới Bình có dãy phố cổ rất đẹp ở trung tâm huyện. Những mái ngói rêu phong, san sát cứ như một Hội An thu nhỏ giữa vùng sông nước. Chợ Huyện Sử cũng rất sầm uất vì là nơi giao thương của bà con các xã lân cận, chạy dọc theo kinh xáng. Ðặc sản ở đây là tôm, cua và cá từ sông, vuông tôm, ấn tượng nhất là cá rô đồng. Những chú cá rô đồng trắng phau, nặng hơn 1kg, ú tròn rất hấp dẫn. Giá bán ở các chợ này rất rẻ, do chủ yếu bán cho dân địa phương bà con bán theo kiểu “tự sản tự tiêu”.
Ảnh: Một góc chợ Vĩnh Thuận.
Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến chợ Vĩnh Thuận là chợ trung tâm của huyện. Ngoài chợ trên bờ còn có chợ nổi Vĩnh Thuận, được xếp vào tốp đầu những ngôi chợ nổi sầm uất ở miền Tây. Chợ nổi Vĩnh Thuận nhóm trên kênh Chắc Băng, chủ yếu bán sỉ nông sản, bỏ mối cho bà con đi bán bằng xuồng, vỏ lãi dọc miệt Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu... Do người dân vùng này chủ yếu sống trên kênh, rạch, thường xa chợ nên hoạt động này còn nhiều, chợ nổi Vĩnh Thuận vì vậy còn hoạt động sôi động. Các chợ bây giờ sung túc, phố xá ồn ào, đông đảo người dân mua bán, siêu thị thi nhau “mọc” lên đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của mọi nhà.
Ngồi bên bờ kênh Phó Sinh lộng gió nối Phước Long của tỉnh Bạc Liêu với kênh Chắc Băng thưởng thức món mắm cá lóc chưng đặc trưng ngon “đáo để”. Cá lóc đồng cỡ vừa, chừng nửa cườm tay người lớn đem làm mắm, màu tự nhiên ửng đỏ, sực nức mùi thơm phát thèm. Người dân nơi đây có cách “chao” đường, ủ mắm gia truyền, ăn không quá mặn và cũng không ngọt.
Mắm lóc khi chưng ra, lấy đũa chạm vào và kéo lên đã có dòng nhựa mắm sền sệt kéo theo, đó mới là mắm hảo hạng. Sớ thịt mắm còn nguyên, từng sợi đỏ hồng; chấm với đọt chại, hẹ nước cùng đọt sộp, lá vừng, năn tươi không quên “lùa lia lùa lịa” chén cơm trắng thơm lừng cả mũi được nấu bằng gạo ST25 sản xuất trên nền tôm lúa nơi đây, không xài bất cứ hóa chất nào. Rồi nồi canh chua cá rô đồng tự nhiên mà cá nhiều hơn rau bốc khói nghi ngút làm “bể lỗ mũi” chấm với nước mắm nhỉ đặc sản Kiên Giang dầm với ớt hiểm vườn, cứ hít hà, ứa nước mắt…
Hay ghé kênh Trời ăn thịt trâu còn nóng hổi, làm dĩa lòng trâu luộc mới làm buổi sớm mai còn tươi rói, mà nghe “ngọt lịm” cả đầu lưỡi như thấm đẫm hương vị của từng cọng cỏ, sợi rơm vùng đất này trong từng thớ thịt. Về Chắc Băng đừng quên ghé chợ nổi Vĩnh Thuận, ghe xuồng tấp nập trên dòng kênh treo lủng lẳng trên “cây bẹo” nào là trái mận, trái xoài… mới hái từ vườn nhà.
Cải tạo để phát triển
Trên dòng kênh Chắc Băng bây giờ không chỉ có ghe xuồng mà còn có những chiếc tàu sắt “to đùng” vận chuyển vật tư, đá cát làm đường cao tốc; rồi tàu cao tốc lướt sóng “bay bay” trên mặt nước phục vụ nhu cầu đi lại của bà con. Dọc hai bờ kênh là những ngôi nhà tường khang trang, mọc lên hai, ba “thớt” đầy đủ tiện nghi, đường giao thông thông suốt...
Về Chắc Băng hôm nay nghe kể chuyện đáng khâm phục về lão nông Sáu Quân nhà ở bờ kênh Chắc Băng đoạn thuộc xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã “bỏ ra” 2 tỉ đồng xây cầu bắc ngang kênh để bà con vào viếng Phủ thờ Bác Hồ được dễ dàng. Dường như tính cách hào sảng, phóng khoáng và “chịu chơi” cho đáng “đồng tiền bát gạo” của những lưu dân Nam Bộ vẫn “rặt ri” trong lòng mỗi người dân Chắc Băng.
Dòng kênh Chắc Băng không chỉ mang trên mình nhiều huyền thoại lẫn các sự kiện lịch sử trọng đại mà nó còn mang một sứ mệnh thiêng liêng là dẫn ngọt về phục vụ tưới tiêu, mà hệ thống thủy lợi dọc theo tuyến kênh này sẽ được hình thành, điều tiết nước một cách phù hợp với hệ sản xuất con tôm, cây lúa. Đó là sự hài hoà giữa mặn và ngọt, hài hoà để phát triển nhanh và bền vững, hài hòa để đa dạng các mô hình sản xuất phát triển… Tất cả vì lợi ích của người dân, phù hợp với thực tiễn xã hội, đặc biệt là dù “cải tạo” thiên nhiên nhưng vẫn phải “thuận thiên” để phát triển bền vững.
Nguồn: https://laodongcongdoan.vn/
Tin và ảnh: HOÀNG LIÊN PHƯƠNG
Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử huyện Vĩnh Thuận
Ý kiến bạn đọc
Chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -...
Vĩnh Thuận - Kiên GIang trên đường phát triển