Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây - Nét văn hóa đặc sắc của người Khmer

Thứ ba - 12/04/2022 20:58 1.928 0
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây - Nét văn hóa đặc sắc của người Khmer

Tết Chôl Chnăm Thmây là tết cổ truyền đặc sắc của người Khmer, mang ý nghĩa đón mừng năm mới, mừng mọi điều tốt đẹp, may mắn để xua tan những điều ô uế, tai hại, xui rủi của năm cũ. Ngoài ra, đây còn là dịp để con cháu gặp gỡ, quây quần, cùng nhau tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, những người hữu ân của thân tộc, gia đình.

12-4-22_2606a825640eff173c35700d83bef381.jpg

Nghi thức tắm Phật dịp tết Chôl Chnăm Thmây tại chùa Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

 

Tết Chôl Chnăm Thmây được diễn ra vào trung tuần tháng 4 (nhằm tháng 3 âm lịch), thường bắt đầu từ ngày 13/4 đến ngày 16/4 dương lịch. Trong những ngày này, người Khmer sẽ trang trí, dọn dẹp bàn thờ gia tiên và thiết trí bàn thờ Phật, tổ sư của gia đình. Các vật dụng tế lễ thiết trí được trang hoàng hết sức đặc biệt, theo một quy tắc chung, gồm: Một chiếc khay đựng sẵn 5 nhánh hoa, 5 cây đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm, 5 lá trầu, 5 điếu thuốc, 5 miếng cau khô, 2 ly nước thơm và hoa quả. Đồng thời, những vật tế lễ này cũng sẽ được bày cúng trên bàn thờ Chư Thiên (Tê Va Đa) ở trước sân nhà nhằm chuẩn bị tiễn Chư Thiên năm cũ để đón chào Chư Thiên năm mới về an trú tại bổn gia. Ngoài ra, tại bàn thờ Chư Thiên, người ta còn thiết trí thêm một cặp Bai Sây (vật tế lễ được làm từ thân cây chuối hoặc dừa nước) để cúng lễ và tôn trí thể hiện sự kính lễ, mong muốn Chư Thiên chăm sóc, chở che trong năm mới.

Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất gọi là Thngay Chôl Chnăm Thmây, là lễ rước Mâha Sangkran mới hay còn gọi là ngày rước Đại lịch mới. Trong ngày này, mọi người sẽ đem cơm đến cúng Trai Ngọ, dâng lên chư tăng nhằm cầu siêu, cầu an cũng như thỉnh pháp sư thuyết pháp. Sau đó, sẽ tiến hành nghi thức rước Đại lịch mới, báo hiệu thời điểm chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, giống như đêm giao thừa của người Kinh.

Ngày thứ hai gọi là Thngay Von-boch. Ngày này, mỗi gia đình sẽ làm cơm dâng lên chùa vào buổi sáng và trưa, nhằm hồi hướng phước báu đến các bậc hữu ân. Khi đêm xuống, họ đến chùa làm lễ bái tam bảo, thỉnh chư tăng đọc kinh cầu an, cầu siêu và thuyết pháp. Sau đó, sẽ tiến hành nghi thức đắp núi cát, đắp núi lúa, gạo theo truyền thống của dân tộc. Một điều đặc biệt trong ngày này là tùy theo tình hình, mà mỗi ngôi chùa sẽ thỉnh 10 vị chư tăng thuyết pháp vào buổi sáng hoặc chiều để ca tụng sự cống hiến, hy sinh của Bồ Tát Tu Đại Noa (tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) cũng như hạnh nguyện noi theo tấm gương sáng của Ngài “tránh việc ác, làm việc thiện, giữ tâm trong sạch".

Ngày thứ ba gọi là Thngay Lơn-săk hay còn gọi là ngày thêm tuổi. Đây là ngày chính cũng là ngày cuối của tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Tương tự như hai ngày đầu, sau khi đã dâng cơm sáng cho chư tăng ở chùa, người ta làm lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm, sau đó tắm cho các vị sư cao niên hạ lạp ở chùa, nhằm rửa sạch hết những bụi bặm của trần thế trong năm cũ, để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ và hoàn toàn mới. Sau phần nghi thức này, họ sẽ tổ chức lễ cầu siêu tại các tháp tập thể và cá nhân trong khuôn viên chùa. Kế tiếp, sẽ thỉnh chư tăng đến từng gia đình để tiếp tục thực hiện nghi thức cầu siêu cho ông bà quá cố; nghi thức này người Khmer gọi là Pi thi Băng Sa Cô.

Cùng với dòng chảy của thời gian, nhiều phong tục trong tết Chôl Chnăm Thmây đã có sự biến đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng các nghi lễ chính vẫn được bà con Khmer tiếp tục giữ gìn. Trong những ngày mừng năm mới này, bà con không chỉ tụ họp cùng nhau vui chơi, chúc tụng mà đây cũng là dịp bắt đầu vụ mùa mới, mọi người cùng nhắn nhủ nhau ra sức lao động, tăng gia sản xuất, làm cho vụ mùa bội thu, phum sóc giàu có, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Danh Đồng

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đảng bộ tỉnh Kiên Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay8,166
  • Tháng hiện tại136,776
  • Tổng lượt truy cập6,555,565
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây