"Báo hóa" tạp chí điện tử - hiện tượng cần chấn chỉnh

Chủ nhật - 24/03/2019 21:22 1.174 0
"Báo hóa" tạp chí điện tử - hiện tượng cần chấn chỉnh
“Báo hóa” tạp chí điện tử là cụm từ thường được nhắc tới trong thời gian gần đây. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý báo chí và người cầm bút coi đây là “căn bệnh” cần chấn chỉnh, phải áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc, để hạn chế những hệ lụy có thể xảy ra.

NHỮNG KHÁC BIỆT CƠ BẢN GIỮA BÁO - TẠP CHÍ

Đều là những ấn phẩm báo chí, tuy nhiên, báo và tạp chí có những đặc trưng riêng.

Những khác biệt cơ bản giữa báo và tạp chí thể hiện rõ qua các nội dung như: chức năng thông tin, nhiệm vụ thông tin, mô hình tòa soạn, đối tượng phục vụ, nội dung phản ánh, tổ chức nội dung, về đội ngũ sáng tạo tác phẩm báo chí, về thời gian xuất bản và phạm vi phát hành.

Theo đó, tạp chí là xuất bản phẩm định kỳ, thường có tính chất chuyên ngành; với nội dung chính là những thông tin chuyên sâu mang tính khoa học, nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, những tài liệu phân tích, đánh giá các vấn đề, sự kiện, những bài viết dự báo và chiều hướng vận động, phát triển của các hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Đối tượng công chúng tiếp nhận tạp chí thường tập trung theo lĩnh vực chuyên biệt, nhất là đối với các tạp chí khoa học chuyên ngành. Tạp chí chủ yếu sử dụng các thể loại chính luận như bình luận, chuyên luận hoặc tin tức khoa học, điều tra khoa học...

Khác với tạp chí, báo thể hiện rõ nét tính thời sự, cập nhật, đối tượng công chúng tiếp nhận đa dạng, phong phú hơn, với nhiều trình độ khác nhau. Nội dung phản ánh của báo bao trùm tất cả các sự kiện, vấn đề nảy sinh trong đời sống, xã hội. Các tác phẩm thường được thể hiện dưới nhiều thể loại báo chí khác nhau: phóng sự, ghi nhanh, điều tra, bình luận…

Khi hoạt động trên môi trường mạng internet, báo và tạp chí vẫn thể hiện rõ những đặc trưng khác biệt đó, để tạo thành bức tranh thông tin phong phú, đa dạng. 
 
“Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng hình ảnh, chữ viết, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng…”; “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng” (Luật Báo chí 2016)
 
 
ĐẾN HIỆN TƯỢNG "BÁO HÓA" TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ TRONG THỰC TIỄN

Trước hết cần khẳng định, trong những năm qua, các cơ quan báo chí cả nước bao gồm cả báo in và báo điện tử đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin, tuyên truyền kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân, là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội.

Nhiều cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí điện tử đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, nhất là kỹ thuật số, đa loại hình, đa nền tảng, tạo ra các sản phẩm báo chí có chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức, theo kịp xu thế báo chí của khu vực và thế giới; góp phần đạt hiệu quả về thông tin tuyên truyền, được đông đảo dư luận quan tâm, đồng thời tạo nguồn thu, phát triển kinh tế báo chí.

Theo số liệu được công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2018, cả nước hiện có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí in; 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Hiện có 189 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thành tích là cơ bản, hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại khuyết điểm, hạn chế, trong đó, có tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử.

Về bản chất, “báo hóa” tạp chí điện tử là hiện tượng một số tạp chí điện tử không thực hiện đúng nội dung, tôn chỉ mục đích, lách luật để “báo hóa”; biến tạp chí thành báo. Tình trạng này thường tập trung vào các tạp chí điện tử của các Hiệp hội, hội…Đối với các tạp chí điện tử là phiên bản của tạp chí in, “căn bệnh” này ít xảy ra hơn, hoặc nếu có thì mức độ không tới mức trầm trọng, báo động.

Tạp chí điện tử TTV bị Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính do thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí
Tạp chí điện tử TTV bị Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính do thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí

  Biểu hiện “báo hóa” thể hiện rõ từ nội dung thông tin: thay vì các nội dung mang tính chất chuyên ngành, phù hợp với một lượng độc giả nhất định, các tạp chí điện tử triển khai các tuyến tin, bài với nội dung rộng, bao trùm nhiều mảng, lĩnh vực không đúng tôn chỉ, mục đích; đến phương thức thông tin: nhiều thể loại báo chí thể hiện rõ tính chất “báo điện tử” như phóng sự, ghi chép, tin thông tấn… “lấn sân” các thể loại chính luận, chuyên luận, điều tra khoa học trên các tạp chí điện tử. Bên cạnh đó là việc các tạp chí điện tử mở các chuyên mục mang tính điều tra nhưng “đội lốt” dưới hình thức: Thư bạn đọc, Nhịp cầu bạn đọc... nhằm “đánh đấm”, khai thác các mảng miếng, đề tài tiêu cực, hút sự quan tâm của công chúng như đất đai, môi trường, bất động sản... Các chuyên mục “Tin nóng”, “Tin nổi bật” được đặt “trang trọng” lên vị trí hot để hút bạn đọc. Các chuyên trang: Đất đai, Bất động sản “mọc” lên ở cả những tạp chí điện tử mà nội dung, tôn chỉ, mục đích không hề liên quan gì tới mảng “nóng bỏng” này. Lợi dụng phương thức xuất bản giống với báo điện tử, các tạp chí điện tử thay vì lựa chọn cách xuất bản theo ngày, theo kế hoạch để “hút” độc giả nghiên cứu sâu, tra cứu thông tin, phản hồi khoa học về những nội dung nhất định mang tính chuyên ngành; đã chuyển hẳn sang xuất bản theo giờ, thậm chí theo phút, cập nhật thông tin liên tục như báo điện tử.

Không chỉ dừng lại ở các biểu hiện “báo hóa”, một loạt hệ lụy kéo theo như: sự gia tăng một lượng lớn phóng viên, cộng tác viên “đếm tầng”, sách nhiễu các cá nhân, tổ chức, chính quyền địa phương; hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, hoặc “ra giá” ngay từ khi tin, bài chưa online, nằm ở dạng chờ xuất bản; hiện tượng liên kết, đánh hội đồng các cá nhân, tổ chức; việc biên tập bổ sung, biên tập lần 2, lần 3, cập nhật thêm thông tin hoặc sửa chữa thông tin bài viết; tình trạng khoán thu, khoán hợp đồng quảng cáo, trả nhuận bút trên lượng view tác động không nhỏ tới đội ngũ người cầm bút tại các tạp chí điện tử…

Theo quy định của Luật Báo chí, các tạp chí điện tử xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, nhưng thực tế lại thường xuyên sản xuất tin, bài thuộc các lĩnh vực mà giấy phép không quy định. Do phương thức thông tin như báo điện tử nên các tạp chí điện tử cũng chịu áp lực về thời lượng tin bài phải nhanh, dẫn đến quy trình thẩm định tin, bài làm chưa tốt, thông tin sửa, gỡ nhiều. Bài nào cảm thấy chưa chắc chắn có thể đăng lên rồi sau có thể hạ xuống hoặc biên tập. Thêm vào đó là áp lực về kinh tế, phải tự chủ tài chính nên luôn tìm đề tài có tính chất giật gân, câu khách, xoáy nhiều vào tiêu cực mà ít đưa những điển hình tiên tiến, nhân văn, làm sao để bạn đọc vào nhiều, để thu hút quảng cáo. Sai tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật xúc phạm uy tín cá nhân, tổ chức là vấn đề nổi cộm, cần phải chấn chỉnh kịp thời. (Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông)

Trong năm 2017, 2018, một số tạp chí điện tử đã bị Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính do thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích và quy định ghi trong giấy phép. Mức nộp phạt lên tới vài chục triệu đồng cho mỗi tạp chí.

Giải thích về lý do sai phạm, không ít người có trách nhiệm tại các cơ quan tạp chí dẫn ra chủ yếu là tình hình kinh tế báo eo hẹp; đối với các tạp chí điện tử có ấn phẩm in, nếu cứ chỉ đăng tải bài nghiên cứu chuyên ngành, đẩy bài phiên bản in thì kinh phí duy trì khó khăn, đời sống phóng viên, biên tập viên không đảm bảo. Cùng hoạt động trong môi trường mạng internet, cùng có chữ “điện tử”, nếu tạp chí không tìm cách lấn sân sang mảng miếng của báo thì khó thu hút bạn đọc. Từ “cái khó” trong việc tồn tại, dẫn tới “cái khôn” chính là “báo hóa” sản phẩm tạp chí của mình chỉ tính bằng … gang tấc.

CHẤN CHỈNH “BÁO HÓA” TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ – NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY

Trước hết, để chấn chỉnh, “nắn dòng” đối với các tạp chí điện tử đang đi theo xu hướng “báo hóa”, cần có hệ thống các quy định, chế tài về vấn đề này.

Phát biểu kết luận của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 đã nhấn mạnh: “Bộ Thông tin và Truyền thông cần gấp rút xây dựng bộ công cụ định tính, định lượng cụ thể nhằm phân biệt rõ báo điện tử với tạp chí điện tử, chỉ đạo, định hướng kịp thời, nhằm chặn đứng, xử lý thật nghiêm khắc tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử - một vấn đề rất bức thiết trong công tác quản lý báo chí, truyền thông hiện nay”

Theo đó, bộ công cụ này cần được xây dựng khoa học, và bám sát các đặc trưng cơ bản phân biệt giữa báo, tạp chí nói chung và báo, tạp chí điện tử nói riêng; cũng như trên cơ sở thực tiễn báo chí Việt Nam thời gian qua. Từ tôn chỉ mục đích, nội dung thông tin, phương thức, hình thức thông tin, tỷ lệ bài viết nghiên cứu chuyên sâu đến cách thức vận hành, tổ chức cộng tác viên, mô hình tòa soạn…cần được quy định cụ thể, rõ ràng.

Bên cạnh đó, việc phê phán mạnh mẽ các biểu hiện sai phạm, tiêu cực trong hoạt động báo chí cũng cần phải triển khai nghiêm túc. Việc cơ quan quản lý báo chí công khai danh sách các cơ quan báo chí nói chung, tạp chí điện tử nói riêng vi phạm, bị xử lý; công khai các văn bản xử lý vi phạm chính là góp phần làm trong sạch đời sống báo chí trong tình hình hiện nay.

Cơ quan chủ quản của các tạp chí điện tử, cần nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động cơ quan báo chí dưới quyền bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ để triển khai các hoạt động nghiệp vụ phù hợp, đúng luật định.

Ban Biên tập các Tạp chí điện tử phát huy tính chủ động, sáng tạo tìm “lối ra” cho các sản phẩm báo chí của mình theo đúng khuôn khổ Luật định. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên các tạp chí điện tử cần nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề báo.

“Lối ra” cần dựa trên chính những ưu thế riêng có của tạp chí, đặc biệt là dựa vào “cánh tay nối dài”  - cộng tác viên là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên sâu với các bài viết mang tính định hướng thông tin và nghiên cứu khoa học cao.

Thay vì lách luật, “báo hóa”, các tạp chí điện tử cần tập trung nâng cao chất lượng nội dung, bám sát nhu cầu của độc giả riêng của mình, tận dụng ưu thế mạnh internet và các ứng dụng đa phương tiện để tạo sự liên kết nội dung thông tin chuyên biệt./.
 

Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Trung ương:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập66
  • Hôm nay11,500
  • Tháng hiện tại193,569
  • Tổng lượt truy cập6,323,069
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây