Tháng 12 năm 1958, với bút danh Trần Lực – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Tác phẩm được in lần đầu trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), sau đó được Nhà xuất bản Sự thật (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ngày nay) in thành sách và phát hành ngay trong tháng 12 - 1958.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” chúng ta cùng tìm hiểu những giá trị lý luận và thực tiễn về đạo đức cách mạng đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc.
Theo Người, đạo đức cách mạng gồm 8 luận điểm như sau:
Thứ nhất, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.
Thứ hai, là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân.
Thứ ba, là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng.
Thứ tư, là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng.
Thứ năm, là phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch.
Thứ sáu, là kiên quyết làm đúng chính sách có nghị quyết của Đảng.
Thứ bảy, đặt lợi ích của Đảng lên trên hết.
Thứ tám, là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng[1].
Phần đầu tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định : để chống lại chủ nghĩa cá nhân, nhất định phải rèn luyện, tu dưỡng và thấm nhuần sâu sắc đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước...
Người viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.
Đạo đức cách mạng giúp mỗi người khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không lo kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá...
Trong phần này, Bác nêu một số tấm gương sáng cán bộ Ðảng ta, như các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai... đã hy sinh cả tính mạng cho sự nghiệp cách mạng. Ðó là những biểu hiện cụ thể, cao quý của đạo đức cách mạng.
Phần tiếp theo của tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm và phân tích các yếu tố nội hàm của đạo đức cách mạng. Theo Người, đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Ðảng, cho cách mạng. Ðó là điều chủ chốt nhất.
Từ khái niệm đó, Người phân tích nội dung cụ thể của đạo đức cách mạng là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, đoàn kết chặt chẽ với nông dân, trí thức và toàn dân tộc, ngoài lợi ích của giai cấp và dân tộc, Ðảng không có lợi ích nào khác. Ðạo đức cách mạng là phải thực hiện được các mục tiêu của Ðảng, phải hoàn thành một cách xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Ðạo đức cách mạng là, vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải kiên quyết đấu tranh chống lại mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không cúi đầu. Người chỉ rõ có ba kẻ địch luôn chống lại chúng ta, đó là: chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc; thói quen và truyền thống lạc hậu vì nó ngấm ngầm ngăn cản sự phát triển của cách mạng và sự tiến bộ của chúng ta; kẻ thù thứ ba chính là chủ nghĩa cá nhân, nó ẩn nấp trong mỗi chúng ta, nó chờ mỗi khi ta thất bại hoặc thắng lợi là ngóc đầu lên. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ thù kia.
Ðạo đức cách mạng là, phải luôn luôn thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải thật sự gương mẫu, lời nói phải đi đôi với việc làm, tư tưởng phải thống nhất với việc làm. Ðạo đức cách mạng là, phải biết hy sinh cho sự nghiệp của Ðảng, của Tổ quốc và của dân tộc, coi đó là niềm vinh dự lớn. Không thể kể công với Ðảng. Có ít nhiều thành tích, thì họ muốn Ðảng “cảm ơn họ”. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ thì oán trách Ðảng. Ðạo đức cách mạng là, phải gắn bó máu thịt với nhân dân, tin dân, dựa vào lực lượng vô địch của nhân dân để lãnh đạo nhân dân chống lại mọi kẻ thù xâm lược, đói nghèo và lạc hậu.
Phần thứ ba của tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích về con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến lên CNXH. Người khẳng định: Muốn chủ nghĩa xã hội thành công thì phải chống được chủ nghĩa cá nhân và phải thực hiện cho được đạo đức cách mạng.
Theo Người: Ðấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không hề mâu thuẫn với bảo vệ lợi ích cá nhân, cũng không phải “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Ðiều này được bảo đảm bằng bản chất tốt đẹp của chế độ ta - đó là chế độ dân chủ, “bao nhiêu quyền lợi đều thuộc về nhân dân”. Ở phần này, Người đưa ra quan điểm rõ ràng: Không ai có thể thỏa mãn rằng mình đã có, đã đủ đạo đức cách mạng, bởi vì: “Cách mạng tiến lên mãi, Ðảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi”. Người cách mạng muốn tiến lên phải không ngừng tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, đồng thời phải gắn bó với phong trào, nghĩa là phải luôn sát thực tế, và phải luôn trau dồi lý luận Mác - Lê-nin.
Kết luận tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, bởi nó là “kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”. Và: “Ðạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Thấm nhuần vai trò của đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã bổ sung thêm một thành tố quan trọng thứ tư trong công tác xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”[2]. Việc bổ sung xây dựng Đảng về đạo đức trong mục tiêu của công tác xây dựng Đảng là vấn đề mới rất quan trọng và cần thiết trong tình hình hiện nay. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được coi là nhiệm vụ then chốt và trở thành yêu cầu cấp bách. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” xác định 3 vấn đề cấp bách nhất thì “Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” được xác định là cấp bách nhất. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tiếp tục chỉ rõ 9 biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Vận dụng những luận điểm có ý nghĩa sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên hiện nay, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên trong việc quán triệt sâu sắc tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề đạo đức cách mạng. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Tác phẩm Ðạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời đã sáu mươi năm nhưng những nội dung, những vấn đề có tính nguyên tắc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, để chống chủ nghĩa cá nhân, thường xuyên thực hiện đạo đức cách mạng, để xây dựng một Ðảng vững mạnh vẫn còn nguyên giá trị.
Kỷ niệm 60 năm tác phẩm Ðạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là dịp để chúng ta cùng ôn lại những lời dạy của Bác Hồ về đạo đức cách mạng, mà chính Người là một tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam noi theo.
[1] PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn- Tác phẩm “đạo đức cách mạng” với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng – Tạp chí Tuyên Giáo số 11 năm 2018.
[2] Văn phòng Trung ương Đảng: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, H, 2016, tr. 202.