Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 - 19-8-2020), Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã ra mắt độc giả tác phẩm: "Cách mạng Tháng Tám 1945 - thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX" của hai tác giả: GS, TS NGND Trịnh Nhu và PGS, TS Trần Trọng Thơ.
Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên một kỳ tích của dân tộc trong thế kỷ XX: Tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám, lật đổ ách thống trị tàn bạo của phát xít Nhật, đánh đổ chế độ quân chủ lỗi thời, giành quyền độc lập dân tộc, khôi phục nền thống nhất của đất nước; thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nhân dân lên vị trí người làm chủ đất nước.
Là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thế kỷ XX, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc ta và trải qua 75 năm kiểm nghiệm bằng những thắng lợi vĩ đại của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bằng những thành tựu rất quan trọng của sự nghiệp xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới mà nhân dân ta đã và đang tiến hành.
Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước và nước ngoài về Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tuy nhiên, với tầm vóc, ý nghĩa to lớn, ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng và giá trị lâu bền, Cách mạng Tháng Tám vẫn còn chứa đựng nhiều sự kiện cần được tái hiện, nhiều vấn đề lịch sử cần được luận giải thấu đáo, nhiều kinh nghiệm lịch sử cần được đúc kết và vận dụng cho hiện tại và tương lai.
Từ những nhận thức trên đây, mục đích của nhóm biên soạn tác phẩm "Cách mạng Tháng Tám 1945 - thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX" là để phản ánh và làm sáng rõ hơn một số vấn đề lịch sử trong toàn bộ tiến trình vận động Cách mạng Tháng Tám khởi đầu bằng thời điểm cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra (tháng 9-1939), Đảng Cộng sản Đông Dương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên, huy động tối đa sức mạnh dân tộc chuẩn bị lực lượng mọi mặt và chớp thời cơ tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đến ngày 2-9-1945.
Tác phẩm gồm 6 chương với những nội dung chính: Chương 1- Vận mệnh dân tộc nguy vong dưới ách thống trị Pháp – Nhật và chủ trương “thay đổi chiến lược” của Đảng Cộng sản Đông Dương; Chương 2 - Khơi dậy và quy tụ các nguồn lực dân tộc phục vụ nhiệm vụ cứu quốc; Chương 3 - Đấu tranh chính trị chuyển lên kết hợp với đấu tranh vũ trang; Chương 4 - “Kháng Nhật cứu nước”; Chương 5 - Toàn quốc tổng khởi nghĩa “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”; Chương 6 - Cách mạng Tháng Tám sự kiểm nghiệm giá trị lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam tầm vóc và bài học kinh nghiệm.
Bên cạnh việc nhấn mạnh những thành công vô cùng lớn lao của Cách mạng Tháng Tám, nhóm biên soạn cũng phản ánh và luận giải rõ những hạn chế về quan điểm tiến hành cách mạng, về công tác xây dựng Đảng ở một số cấp bộ; chỉ rõ những khuyết điểm trong đấu tranh chống khủng bố và lãnh đạo khởi nghĩa ở một số địa phương./.
Theo baonhandan.com.vn