Theo Quy định 208-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đổi tên thành Trung tâm chính trị cấp huyện, thêm 2 chức năng mới là tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương và tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy.
Chiều 17-12, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Quy định 208-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện và Kết luận 66-KL/TW của Ban Bí thư về tổng kết việc thực hiện theo hình thức trực tuyến tới các điểm cầu của các tỉnh ủy, thành ủy trong toàn quốc.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương; lãnh đạo các trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, giảng viên các trung tâm chính trị cấp quận huyện thành phố Hà Nội.
Tại điểm cầu các địa phương, có lãnh đạo ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo và chuyên viên phòng lý luận chính trị và lịch sử đảng; lãnh đạo trường chính trị tỉnh, thành phố; lãnh đạo ban tuyên giáo cấp huyện; lãnh đạo, giảng viên chuyên trách các trung tâm chính trị cấp huyện trong toàn quốc.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bùi Trường Giang khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu quan trọng trong 4 khâu của công tác cán bộ, trong đó, đánh giá cán bộ là tiền đề, quy hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá, đào tạo bồi dưỡng cán bộ vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài, nên phải thực hiện thường xuyên, nhất là đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Vì thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng làm cầu nối giữa Đảng với nhân dân, giữa công dân với Nhà nước; trong việc phát huyu sức mạnh của hệ thống chính trị từ cơ sở, tạo dựng các phong trào cách mạng của quần chúng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại. Vì vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm sâu sát, chỉ đạo trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó, có đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
“Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở luôn được cấp ủy đảng các cấp quan tâm. Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, bình quân mỗi năm, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong cả nước mở được hơn 76,4 nghìn lớp với hơn 4,2 triệu lượt học viên; có 1,7 triệu lượt cán bộ, đảng viên ở cơ sở được tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về những vấn đề lý luận mới, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của trung tâm trong việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh” – Đồng chí Bùi Trường Giang bày tỏ.
Bình quân mỗi năm, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong cả nước mở được hơn 76,4 nghìn lớp với hơn 4,2 triệu lượt học viên.
Có 1,7 triệu lượt cán bộ, đảng viên ở cơ sở được tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về những vấn đề lý luận mới, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới, thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, thực chất hơn, bền vững hơn về chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng trung tâm chính trị cấp huyện trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, Ban Bí thư giao đã giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW. Trên cơ sở của Đề án, ngày 8-11 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 66-KL/TW về tổng kết việc thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW và Quy định 208-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện. Đây là hai văn bản quan trọng, tiếp tục khẳng định vị trí,vai trò quan trọng của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện trong công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở; tạo tiền đề, điều kiện để đổi mới chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện trong tình hình mới.
Đồng chí Bùi Trường Giang đề nghị, các đại biểu tham dự Hội nghị ở tất cả các điểm cầu đề cao tinh thần trách nhiệm, chú ý lắng nghe hai báo cáo viên trình bày, nắm vững nội dung cơ bản, nhất là những điểm mới của hai văn bản; xây dựng đề án tổng thể để tổ chức thực hiện sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tiễn. Từ đó, xác định rõ lộ trình, nguồn lực để nhanh chóng triển khai đồng bộ, hiệu quả Kết luận 66-KL/TW và Quy định số 208-QĐ/TW của Ban Bí thư.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt, triển khai những nội dung theo Kết luận 66-KL/TW về tổng kết việc thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW và Quy định 208-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện.
Đồng chí Mai Yến Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW, đã tạo từng bước chuyển biến tích cực trong cơ cấu tổ chức và chất lượng hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Hầu hết các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan đã thực hiện tốt việc hướng dẫn, chỉ đạo những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn; cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW. Tiêu chuẩn về cán bộ, giảng viên của trung tâm được quy định rõ ràng hơn, bộ máy được sắp xếp tinh gọn hơn. Các trung tâm đã tìm ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia nghiên cứu khoa học.
Qua đó, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của trung tâm trong việc truyền bá và giữ vững nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, trang bị kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở.
Theo Quy định 208-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đổi tên thành Trung tâm chính trị cấp huyện, thêm 2 chức năng mới là tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương và tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy.
Trung tâm chính trị cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp huyện.
Về tổ chức bộ máy, trung tâm chính trị cấp huyện có đội ngũ cán bộ gồm giám đốc (trưởng ban tuyên giáo cấp huyện là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện theo chế độ kiêm nhiệm), phó giám đốc, giảng viên chuyên trách; biên chế từ 4-6 người, thuộc biên chế của các cơ quan đảng của cấp ủy cấp huyện, do ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, tổng số dân và cán bộ, đảng viên trên địa bàn.
Bảo Châu