Hành vi xã hội của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng, quyết định nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng.
Vì sao chúng ta phải sống chung với Covid-19 ? Qua 2 năm phòng, chống đại dịch Covid-19, đến hiện tại, thế giới chưa tìm ra phương cách hữu hiệu để khống chế dịch bệnh, do đó không thể nhanh chóng xóa sổ đại dịch Covid-19; trong khi cuộc sống của con người vẫn phải tiếp tục, đất nước phải phát triển, xã hội phải hoạt động và trong hoàn cảnh đó con người phải học cách sống chung an toàn với dịch.
Xây dựng tâm thế để sống chung an toàn với Covid-19 lúc này đối với mỗi người là điều rất cần thiết: Chúng ta biết thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, đến nay thế giới có gần 245 triệu người mắc, gần 5 triệu người tử vong; Việt Nam có gần 890.000 ca mắc, 21.673 người tử vong; tỉnh Kiên Giangghi nhận gần 8.000 ca mắc, 85 ca tử vong; thiệt hại về kinh tế, xã hội rất nặng nề, chưa thể thống kê hết. Tuy nhiên, so với những đại dịch đã từng xảy ra trước đây thì thiệt hại về người còn lớn hơn rất nhiều, như dịch hạch làm chết khoảng 250 triệu người, dịch đậu mùa làm chết hàng trăm triệu người, dịch HIV làm chết 32 triệu người… Nhưng nhân loại cuối cùng cũng biết cách vượt qua để tồn tại và phát triển. Ngẫm như vậy để chúng ta không hốt hoảng trước những khó khăn, thách thức hiện tại do Covid-19 gây ra mà có niềm tin rằng thế giới sẽ ứng phó với nó một cách khoa học, hợp lý nhất.
Mỗi người không ai có thể sống trong một bong bóng miễn nhiễm. Dù đã tiêm đủ liều vắc xin vẫn có thể bị nhiễm và trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác; ai cũng có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của Covid-19. Bài học của các quốc gia sớm mở cửa trở lại cho thấy chỉ vắc xin là chưa đủ, mà ý thức về hành vi tự bảo vệ bản thân và trách nhiệm với cộng đồng mới là yếu tố then chốt để sống chung an toàn với Covid-19. Trong sự tương tác giữa người với người (tất yếu và phổ biến) trong trạng thái bình thường mới của xã hội, mỗi người phải xác định cho mình tâm thế mới để sống sao cho an toàn; biết lo ngại, biết đề phòng nhưng không sợ sệt, không hoảng loạn đến mất lý trí, khủng hoảng tinh thần.
Điều mọi người cần biết là cách thức lây nhiễm của vi rút Corona - là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (còn gọi là vi rút SARS-CoV-2). Bênh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người bệnh khi nói chuyện, hắt hơi; qua giao tiếp; qua đồ vật. Dấu hiệu mắc Covid-19: bệnh có biểu hiện như sốt, ho, khó thở, mất khứu giác, đau họng… Khi tiến triển nặng sẽ dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, nguy cơ tử vong cao.
Khi đã biết cách thức lây nhiễm của vi rút SARS-CoV-2 thì mỗi người cần thường xuyên ý thức phòng tránh bằng các biện pháp dễ làm mà ngành y tế đã khuyến cáo, trong đó quan trọng nhất là đeo khẩu trang (ở những khu vực nguy cơ cao hay đông người thì nên đeo thêm kính chống giọt bắn); giữkhoảng cách với người khác (nên thực hiện mọi lúc); rửa tay thường xuyên (bằng dung dịch sát khuẩn) nhất là sau khi tiếp xúc với người khác hoặc tiếp xúc với vật có thể mang vi rút. 3 biện pháp cơ bản trên ai cũng làm được dễ dàng. Như vậy, ai cũng có thể dễ dàng phòng bệnh an toàn và an tâm “sống chung" với Covid-19.
Điều mọi người nên nhớ là phòng bệnh tốt cho mình cũng chính là phòng bệnh cho người khác, cho người thân, cho cộng đồng. Như vậy hành vi xã hội của cá nhân là yếu tố quan trọng, quyết định nhằm kiểm soát dịch bệnh. Mọi người cần lạc quan, tin tưởng thực hiện các biện pháp phòng tránh có hiệu quả của mình để trở thành biện pháp phòng tránh của xã hội.
Ban Biên tập