Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, nên đồng chí sớm giác ngộ và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng ở trong và ngoài nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước, năm 1960.
Năm 1926, đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập; sau đó đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam kỳ. Với sự đóng góp của đồng chí Tôn Đức Thắng, phong trào công nhân Nam kỳ phát triển mạnh mẽ, chiếm đa phần trong các cuộc đấu tranh của công nhân cả nước trong những năm 1926-1928, đã tác động tích cực đến phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta. Trong thời gian này, đồng chí đã tích cực tham gia truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin đến với giai cấp công nhân Việt Nam và vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, đồng chí không chỉ là chiến sĩ tiên phong của giai cấp công nhân, một trong những người sáng lập tổ chức công đoàn, mà còn là một trong những đảng viên lớp tiền bối của Đảng ta.
Tháng 7/1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn, Sài Gòn, sau đó chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Gần 17 năm bị giam ở ngục tù, đồng chí đã tỏ rõ là một chiến sĩ cộng sản bất khuất, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, yêu thương đồng chí và những người cùng cảnh ngộ. Đồng chí đề xướng thành lập Hội cứu tế tù nhân, đây là hội tù Côn Đảo đầu tiên nhằm mục đích đoàn kết, giúp đỡ nhau trong đấu tranh và trong cuộc sống hàng ngày; từ đó gần gũi, giác ngộ cách mạng cho những người không phải tù nhân cộng sản. Đồng chí là một trong những đảng viên thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của tù nhân Côn Đảo. Vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, đồng chí tìm cách tiếp nhận sách, báo chí cách mạng cung cấp cho các đảng viên trong tù làm tài liệu học tập. Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng kiên cường, bản lĩnh đã truyền niềm tin cho các đảng viên tù Côn Đảo và làm kẻ thù khiếp sợ.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ Côn Đảo trở về, đồng chí Tôn Đức Thắng được giao phụ trách Ủy ban kháng chiến chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam bộ. Đồng chí cùng những cán bộ trung kiên của Đảng đi sâu xuống cơ sở, xây dựng phong trào, củng cố và phát triển chính quyền cách mạng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Khi được điều động ra Hà Nội công tác, đồng chí là một cộng sự đắc lực giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc kháng chiến kiến quốc. Thời gian này, đồng chí giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Tổng Thanh tra Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban Trung ương vận động thi đua ái quốc… Do có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí vinh dự là người đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý của Nhà nước ta.
Ngày 15/7/1960, đồng chí Tôn Đức Thắng được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên cương vị Phó Chủ tịch nước, đồng chí góp phần cùng Trung ương Đảng tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh bại “Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ ở miền Nam (1960-1964); đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta (1964-1969). Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, đồng chí Tôn Đức Thắng được giao gánh vác trọng trách Chủ tịch nước. Đồng chí luôn chăm lo đến sự nghiệp xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, nghiêm chỉnh thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác chính quyền. Đồng chí cùng với Trung ương Đảng tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng bằng đại thắng mùa Xuân 1975. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất, đồng chí Tôn Đức Thắng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch nước. Từ năm 1975-1980, đồng chí cùng với Đảng và Nhà nước lãnh đạo nhân dân ta giành được nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Đồng chí Tôn Đức Thắng từ trần ngày 30/3/1980, tại Thủ đô Hà Nội. Trong suốt cuộc đời cách mạng, đồng chí luôn tỏ rõ là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước tài năng, nhiệt huyết. Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã dành cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Việt Cường