Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Trần Anh
1. Tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam
- Sau gần 2 năm kể từ khi xuất hiện, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, xuất hiện liên tục các biến chủng mới. Làn sóng dịch lần này biến chủng Delta chiếm chủ đạo với đặc điểm: khả năng bám dính vào niêm mạc đường hô hấp tăng 175% so với chủng gốc; mầm bệnh nhân lên nhanh, tán phát ra môi trường rất lớn và nhanh; chu kỳ lây nhiễm nhanh, thời gian đào thải mầm bệnh dài, tỉ lệ tấn công cao; lây nhiễm qua không khí; số người nhiễm vi rút không có triệu chứng rất cao (khoảng 80%); tỉ lệ gây bệnh nặng cao hơn 234%, khả năng tử vong cao hơn 132% so với chủng cũ. Dịch đã bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, kể cả ở các nước có tỉ lệ tiêm chủng cao và có năng lực y tế. Đến ngày 3/10/2021, thế giới ghi nhận trên 235 triệu ca mắc Covid-19; trong đó có trên 4,8 triệu ca tử vong. Mỹ là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với số mắc và tử vong cao nhất với trên 44 triệu ca mắc, mỗi ngày ghi nhận khoảng 110.000 ca mắc và 2.000 ca tử vong. Tại khu vực Đông Nam Á, dịch bệnh bùng phát rất mạnh với số ca mắc và tử vong rất cao; trong đó In-đô-nê-xi-a ghi nhận số ca mắc và tử vong cao nhất, tiếp theo là Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a.
- Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch và hiện nay đang ở đợt dịch thứ 4. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Đợt dịch thứ 4 đã kéo dài hơn 5 tháng, ghi nhận hơn 808.000 ca mắc, hơn 19.600 ca tử vong. Dịch bệnh xuất hiện với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và đã tấn công vào các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư cao làm số ca mắc tăng rất nhanh trong thời gian ngắn. Dịch bùng phát tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc; trong đó một số tỉnh, thành phố đã phải thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội liên tục trên phạm vi rộng trong thời gian dài.
Đến nay, đợt dịch thứ 4 cơ bản được kiểm soát, số ca mắc hàng ngày đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Một số tỉnh, thành phố vẫn có các ca nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát trở lại và lây lan trên diện rộng tại bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.
2. Kết quả công tác phòng, chống dịch
* Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:
- Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc" và yêu cầu đặt sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra những định hướng lớn, các phương châm, đường lối, chiến lược về phòng, chống dịch. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo đồng bộ, tổng thể công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự xã hội, huy động và vận động xã hội, sản xuất và lưu thông hàng hoá, bảo đảm nguồn lực và thông tin truyền thông. Qua thực tiễn tình hình đã thống nhất chuyển hướng với các phương châm quan trọng: (1) Chuyển từ phòng ngự sang tấn công. (2) Lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", lấy người dân là "chiến sĩ", người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch; kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân nhất, sát dân nhất. (3) Tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ, chi viện kịp thời cho các địa phương có dịch và có nguy cơ cao bùng phát mạnh để nhanh chóng dập dịch.
- Các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương căn cứ quy định, chỉ đạo của Trung ương, các địa phương đã khẩn trương, tích cực, chủ động, linh hoạt bám sát tình hình và áp dụng các biện pháp phù hợp theo thẩm quyền. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, mô hình hiệu quả, huy động hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch.
* Kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch:
- Về tổ chức thực hiện, căn cứ vào chỉ đạo của cấp trên và tình hình dịch bệnh, các địa phương đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần các Chỉ thị của Chính phủ. Kết hợp hài hoà giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt và phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện. Các nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, tiếp cận, truy vết, cách ly, chăm sóc y tế cho người dân được giải quyết ngay tại cơ sở với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.
- Về biện pháp chuyên môn, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn về cách ly, khoanh vùng, dập dịch và xác định các địa bàn nguy cơ để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt việc xét nghiệm, tăng cường năng lực xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm nhiều vòng ở các địa bàn nguy cơ cao, rất cao; tầm soát, sàng lọc tại các địa bàn nguy cơ và bình thường mới. Đã ưu tiên điều trị giảm tử vong bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp; triển khai các mô hình chăm sóc người nhiễm tại nhà, huy động cộng đồng tham gia... ở các địa phương có nhiều người nhiễm; triển khai các nghiên cứu, ứng dụng, các phương pháp điều trị mới, kết hợp Đông - Tây y trong điều trị. Đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo, vận động, tác động để có vắc-xin tiêm chủng miễn phí cho Nhân dân; thành lập Quỹ vắc xin; tích cực triển khai ngoại giao vắcxin; chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch…
- Huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an với gần 300.000 lượt cán bộ của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác đang có dịch. Các lực lượng hỗ trợ đã cùng với lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.
- Chú trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực và chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các cấp, các đoàn thể, địa phương tổ chức vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các nước, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, kiều bào đã có đóng góp lớn bằng tiền và hiện vật với tổng giá trị nhiều chục nghìn tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Đã có rất nhiều mô hình tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội; xuất hiện nhiều tấm gương tương thân, tương ái thể hiện truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta.
- Các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở, mạng xã hội, mạng viễn thông đã thông tin tương đối kịp thời, chính xác, đầy đủ về công tác phòng, chống dịch.
- Triển khai quyết liệt các giải pháp về công nghệ thông tin và chuyển đổi số tạo sự thay đổi lớn so với trước đây. Hệ thống khám chữa bệnh đã được kết nối đến tất cả các quận, huyện; kết nối điều hành chỉ huy tới gần 100% các xã, phường, thị trấn.
- Công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm. Triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chỉ đạo xây dựng chính sách cho trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19.
3. Hạn chế và nguyên nhân
* Hạn chế:
- Công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Công tác chỉ đạo điều hành trong đầu đợt dịch thứ 4 có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động, chưa thống nhất, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi; bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống và năng lực quản lý của các cấp.
- Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi, có phần dành thuận lợi cho cơ quan quản lý và khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
- Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Một số nơi chưa thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý cấp trên; chưa ứng xử thực sự đúng mực trong xử lý tình huống nảy sinh, gây bức xúc, thiếu thiện cảm của người dân với chính quyền.
- Hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vắc-xin... đều phải nhập khẩu do chưa sản xuất được trong nước nên dẫn đến chưa kịp thời, bị động, chi phí cao. Không đảm bảo phương châm "4 tại chỗ" tại nhiều địa phương.
- Công tác truyền thông chưa được chuẩn bị kỹ, cơ chế cung cấp thông tin, nội dung, phương thức, lực lượng thông tin có lúc chưa thật hợp lý; có thời điểm bị động, lúng túng, chưa kịp thời, nhất là trong thời gian đầu của đợt dịch, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch, bất mãn, chống phá. Ứng dụng công nghệ thông tin còn bộc lộ nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.
- Công tác an sinh xã hội nhiều nơi chưa được kịp thời. Việc giải ngân các gói an sinh xã hội còn chậm, thủ tục hành chính còn phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
* Nguyên nhân:
- Nguyên nhân khách quan: Đây là một đại dịch mới, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng lớn, các nước chưa có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống. Đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, mạnh, khó kiểm soát. Dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư cao làm số nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian ngắn gây áp lực lớn cho hệ thống y tế, gây quá tải cục bộ, dẫn đến số tử vong tăng trong thời gian ngắn. Nguồn vắc-xin nước ta phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi vắc xin khan hiếm trên toàn cầu.
- Nguyên nhân chủ quan: Nhận thức về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh còn chủ quan, lơ là khi chưa có dịch; hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh khi có dịch. Dự báo tình hình chưa sát; năng lực phân tích, đánh giá khoa học về diễn biến dịch bệnh còn nhiều hạn chế.Trong lãnh đạo, chỉ đạo tại một số nơi, một số cấp còn lúng túng, thiếu quyết liệt, thiếu kiên định, còn chần chừ, do dự do tác động bởi nhiều nguồn thông tin khác nhau; chưa kịp thời chuẩn bị cho các tình huống, kịch bản xấu. Công tác quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách và việc hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị, đặc biệt là vắcxin có nhiều bất cập. Tiếp cận và độ bao phủ vắc xin chậm. Năng lực của cán bộ trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch có nơi, có lúc, có cấp còn hạn chế, chưa đồng đều. Có nơi, có lúc sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa các địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, thiếu nhất quán. Có địa phương chấp hành chưa nghiêm các chỉ đạo của Trung ương. Sự phối hợp giữa các lực lượng chưa thực sự nhịp nhàng, đồng bộ. Hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch; chưa có chính sách phù hợp đối với cán bộ y tế cấp cơ sở. Chưa chủ động được việc sản xuất vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, vắc xin. Công tác truyền thông giai đoạn đầu còn chậm trễ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong truyền thông, dẫn đến một bộ phận người dân chưa hiểu đúng, chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Ứng dụng công nghệ thông tin chưa khoa học, vẫn còn tình trạng manh mún, cục bộ, thiếu thống nhất, đồng bộ; trình độ công nghệ thông tin khác nhau giữa các địa phương và các lực lượng phòng, chống dịch; chưa có sự đầu tư kịp thời về phát triển công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Chưa đảm bảo đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các địa phương khi thực hiện giãn cách kéo dài.
4. Một số kinh nghiệm bước đầu
- Lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt và nhất quán từ Trung ương đến địa phương; huy động cả hệ thống chính trị và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động các nguồn lực trong, ngoài nước, nguồn lực của nhân dân và doanh nghiệp tham gia công tác phòng, chống dịch; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; coi trọng dân, chăm lo cho dân, vận động nhân dân.
- Phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện ở các cấp, nhất là ở cấp cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát đi đôi với hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức thực hiện; kết hợp hài hòa, hợp lý giữa thực hiện "4 tại chỗ" với kịp thời huy động, tập trung nguồn lực ở cả Trung ương và địa phương, dồn lực hỗ trợ cho các địa phương đang có hoặc có nguy cơ bùng phát dịch để xử lý dứt điểm, kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất.
- Cần bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án chống dịch từ sớm, toàn diện, đồng bộ ở mức cao nhất có thể (kể cả kịch bản cho tình huống xấu hơn) để tránh bị động, bất ngờ trước mọi diễn biến dịch bệnh. Chủ trương, mục tiêu, biện pháp phải dựa trên diễn biến dịch, năng lực hiện có và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
- Bình tĩnh, sáng suốt, không lơ là, chủ quan khi chưa có dịch; không hốt hoảng khi có dịch; bám sát diễn biến dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm với tinh thần cầu thị, lắng nghe; khi ban hành văn bản chỉ đạo phải nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ, chuẩn bị tốt truyền thông và các kịch bản ứng phó để chủ động trong xử lý tình huống. Khi các biện pháp, giải pháp đã được thực tiễn chứng minh là đúng thì phải kiên định, kiên trì, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
- Huy động tổng lực ngành y tế; thiết lập hệ thống chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. Phải chủ động vắc xin, thuốc điều trị.
- Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội. Truyền thông phải chủ động, đi trước một bước, định hướng dư luận. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng. Các biện pháp trước khi đưa ra cần được chuẩn bị về truyền thông. Chú trọng kiểm tra, giám sát trong công tác phòng, chống dịch.
5. Mục tiêu, quan điểm, giải pháp phòng, chống dịch thời gian tới
* Mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu bao phủ vắc-xin 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ em theo quy định nhanh nhất, sớm nhất có thể.
* Quan điểm: (1) Tiếp tục đặt sức khoẻ, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; phát huy vai trò người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; (2) Thống nhất trong toàn quốc việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với lộ trình từng bước, chặt chẽ, phù hợp, khả thi; vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an dân, an sinh, trật tự an toàn xã hội; (3) Phòng dịch là chiến lược, thường xuyên, lâu dài; tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là điều kiện tiên quyết; tiếp tục thực hiện yêu cầu 5K, đề cao ý thức người dân.
* Một số giải pháp lớn
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt hơn nữa công tác dự báo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; phát huy trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương chủ động xây dựng và tổ chức lộ trình thích ứng an toàn trên cơ sở độ bao phủ vắc xin, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế và diễn biến dịch bệnh tại từng địa phương; từng bước nới lỏng các yêu cầu phòng, chống dịch với lộ trình cụ thể, khả thi để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm kiểm soát dịch bệnh.
- Tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hoá, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Bảo đảm an ninh y tế, chú trọng thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế để chủ động trong phòng, chống dịch, kể cả đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi.
Tiếp tục nhập khẩu vắc-xin và thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và các năm tiếp theo; khuyến khích huy động nguồn lực địa phương, doanh nghiệp để mua vắc-xin nhưng phải quản lý chặt chẽ về cấp phép, bảo đảm chất lượng, bảo quản và tổ chức tiêm miễn phí, an toàn, hiệu quả. Đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc, thực hiện tiêm mũi tăng cường và triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học; nghiên cứu việc xã hội hóa tiêm chủng vào thời điểm thích hợp.
Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh.
- Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, xã hội hoá công tác an sinh xã hội trong thời gian tới. Quan tâm chăm sóc sức khoẻ, sang chấn tâm lý của người dân; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch; khắc phục các bất cập trong việc tổ chức học trực tuyến. Bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch và tham nhũng, tiêu cực.
- Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh; không ban hành các biện pháp trái với quy định của Trung ương, nhất là trong hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hoá, không để xảy ra ách tắc cục bộ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển bảo đảm an toàn, an ninh và các yêu cầu phòng, chống dịch.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi khi sử dụng và an ninh, an toàn thông tin. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận, niềm tin xã hội; nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang