Cuộc chiến tranh đầy tội ác mà chính Phủ Mỹ gây ra ở Việt Nam đã trôi qua hơn 45 năm, song 80 triệu lít các chất độc hóa học, trong đó có 366 kg dioxin mà Đế quốc Mỹ rải xuống trong 3.735 ngày (từ năm 1961 đến năm 1971) đã làm cho khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc dioxin và 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam. Những nạn nhân bị chất độc da cam là “những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ ”. Nhiều căn bệnh hiểm nghèo vẫn đang tiếp tục xảy ra cho những thế hệ con cháu họ. Đây là một nỗi đau da cam, nổi đau của dân tộc ta.
Đồng chí Lê Văn Lai (Mười Hùng), bên phải, nguyên bí thư Huyện uỷ Vĩnh Thuận
nhớ lại những năm tháng hoạt động cách mạng
Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng, hệ sinh thái bị đảo lộn, hầu hết động thực vật bị tiêu diệt. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết, hàng trăm ngàn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các bệnh phổ biến ở con cháu các nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể bị mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt là chất độc hóa học có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở nước ta, di chứng da cam đã lan truyền sang thế hệ thứ 4. Phần lớn những gia đình nạn nhân chất độc da cam đã và đang sống trong khổ đau, bệnh tật, đói nghèo và vô vọng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn huyện Vĩnh Thuận là nơi bị địch bắn phá, triệt hạ đau thương nhất. Ông Lê Văn Lai (Mười Hùng) nguyên bí huyện uỷ Vĩnh Thuận nhớ lại: “Những năm trực tiếp hoạt động kháng chiến ông đã chứng kiến cảnh Mỹ-Nguỵ đã rải không biết bao nhiêu là bom đạn, chất độc hoá học, chất độc da cam xuống vùng quê Vĩnh Thuận. Những lúc cùng đồng đội hành quân từ kinh Nông Trường, Lụt Út, sang Kiểm Lâm, Sân Gạch, Chắc Băng nhìn cảnh cây cối khô cằn chết gần hết, những vạt rừng lụi tàn đổ ngã. Địch triệt hạ làm cho cây cối rụng lá thành bãi hoang trống mùa màng thất bát nhằm cắt nguồn tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cách mạng”.Hiện nay, huyện Vĩnh Thuận có 112 người, trong đó nạn nhân trực tiếp là 66 người, nạn nhân gián tiếp là 46 người chịu nhiều di chứng chất độc da cam. Ông Nguyễn Văn Đấu ngụ ở khu phố Vĩnh Đông 1, thị trấn Vĩnh Thuận xúc động: Cha tôi hi sinh năm tôi 13 tuổi, không lâu sau tôi củng theo cách mạng để giải phóng quê hương. Trong những lần đi công tác, bám trụ trong rừng U Minh Thượng chúng tôi thấy Mỹ rải thuốc trắng cả cánh rừng. Hồi đó nghe mấy anh, mấy chú nói Mỹ rải thuốc khai hoang diệt cỏ. Từ dọc sông Cái Lớn về Vĩnh Bình và những vạc rừng xanh um cây trơ trụi lá chết gần hết. Đâu có ngờ đó là chất độc da cam…ông rơm rớm nước mắt chỉ tay về phía căn nhà của đứa con trai bị nhiễm chất độc da cam Nguyễn Văn Điền. Anh Điền đang khó nhọc đi lại vì bị teo hai chân. Anh nói: dù cơ thể không được nguyên vẹn nhưng phải ráng làm, cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Hai vợ chồng có một đứa con nhưng không dám sinh nửa vì sợ…anh bỏ lững câu nói rồi nhìn vào đôi chân dị tật của mình. Theo ông Đấu: ngoài ông và Điền bị nhiễm thì còn có một người cháu nội cũng bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Chú Nguyễn Văn Bê ở ấp Cạnh Đền 1 xã Vĩnh Phong bắt đầu tham gia kháng chiến năm 1959. Bị giặt bắt, trải qua 2 nhà giam với những màn tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng trung thành với Đảng với tổ quốc. Quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Chú nói: Tôi nhiễm chất độc da cam đã đành, nào ngờ khi vợ tôi sinh thằng Nguyễn Văn Anh nó cũng bị lây nhiễm. Bà Bê nghẹn nghào: Khi sinh ra nó nằm một chổ, không ngo ngoe động đậy gì. Ai chỉ gì làm nấy để trị cho nó, tôi chạy đi khắp nơi chổ nào có thầy hay là tôi đến. Châm cứu, bấm huyệt, hốt thuốt…làm mọi cách để cho con được bình thường. Vậy mà…không tiếp gì được cho con.Còn nhiều gia đình bị phơi nhiễm mang hậu quả nặng nề do di chứng chất độc da cam. Họ đang sống một cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân là dân thường không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu. Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình.Đồng chí Nguyễn Văn Mới, bí thư chi bộ-trưởng ấp Cạnh Đền 2 xã Vĩnh Phong cho biết: “Trong ấp hiện có 2 người là nạn nhân chất độc màu da cam đang hưởng chính sách trợ cấp hàng tháng. Đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhìn họ phải chịu những đau đớn của bệnh tật thật tội nghiệp. Chính quyền và người dân nơi đây luôn quan tâm, động viên chia sẻ với họ”.Hiện nay, còn nhiều người hoạt động kháng chiến trong vùng Mỹ sử dụng chất độc hoá học, nhưng chưa được giám định, hoàn chỉnh hồ sơ để được hưởng chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam. Chưa có chính sách, giải pháp hỗ trợ cho những người đã và đang công tác, sinh sống ở các vùng bị rải chất độc hoá học trước đây bị bệnh hiểm nghèo và sinh con dị dạng, dị tật, hoặc có nguy cơ cao nhiễm chất độc da cam sau ngày 30/4/1975. Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách. Hiện nay Đảng, nhà nước ta đang tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để không bỏ rơi ai- những con người đau đớn, khổ đau như thế này. Để đổi lấy độc lập tự do, mang ấm no hạnh phúc cho dân tộc. Những người lính cụ Hồ đã chiến đấu quên mình cho hòa bình trên quê hương thân yêu Việt Nam. Bom đạn chiến tranh không giết được họ, đòn roi tra tấn của kẻ thù không làm họ khuất phục nhưng vết thương đang cứa vào trái tim của họ từng ngày, từng giờ là nhìn thấy những đứa con, đứa cháu gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ gây ra. Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm - vì nạn nhân chất độc da cam!
Võ Thanh Xuân-Trưởng ban tuyên giáo Huyện uỷ, giám đốc trung tâm chính trị Huyện Vĩnh Thuận