Chúng tôi đến thăm cô Tư Lệ nhà ở đường Lâm Quang Ky thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang trong những ngày tháng 4 lịch sử. Cô Tư là một trong những người đã cùng đảng bộ, quân và dân Vĩnh Thuận tấn công đánh vào chi khu Kiên Long, giải phóng hoàn toàn huyện Vĩnh Thuận năm 1975.
Cô Tư Lệ tên thật Lê Thị Dương sinh năm 1932 tại Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận (nay là U Minh Thượng) trong một gia đình giàu lòng yêu nước của vùng U Minh lịch sử. Tiếp bước truyền thống gia đình, Cô Tư tham gia cách mạng năm 18 tuổi, năm 1956 vinh dự được trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Tám mươi tám tuổi đời, 65 năm tuổi đảng, người phụ nữ ngồi trước mặt tôi luôn hoạt bát, nhanh nhẹn thể hiện lòng bao dung, nhân hậu của một người bà bắt đầu dẩn dắt tôi trở về ký ức của những năm tháng đau thương, mất mát nhưng anh dũng tự hào.
Năm 1975, tỉnh ủy Rạch Giá phân công đồng chí Lê Thị Lệ, thường vụ tỉnh ủy về chỉ đạo để đánh giải phóng hoàn toàn huyện Vĩnh Thuận. Cô Lê Thị Lệ nhớ lại: Thực hiện ý kiến chỉ đạo phải tăng cường lực lượng cho tỉnh Rạch Giá trong chiến dịch mùa xuân năm 1975. Ta điều động quân số, vủ khí hành quân cấp tốc chi viện cho tỉnh. Cho nên khi chuẩn bị đánh vào chi khu Kiên Long giải phóng Vĩnh Thuận thì lực lượng của ta rất mõng, súng ống, khí tài thiếu thốn. Tôi chỉ đạo phải bổ sung gấp đại đội địa phương quân.
Quán triệt thực hiện nghị quyết 15 ngày 29-3-1975 của Trung ương cục Miền Nam: “Động viên toàn đảng, toàn quân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng, vùng lên tổng công kích tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sập toàn bộ ngụy quân ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân với khí thế tấn công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam”. Tôi và các đồng chí trong Huyện ủy mượn xuồng đến cơ quan quân khu 9 đóng tại Bờ Lời, Vĩnh Bình Nam xin hổ trợ 60 súng, 5 quả H.12. Đồng thời chỉ đạo các đoàn thể ở huyện xuống các xã mở một đợt vận động thanh niên tòng quân từ trong nội bộ Đảng, đoàn thể ra tận quần chúng. Trong một thời gian ngắn đã có 300 thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong số này có 31 đảng viên, 66 đoàn viên, bổ sung ngay cho địa phương quân huyện và du kích, số còn lại đưa về trên.
Sau khi có súng, huyện ủy Vĩnh Thuận tập trung về Vườn Bộ Gia Kinh I để tổ chức huấn luyện chuẩn bị cho cuộc tấn công, nổi dậy giải phóng huyện Vĩnh Thuận.
7 giờ tối ngày 30-4-1975 lực lượng ta xuất quân theo kế hoạch. Mũi thứ nhất từ kinh Một tấn công vô chi khu do đồng chí Trường Giang, Huyện ủy viên, Huyện đội trưởng chỉ huy. Mũi thứ hai từ Cạnh Đền tấn công ra chi khu do đồng chí Huỳnh Hoàng Diệu, Huyện ủy viên, Huyện đội phó chỉ huy. Mũi thứ ba từ Đường Sân tấn công vào chợ Vĩnh Thuận do đồng chí Ba Hành, Thường vụ huyện ủy, chính trị viên Huyện đội chỉ huy. Khoảng 10 giờ khuya, ta áp sát chi khu địch nổ súng tấn công. Ta bắn 10 quả đạn cối 82 mm, áp sát nơi địch đóng quân thì thấy chúng co cụm và chống cự yếu ớt.
Đồng chí Lê Thị Lệ nhớ lại: lực lượng trinh sát của ta phát hiện địch chuẩn bị tập trung đạn, vũ khí để pháo kích ra. Ta quyết tâm vừa đánh vừa đàm. Lúc đầu tên đại úy Bé rất ngoan cố, không chịu đầu hàng. Tôi gọi vào máy PRC.25 liên lạc với Đại úy Bé phụ trách chi khu: “Nhân danh mặt trận dân tộc giải phóng, tôi kêu gọi đại úy phải bỏ súng đầu hàng quân cách mạng để tránh thương vong. Chúng tôi đã chiếm lĩnh trận địa, nếu đại úy không đầu hàng tôi sẽ cho H 12 bắn đào chi khu”.
Thấy thế và lực ta rất mạnh nên tên Bé xin chấp nhận đầu hàng, hẹn hôm sau đúng 7h sáng ngày 1 tháng 5 bàn giao cho chính quyền cách mạng. Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, huyện Vĩnh Thuận hoàn toàn giải phóng.
Từ giã cô Tư Lệ ra về lòng tôi tràn đầy cảm xúc. Người phụ nữ cả đời tận trung, tận hiếu với đảng với dân, hi sinh cho độc lập tự do của đất nước. Tôi nhớ mình đã gặp cô nhiều lần, mỗi lần từ giã cô ra về là mỗi lần để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Cô đã dạy cho chúng tôi những bài học sâu sắc về tình đồng chí, nghĩa nặng đối với sự yêu thương đùm bọc che chở của người dân vùng U Minh Thượng. Đó là tình đồng đội sẵn sàng hi sinh cho nhau trong kháng chiến. Đó là tình mẩu tử thiêng liêng của người mẹ bụng mang, dạ chửa ra chiến trường. Đó là mối tình thủy chung son sắt với người chồng, người bạn chiến đấu Trần Quang Quýt. Hôm chuẩn bị cho trận chiến đánh vào chi khu Kiên Long cô đã gửi đứa con mới 9 tháng tuổi của mình cho người thân để trực tiếp đi mượn súng của quân khu 9 đánh giải phóng hoàn toàn huyện Vĩnh Thuận.
Tôi nhớ lần về dự khánh thành khu di tích Ranh Hạt, ngồi đò dọc trên kinh xáng Chắc Băng qua khu di tích cô Tư nghẹn ngào xúc động: Cô may mắn còn được như ngày hôm nay là nhờ sự động viên, giúp đỡ của đồng chí, đồng đội. Sự hi sinh che chở đùm bọc của nhân dân vùng U Minh lịch sữ.
Vâng! Chúng tôi cũng sẽ không bao giờ quên Cô Tư Lệ, không bao giờ quên những người đã chiến đấu quên mình cho tự do, độc lập, cho hạnh phúc, ấm no ngày hôm nay.
Bài và ảnh: Võ Thanh Xuân