Giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức, bất công của thực dân, phong kiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), tức độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH là hoài bão lớn nhất của Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người về xây dựng CNXH phát triển(1) để phát triển xã hội và từng bước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện ở Việt Nam có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
QUAN NIỆM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ CNXH PHÁT TRIỂN
CNXH phát triển là khái niệm đã được Hồ Chí Minh nêu ra. Khái niệm này bao gồm mục tiêu xã hội phát triển tiến bộ và phương pháp thực hiện, nguyên tắc bảo đảm, nhằm đạt được mục tiêu xác định. Xã hội phát triển tức là sản xuất phát triển và xã hội tiến bộ; trong đó, phát triển sản xuất và tiến bộ xã hội phải gắn liền với nhau. Sản xuất kém phát triển thì xã hội ít tiến bộ, tức các hiện tượng văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội trong quốc gia có biểu hiện suy thoái (thoái bộ). Hồ Chí Minh đã từng nói về những điều này như sau: “Sản xuất phát triển tức là xã hội phát triển. Chế độ nào hợp với sức sản xuất thì đứng vững”(2) và “xã hội phát triển không ngừng, tiến bộ cũng phát triển không ngừng. Nếu hôm nay ngừng tiến bộ tức là ngày mai thoái bộ”(3).
Trong xã hội loài người, tồn tại các cộng đồng, tức “nhân dân” - lực lượng bao gồm “công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước”(4). Nhân dân là bao gồm tất cả các “cá nhân” (cá thể), “nhóm” (tập thể), “cộng đồng” (xã hội), như những người dân thường, các công dân, tổ chức giới, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo trong “nước nhà”(5) (quốc gia, tổ quốc). Hồ Chí Minh từng nói: “Chữ Người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”(6). Từ những điều được phân tích cho thấy rằng, CNXH phát triển là khái niệm nói về cộng đồng các dân tộc đều được sống trong một quốc gia “độc lập” (vật chất sống được bảo đảm công bằng), “tự do” (giá trị sống được bảo đảm bình đẳng) và “hạnh phúc” (tinh thần sống được bảo đảm công lý). Nói cách khác, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH phát triển, tức là tất cả cá nhân, nhóm, cộng đồng dân tộc trong quốc gia đều được hưởng “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(7). Theo Hồ Chí Minh: “CNXH nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng”(8). Theo đó, trong khái niệm CNXH phát triển, xã hội phát triển được nhìn nhận tương tự như mục tiêu tiến bộ; còn CNXH phát triển được nhìn nhận tương tự như phương pháp, nguyên tắc thực hiện, nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển tiến bộ, xã hội “dân chủ và giàu mạnh”(9).
Xây dựng CNXH phát triển cũng tương tự như xây dựng “con đường phát triển”(15), tức xây dựng, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ, môi trường, nhằm bảo đảm sự cân đối, cân bằng, hài hòa về môi trường sống tồn tại, sự công bằng, bình đẳng, công lý về quyền lợi, giá trị, tinh thần giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG CNXH PHÁT TRIỂN
Xây dựng CNXH phát triển ở Việt Nam là, trước hết, đội ngũ “cán bộ” - “cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng)”(10), tức các công chức, viên chức, đại biểu dân cử trong chính quyền, cần phải nhận thức rõ rằng, đây chính là thực hiện “con đường” hay “đường lối cách mạng dân tộc - dân chủ”(11) để bảo đảm phát triển đất nước, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Theo Hồ Chí Minh: “Mục đích của cách mạng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, giàu mạnh. Làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc và xây dựng một xã hội sung sướng, vẻ vang”(12); “làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới”(13) và “thời đại mới khiến cách mạng Việt Nam phải là cách mạng dân chủ mới, tức là cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân”(14).
Xây dựng con đường phát triển phụ thuộc vào xây dựng “con đường chính trị” của Đảng cầm quyền phải đúng đắn; tức hoạt động chính trị cần phải bảo đảm sự chân thật, hay “thật thà đoàn kết”(16) (đoàn kết thật sự), thể hiện chính trị nhân văn. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chính trị là: 1) Đoàn kết. 2) Thanh khiết từ to đến nhỏ”(17). Con đường phát triển phụ thuộc vào “con đường dân chủ”(18), tức phụ thuộc vào chính sách của Đảng và Chính phủ phải “đi đúng đường lối của nhân dân”(19). Người chỉ dẫn cho đội ngũ cán bộ nhận thức đúng đắn mục tiêu xây dựng, cách thức thực hiện con đường của CNXH phát triển “tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau”(20).
Xây dựng CNXH phát triển đặt trọng tâm vào lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Kinh tế là gắn liền với sản xuất, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh hay “tranh được lợi với thế giới”(21); còn văn hóa là gắn liền với thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí. Do vậy, cần phải gắn chặt tăng gia sản xuất với thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí sử dụng “nhân lực” (sức lao động), “vật lực” (tài nguyên), “tài lực” (tiền vốn) trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Vì thế, “chúng ta chỉ có thể xây dựng CNXH bằng cách tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào vào nhà trống. Cho nên phải giữ gìn của công”(22); “tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi CNXH, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”(23); “tiết kiệm thời giờ đi đôi với tăng năng suất”(24) và “phải hết sức tránh lãng phí ngày giờ, nhân lực và vật lực của đồng bào”(25).
Xây dựng CNXH phát triển phải “xây dựng những con người của CNXH”(26), tức xây dựng những người có “đạo đức cách mạng”, tư tưởng tiến bộ, không mắc các căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân (nhóm) vị kỷ đẻ ra, như quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tư tưởng lạc hậu, kiêu ngạo, hẹp hòi,“bảo thủ”(27). Hồ Chí Minh chỉ ra các căn bệnh này và cách phòng, chống: “Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào”(28); “kết quả của bệnh kiêu ngạo là: thoái bộ, xuống dốc”(29); “bệnh hẹp hòi tỏ ra ở chỗ đối với người ngoài Đảng nhiều khi quá khắt khe, hoặc phớt người ta đi, không chịu bàn bạc, hỏi han ý kiến”(30); “tư tưởng hẹp hòi, thì hành động cũng hẹp hòi, thì nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi không thể phát triển”(31), nhất là vì “chúng ta muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính cho nên chúng ta phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ”(32).
XÂY DỰNG CNXH PHÁT TRIỂN TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng CNXH phát triển có ý nghĩa giá trị to lớn trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay. Việt Nam tiến hành xây dựng CNXH đã hơn 40 năm; trong đó, có 30 năm phát triển kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tư duy nhận thức về xây dựng CNXH còn nhiều khiếm khuyết. Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu khoa học, lãnh đạo chính trị, xã hội chưa nhận thức rõ thực chất của các từ ngữ, khái niệm có liên quan đến xây dựng CNXH trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Chẳng hạn, nhiều nhà khoa học còn chưa nhận thức, phân biệt rõ mặt “tính chất” (tính từ), “bản chất” (động từ) và “thực chất” (danh từ) của khái niệm nói chung; các khái niệm quyền lực, chính trị, dân chủ, pháp luật, pháp quyền, phát triển xã hội, CNXH, chủ nghĩa cá nhân, kinh tế thị trường nói riêng. Có nghĩa là tư duy “học thuật” (tri thức khoa học) trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội ở Việt Nam còn chưa được phân tích làm rõ về thực chất.
Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (2016) đã chỉ ra những bất cập về tư duy nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong các lĩnh vực, như chính trị (chính sách, chính quyền, nhà nước), pháp luật (Hiến pháp, các đạo luật), kinh tế thị trường, phát triển kinh tế thị trường, văn hóa, xã hội. Văn kiện đã chỉ rõ những bất cập đó như sau: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ”(33); “sự phân định giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ”(34); “nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế”(35) và “nhận thức của một số cán bộ các cấp, các ngành về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chưa thật đầy đủ, sâu sắc”(36). Trong khi đó, “nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ, nhất là về kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước”(37), nhất là “chưa nhận thức đầy đủ và xử lý tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường”(38)...
Những bất cập về tư duy nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong nghiên cứu khoa học xã hội, đặc biệt về tư duy học thuật, mà Đảng đã chỉ ra, xuất phát chủ yếu từ sự hạn chế về nhận thức tính chất, bản chất, thực chất của các khái niệm trong khoa học xã hội. Do vậy, việc nhận thức đúng đắn các khái niệm nói chung, trong đó có khái niệm xây dựng CNXH trong điều kiện phát triển, đổi mới, hội nhập hiện nay là hết sức cần thiết.
Để thực hiện nhiệm vụ Đảng đã đề ra: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(39) và “đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(40), trước hết, theo chúng tôi, cần phải thực hiện một số giải pháp đổi mới tư duy về ngôn ngữ học, phát triển xã hội và xây dựng CNXH như sau:
Một là, đổi mới tư duy về ngôn ngữ học. Đổi mới tư duy về ngôn ngữ học có nghĩa là cần phải nhìn nhận khái niệm theo mô hình cấu trúc thực chất của sự thật như sau: “Bản chất sự thật - thực chất thật - tính chất thật sự”(41). Tức khái niệm bao hàm các mặt bản chất (nội dung, bên trong), tính chất (hình thức, bên ngoài) và thực chất (nguyên lý, toàn diện) tồn tại ở giữa. Mô hình cấu trúc thực chất của khái niệm có thể được biểu thị như sau: bản chất bên trong (động từ) - thực chất ở giữa (danh từ) - tính chất bên ngoài (tính từ). Điều đó có nghĩa là, khi một từ, cụm từ được sắp xếp theo đúng quy luật khách quan, thì chúng có thể được nhìn nhận là “khái niệm hoàn chỉnh” (khái niệm vừa thể hiện cả động từ, danh từ, tính từ) hoặc “khái niệm chưa hoàn chỉnh” (khái niệm chỉ thể hiện động từ, danh từ; hoặc danh từ - tính từ). Do vậy, đổi mới tư duy về khái niệm trong ngôn ngữ học có nghĩa là mỗi công chức chính trị, viên chức hành chính, đại biểu dân cử, các nhà khoa học cần phải nhận thức rõ bản chất (bên trong), tính chất (bên ngoài) và thực chất (toàn diện) tồn tại ở giữa của khái niệm. Đây được coi là cơ sở lý luận để đổi mới tư duy nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, phát triển xã hội và xây dựng CNXH nói riêng ở Việt Nam.
Hai là, đổi mới tư duy về phát triển xã hội. Phát triển xã hội hay xã hội phát triển là khái niệm chưa được các nhà khoa học nhận thức thấu đáo, phân tích thật rõ ràng. Phát triển xã hội có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện thực chất sự công bằng, bình đẳng, công lý về quyền lợi, giá trị, tinh thần giữa các cá nhân (cá thể), nhóm (tập thể), cộng đồng (xã hội) của loài người(42). Phát triển xã hội là khái niệm gắn liền với khái niệm tiến bộ xã hội. Phát triển xã hội là cơ sở nền tảng để phát triển đất nước (quốc gia). Phát triển quốc gia là khái niệm biểu hiện thực chất sự cân đối (bình đẳng), cân bằng (công bằng), hài hòa (công lý) về phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng. Mô hình cấu trúc thực chất của phát triển xã hội, quốc gia có thể được biểu thị như sau: giá trị (bản chất phát triển: thực hiện bình đẳng xã hội) - tinh thần (thực chất phát triển: bảo đảm công lý quốc gia) - quyền lợi (tính chất phát triển: công bằng xã hội). Điều đó có nghĩa, đổi mới tư duy về phát triển xã hội là cần phải nhận thức đúng đắn về tính chất, bản chất, thực chất của phát triển xã hội. Tính chất của phát triển xã hội là nói tới phát triển kinh tế; bản chất của phát triển xã hội là nói tới phát triển văn hóa; còn thực chất của phát triển xã hội là nói tới phát triển quốc gia.
Ba là, đổi mới tư duy về xây dựng CNXH. Đã nhiều năm nay, các nhà khoa học, lãnh đạo chính trị, xã hội ở Việt Nam thường chỉ nói tới xây dựng CNXH mà không nói tới thực hiện CNXH; tức là, CNXH chỉ được nhận thức về mặt xây dựng mục tiêu (tính chất), chứ không được nhận thức về mặt phương pháp (bản chất) và nguyên tắc (thực chất) thực hiện, nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu. Do vậy, đổi mới tư duy về xây dựng CNXH, tức là cần nhận thức đúng đắn rằng, đây chính là xây dựng và thực hiện mục đích (mục tiêu) phát triển của CNXH, hay xây dựng CNXH phát triển hướng tới “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(43) như điều mong muốn cuối cùng của Hồ Chí Minh trong bản Di chúc. Điều đó có nghĩa là, CNXH phát triển cũng tương tự như một con đường phát triển theo quy luật khách quan. Trong con đường này, xã hội phát triển được coi là mục tiêu của cộng đồng quốc gia, dân tộc, còn CNXH phát triển được coi là phương pháp dân chủ, nguyên tắc pháp quyền để thực hiện, nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu xã hội phát triển. Nói cách khác, xã hội Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững, thì cần phải xây dựng “thể chế chính trị - xã hội pháp quyền dân chủ”(44), nhằm thực hiện từng bước các mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” như Điều 3 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã nêu ra./.