Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Thứ tư - 04/05/2022 09:03 1.074 0
(HCM.VN) - Việt Nam và Lào là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn và uống chung dòng nước sông Mê Kông. Quá trình sinh sống và cùng chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc càng làm cho hai dân tộc sát cánh và gắn bó keo sơn hơn nữa, tạo nên mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Mối quan hệ đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay xỏn Phômvihẳn gây dựng, ngày càng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp và liên tục phát triển.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

(HCM.VN) Việt Nam và Lào là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn và uống chung dòng nước sông Mê Kông. Quá trình sinh sống và cùng chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc càng làm cho hai dân tộc sát cánh và gắn bó keo sơn hơn nữa, tạo nên mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Mối quan hệ đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay xỏn Phômvihẳn gây dựng, ngày càng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp và liên tục phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước. Ảnh tư liệu

Nguyễn Ái Quốc, người đầu tiên tìm con đường cứu nước cho nhân dân Đông Dương. Người vượt qua con đường cách mạng dân chủ tư sản, tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương và cách mạng giải phóng thuộc địa. Người xác lập cho Đông Dương con đường giải phóng khỏi ách thống trị thuộc địa và xây dựng đất nước theo xu thế của thời đại mới, đó là cách mạng Đông Dương là cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; sự nghiệp cách mạng của ba nước Đông Dương do nhân dân ba nước Đông Dương tiến hành. Tinh thần ấy được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1941), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: Các dân tộc Đông Dương đều phải chịu chung một ách thống trị của phát xít Pháp - Nhật, cho nên phải đoàn kết lại để đánh đuổi kẻ thù chung; song, Đảng phải hết sức tôn trọng và thi hành đúng quyền dân tộc tự quyết đối với các dân tộc ở Đông Dương. Sau khi giành được độc lập, các dân tộc sẽ tùy theo ý muốn mà tổ chức thành Liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành một quốc gia dân tộc “sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng”[1].

Trong mỗi chặng đường phát triển của cách mạng hai nước Việt Nam - Lào, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn luôn chăm lo xây dựng, vun đắp quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc. Tháng Tám năm 1945, khi thời cơ giành độc lập cho Việt Nam và Lào xuất hiện, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định Tổng khởi nghĩa và tiến hành Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào - Tuyên Quang (từ 13 đến 15-8- 1945).

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và quân dân Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào với phương châm giúp bạn là mình tự giúp mình. Tinh thần ấy được thể hiện trong Hội nghị cán bộ về công tác giúp đỡ Lào và Campuchia ( ngày 15-2-1949), quán triệt bốn phương châm của công tác quốc tế với nước bạn là: Không đứng trên lợi ích Việt Nam mà làm công tác Lào - Miên; nắm chắc nguyên tắc dân tộc tự quyết, do Lào, Miên tự quyết định lấy; không đem chủ trương, chính sách, nguyên tắc của Việt Nam ứng dụng vào Lào, Miên như lắp máy; cần giúp đỡ Lào, Miên để bạn tự làm lấy.

Quan điểm này của Người được khẳng định trong Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương: “Chúng ta kháng chiến, dân tộc Miên, Lào cũng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là kẻ thù của ta và của dân tộc Miên, Lào. Vì vậy, ta phải ra sức giúp đỡ anh em Miên, Lào. Và tiến đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt - Miên - Lào”[2].

Nhằm giúp cách mạng Lào phát triển nhanh chóng, Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giúp đỡ xây dựng, củng cố mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy những nhân tố chủ quan của cách mạng Lào.Ngày 11-3-1951, tại Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương, Mặt trận đoàn kết liên minh Việt-Miên-Lào được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và Hội nghị cũng bầu ra Ban chỉ đạo chung để điều hành sự phối hợp liờn minh chiến đấu giữa ba dân tộc khi chiến tranh bước sang giai đoạn mới. Theo đó, các đoàn thể quần chúng cũng lần lượt ra đời như Hội Lào cụ xạt, Hội yêu nước Côm- ma- đam, Hội người Hmông cụ xạt,…

Bên cạnh việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất và củng cố lực lượng, Người luôn trăn trở xúc tiến thành lập một chính đảng riêng ở Lào. Trong các cuộc gặp gỡ đồng chí Cay xỏn Phômvihẳn, Người khuyên nên lấy tên Đảng là Đảng Nhân dân cách mạng Lào để tập hợp mọi người yêu nước vào cuộc đấu tranh cứu nước. Với tinh thần đó và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 3-1951), Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam cử đồng chí Nguyễn Khang (Uỷ viên Trung ương Đảng) cùng một số cán bộ chủ chốt của Ban cán sự Lào (Ban công tác miền Tây) sang giúp những người cộng sản Lào chuẩn bị thành lập Đảng. Đến tháng 8-1953, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết về nguyên tắc làm việc giữa cán bộ Việt Nam với cán bộ Lào và việc thành lập chính đảng ở Lào. Mùa xuân năm 1955, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào thành công tốt đẹp, tạo điều kiện quan trọng cho thắng lợi của cách mạng Lào, thúc đẩy sự phát triển hơn nữa trong quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam- Lào.

Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tháng 6-1959, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ ở Lào và nêu trách nhiệm to lớn của Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp Lào; đồng thời Người chỉ dẫn phương hướng phát triển của cách mạng Lào là chuyển sang hình thức vũ trang vì kẻ thù đã dùng vũ trang tấn công cách mạng Lào: “Về Lào, ta phải thấy phe đế quốc nó có cả một kế hoạch viện trợ tính theo đầu người là cao nhất…Ta không quán xuyến liên tục…Đối với Lào ta phải bổ khuyết hết sức giúp. (Phải có) kế hoạch và cách giúp trước mắt và lâu dài. Ta giúp thiếu liên tục. Phải có tổ chức, giúp hết sức chặt chẽ…Lào có thể học kinh nghiệm của Trung Quốc từ năm 1922 (là) trường kỳ gian khổ. Đối với Lào ta nóng vội. Thấy thắng lợi không nhìn hết khó khăn.

Ta (phải) chú ý dân vận, địch vận. Có kế hoạch lâu dài.

Ta phải chú ý đến biên phòng. Đồng bào đói ta phải giải quyết sớm hơn. Phải săn sóc chu đáo. “Thực túc binh cường”. Ta tiếp tế nhưng phải có kế hoạch sản xuất để có lương thực. Ta phải giúp đỡ về xây dựng kinh tế…”[3].

Trải qua hai cuộc kháng chiến, nhất là trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt, quan hệ Việt - Lào phát triển đến đỉnh cao mới của hình thức liên minh chiến lược - hai nước chung sức chống đế quốc Mỹ. Mở đầu cho sự hợp tác, giúp đỡ là sự kiện quan trọng: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau (5-9-1962). Sáu tháng sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, ngày 10-3-1963, trong buổi chiêu đãi trọng thể Quốc vương Lào nhân dịp sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tình cảm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Vương quốc Lào: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em. Trải qua nhiều năm đấu tranh gian khổ và anh dũng, nhân dân hai nước chúng ta đã giành được độc lập, đã làm chủ đất nước của mình. Ngày nay chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng của anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”[4].

Phát huy tinh thần đoàn kết đó, quân dân Việt Nam và Lào đẩy mạnh liên minh, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi của Việt Nam là niềm cổ vũ to lớn nhân dân lào nổi dậy, giành chính quyền trong cả nước, thành lập nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vào ngày 2-12-1975. Cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của hai dân tộc Lào, Việt Nam trải qua những chặng đường lịch sử lâu dài và gian khổ đã tôi luyện ý chí đấu tranh và sức mạnh đoàn kết trên cơ sở của chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả, đồng thời ngày càng khắc sâu tình cảm đặc biệt như anh em ruột thịt giữa Đảng, Nhà nước, quân và dân hai nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1976) ghi nhận và đánh giá cao mối quan hệ giữa ba nước Đông Dương, nhất là quan hệ Việt Nam - Lào: “ Tháng lợi của chúng ta cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt Nam-Lào và Campuchia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung của ba dân tộc.”[5]

Là hai nước láng giềng rất mực thân thiết, gần gũi, quan hệ gắn kết nghĩa tình anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước và đặc biệt trong hơn tám thập kỷ qua kể từ thời kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng chung, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phomvihẳn đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của cách mạng hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng đất nước trong hòa bình và quá độ đi lên CNXH, quan hệ hai nước chuyển từ quan hệ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Ngày 18-7-1977, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Hiệp ước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai nước thúc đẩy ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này. Trong quá trình hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau sau chiến tranh, Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp Lào bảo đảm an ninh, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế. Quan hệ hợp tác đó được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; đề cao ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, trong công cuộc đổi mới của mỗi nước hơn 30 năm qua, Việt Nam và Lào đều giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Quan hệ hợp tác, hữu nghị, đặc biệt gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân nước được đẩy mạnh và không ngừng mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị giữa hai nước đã và đang phát triển trên một nền tảng sâu rộng và ngày càng vững chắc. Đến nay, các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và địa phương hai bên được tiến hành thường xuyên; Ủy ban liên Chính phủ thường niên được duy trì và củng cố. Giao lưu giữa các tổ chức, các tầng lớp nhân dân ngày càng nhộn nhịp, hình thức ngày càng phong phú. Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào trong những năm gần đây ngày càng khởi sắc, tạo nền tảng vật chất để liên kết và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Trong bối cảnh mới, trước những biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và yêu cầu phát triển của mỗi nước, Việt Nam và Lào đặt ưu tiên cao nhất là cùng phấn đấu tập trung mọi nỗ lực nhằm nâng quan hệ hữu nghị truyền thống tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện lên tầm cao mới, với phương châm thực chất, chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế trên trường quốc tế.


[1]Đảng Cộng sản Việt NamVăn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H, 2000, tập 7, tr 113.

[2]Đảng Cộng sản Việt NamVăn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H, 2001, tập 12, tr 36.

[3] Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp ngày 3-6-1959, lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

[4] Diễn văn chào mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi đón tiếp vua Lào đến thăm nước Việt Nam Dân Chủ cộng hoà, ngày 10-3-1963. Báo Nhân Dân, ngày 11-3-1963.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, NXB CTQG, HN, 2004, tr 475.

TS. Dương Minh Huệ
HỌC VIỆN CTQG HỒ CHÍ MINH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây