TÀI LIỆU THAM KHẢO SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 11/2021
_______________
I. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG VÀ KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC (Tiếp theo kỳ trước)
3. Những nội dung cơ bản trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
3.1. Xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với cương vị là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng của Người đã được nhấn mạnh tại Đại hội II của Đảng (1951): Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, phú cường. Người nhiều lần nhắc nhở: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Người đã nêu lên những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền đó là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Nói cách khác, tập trung giải quyết hai vấn đề trọng yếu: phục hồi và phát triển nội lực đất nước; đối ngoại linh hoạt tránh nguy cơ ngoại xâm, kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.
Trong các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách đó, Người đặc biệt chú trọng việc nâng cao dân trí, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh. Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (5/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ, khích lệ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, trước đây thực dân Pháp cai trị đã thực hiện chính sách ngu dân để dễ lừa dối, bóc lột dân ta, có tới 95% đồng bào ta không biết chữ. “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”. Nạn thất học, kém hiểu biết là một cản trở lớn cho sự phát triển của đất nước và dân tộc. Người kêu gọi: “...Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.
Bên cạnh việc nâng cao dân trí, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nhiệm vụ quan trọng trong kiến thiết đất nước là bồi dưỡng nhân tài. “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều". Xuyên suốt hai cuộc trường chinh kháng chiến chống lại các thế lực đế quốc thực dân Pháp và Mỹ, đường lối kiến thiết đất nước, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh luôn được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách cụ thể, phù hợp, sáng tạo và quyết liệt.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người bày tỏ điều mong muốn cuối cùng, cũng là khát vọng tột bậc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Những tư tưởng, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Việt Nam hùng cường tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân tộc từng bước hiện thực hóa trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới phát triển đất nước trong 35 năm qua và trong những chặng đường tiếp theo. Kết quả, thành tựu đem lại “rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật”, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
3.2. Thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân
Hồ Chí Minh ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước đã mang khát vọng lớn lao: Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Người khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Khi nước nhà độc lập, khát vọng ấm no, hạnh phúc của nhân dân trở thành động lực và mục tiêu hành động của toàn Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng của Người, hạnh phúc của người dân đơn giản là quyền sống, từ đó phát triển một dân tộc, một quốc gia hạnh phúc. Đó là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ, bình đẳng, không có chế độ người bóc lột người, “một xã hội hoàn toàn mới mẻ, đầy tính nhân văn, “đưa quần chúng đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho mọi người lao động có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi sáng”.
Trong quá trình xây dựng đất nước, Người rất coi trọng các chính sách kinh tế nhằm đạt tới sự ổn định và phát triển xã hội, đem lại hạnh phúc cho con người. Người khẳng định Ðảng ta, Nhà nước ta từ nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của nhân dân.
Cả cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiến dâng trọn vẹn cho cách mạng, “chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân". Trong Di chúc, Người dặn dò: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Mong muốn của Người là ai ai cũng được góp công sức vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và được hưởng thành quả do cách mạng mang lại.
Ý chí, khát vọng độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, hùng cường cho dân tộc và tấm gương mẫu mực suốt đời phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là động lực, tư tưởng soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
3.3. Xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân
Hiện thực khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải xây dựng chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ, thật sự vì dân, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội văn minh, tiến bộ với những giá trị đạo đức tốt đẹp. Muốn vậy, phải xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch thực hiện với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân.
Đất nước giành được độc lập, vấn đề kiến thiết, phát triển kinh tế - xã hội trở nên cấp thiết. Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78 về việc thiết lập “Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết” của Chính phủ. Phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban ngày 10/1/1946, Hồ Chí Minh mong muốn mọi người “đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội”, “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”. Trong thư gửi các giới công thương Việt Nam, Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”. Người nhấn mạnh, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Các nhà công nghiệp, thương nghiệp hãy cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp”, “Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng”. Người khuyến khích: “Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”.
Theo Người, “muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển công nghiệp nhưng đồng thời cũng phải phát triển nông nghiệp, vì hai ngành đó khăng khít với nhau... Nếu ngành công nghiệp phát triển mà ngành nông nghiệp không phát triển thì khập khễnh như người đi một chân”. Xuất phát từ điều kiện nước ta, sản xuất nông nghiệp có một vị trí hết sức quan trọng, Người chủ trương phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác, để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hóa nước nhà.
“Nhân dân ta, đặc biệt là công nhân và nông dân ta, phải hăng hái thi đua yêu nước, thực hiện khẩu hiệu: làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. “Tự lực cánh sinh, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”. Có sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn xã hội, như vậy mới phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi.
3.4. Phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài
Vấn đề nội lực dân tộc là một điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, ngay khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh nội lực của hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã được phát huy, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân.
Sau ngày nền độc lập ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tự lúc giành quyền độc lập đến nay, xứ Việt Nam ta vẫn hết sức cố gắng để một mặt yên nội trị, một mặt gây thực lực chống xâm lăng và tranh thủ ngoại giao được thắng lợi. Sức cố gắng ấy đã đem lại cho chúng ta những kết quả khả quan”. Điều này đã nói lên tinh thần, quan điểm, đường lối của Đảng và Bác Hồ trong xây dựng và bảo vệ đất nước là phát huy tối đa các nguồn lực bên trong, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, có chính sách mở cửa, hỗ trợ phát triển nền kinh tế nhằm tạo nội lực dân tộc vững mạnh.
Người tuyên bố: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”, “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình”. Quan điểm của Người trong việc mở cửa, hợp tác quốc tế không chỉ nhằm mục đích nhận được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, mà thông qua đó thu hút ngoại lực, thu hút đầu tư, tạo ra những điều kiện phát huy tiềm năng của đất nước, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta, do vậy phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài. Ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng, phát triển khả năng của ta, tức là có thêm điều kiện để tự lực cánh sinh.
Ngay từ cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ vấn đề này trong đường lối kháng chiến, đường lối kiến thiết đất nước. Người chỉ rõ phải phát triển toàn diện kinh tế từ nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp tới phát triển dịch vụ, mở rộng giao lưu kinh tế với các nước, trước hết là các nước anh em, các nước xã hội chủ nghĩa. Suốt cuộc kháng chiến, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, song Người vẫn cố gắng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước bạn cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. “Cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta được thắng lợi là do nơi chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta có biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực của chúng ta mới được đầy đủ và bền bỉ”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ý chí tự lực, tự cường được khơi dậy mạnh mẽ trong toàn Đảng và nhân dân hai miền Nam - Bắc nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thống nhất đất nước, bảo toàn nền độc lập, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thời gian này, chúng ta tiếp tục nhận được rất nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ từ các nước anh em và bè bạn quốc tế. Điều này một lần nữa khẳng định quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng và Bác về coi trọng nội lực, khéo léo tranh thủ, tận dụng ngoại lực, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
3.5. Luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp; không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trên cơ sở nhận thức khoa học, đúng đắn lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, phù hợp với thực tiễn đất nước. Từ thực tiễn, hoàn cảnh nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng chủ nghĩa xã hội “không thể làm mau được mà phải làm dần dần”, “làm sao cho dân giàu nước mạnh”.
Độc lập, sáng tạo trong tư duy, quan điểm, chủ trương và hành động là phong cách nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Việt Nam phải có cách làm, bước đi và biện pháp thích hợp. “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác... ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước.
Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị chỉ đạo thực tiễn và nghiên cúu lý luận về sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường của chủ nghĩa xã hội, trở thành cơ sở, nền tảng tư tưởng đặc biệt quan trọng để Đảng đổi mới tư duy lý luận, nắm bắt thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, hoạch định đường lối đổi mới tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới trong các giai đoạn cách mạng, để Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
II. SINH HOẠT MẪU CHUYỆN VỀ BÁC
GIỮ LỜI HỨA
Hồi ở Pác Bó, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa:
- Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!
Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói:
- Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu.
Nói xong Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé – bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói:
- Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là "chữ tín". Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người.
III. TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN TRONG THÁNG
1. Kỷ niệm 104 năm Ngày Cách mạng tháng 10 Nga thành công (07/11/1917 – 07/11/2021)
(Xem tại đây)
2. Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2021)
3. Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáoViệt Nam (20/11/1982 – 20/11/2021)
4. Kỷ niệm 66 năm Ngày Thành lập Hội chữ Thập đỏ Việt Nam (23/11/1955 – 23/11/2021)
5. Kỷ niệm 81 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2021)
6. Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 – 23/11/2021)
III. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT CỦA HUYỆN TRONG THÁNG 11/2021
1. Ngày 02 tháng 10 năm 2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Huỳnh Tấn Phi chủ trì cuộc họp trực tiếp với một số ngành chuyên môn cấp huyện, lãnh đạo xã, thị trấn và các ấp, khu phố trong huyện về đảm bảo các điều kiện tiếp nhận công dân huyện Vĩnh Thuận từ tình Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh trở về huyện. Cùng tham dự có Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Nguyễn Văn Thoàn.
2. Ngày 4/10/2021, đồng chí Phạm Văn Kha, Giảng viên-Kiểm định viên-trưởng chi nhánh miền tây-công ty cổ phần Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động TPHCM trao 10 suất học bổng cho 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của xã Vĩnh Thuận. Mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng và trao tặng 500 cuốn tập cho Hội khuyến học xã. Số quà này giúp các em học sinh có khó khăn có điều kiện tốt hơn trong việc đến trường.
3. UBMT-TQ VN huyện Vĩnh Thuận vừa tiếp nhận 1.000 phần quà từ Công ty cổ phần Đầu tư Phú Cường, Kiên Giang tài trợ, gồm 10 tấm gạo và 1.000 chai nước tương. Từ số quà trên huyện Vĩnh Thuận sẽ phân bổ tổ chức trao tặng cho 1.000 hộ dân thuộc diện đi làm ăn xa trở về địa phương do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở các nơi trong và ngoài tỉnh. Tổng trị giá giá 1.000 xuất quà do Công ty cổ phần Đầu tư Phú Cường tài trợ trị giá 200 triệu đồng. Được biết vào ngày 05/10/2021, đồng chí Lê Trung Hồ, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, đồng chí Huỳnh Tấn Phi, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Phú Cường Kiên Giang đến trao tặng quà cho một số gia đình tại xã Vĩnh Phong đi lao động làm ăn xa vừa trở về địa phương.
4. Ngày 11/10/2021, UBND huyện Vĩnh Thuận tổ chức họp trực tuyến với UBND các xã, thị trấn sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành tình hình kinh tế-xã hội quí III và triển khai chương trình chỉ đạo quí IV năm 2021. Hôi nghị do ông Huỳnh Tấn Phi Chủ tịch UBND huyện, ông Lê Văn Đủ, Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy-phó Chủ tịch UBND huyện, ông Huỳnh Ngọc Nguyên, Huyện ủy viên-phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì. Tham dự hội nghị tại cầu trực tuyến của huyện có các lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc UBND huyện, lãnh đạo công an, quân sự huyện.
5. Ngày 11/10/2021, Ban trị sự Phật giáo huyện Vĩnh Thuận tổ chức trao 3,4 tấn gạo cho Ủy Ban Mặt trận TQVN huyện Vĩnh Thuận. Đây là đơn vị đại diện nhận gạo để phân phát lại cho người dân về từ vùng dịch đang cách ly tại nhà trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận.
6. Tiếp tục thực hiện chương trình “Triệu túi an sinh”, Tỉnh Đoàn Kiên Giang đã đến trao tặng 110 túi an sinh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn hai xã Phong Đông và Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận. Qua đây góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
7. Ngày 15/10/2021, Hội người cao tuổi huyện Vĩnh Thuận tổ chức Hội nghị lần thứ V, nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm tổng kết đánh giá nhiệm kỳ qua, đề ra mục tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ tới. Đây là hội nghị trực tuyến để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Quang Hân, Chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh; đồng chí Võ Đồng Lập, phó Chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Thoàn, phó Bí thư Thường trực Huyện ủy-Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Huỳnh Ngọc Nguyên, Huyện ủy viên, phó Chủ tịch UBND huyện, cùng có mặt 86/87 đại biểu được triệu tập..
8. Ngày 22/10/2021, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại điểm cần huyện Vĩnh Thuận có đồng chí Lê Trung Hồ, tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Huỳnh Tấn Phi, Chủ tịch UBND cùng các phó chủ tịch UBND huyện và các thành viên Ban chỉ đạo huyện.
IV. VĂN BẢN MỚI
1. Kế hoạch số 129, ngày 04-10-2021 của UBND huyện về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030 trên địa bàn huyện.
(Xem tại đây)
2. Kế hoạch số 130, ngày 06-10-2021 của UBND huyện về thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-02-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(Xem tại đây)
3. Kế hoạch số 132, ngày 21-10-2021 của UBND huyện về thực hiện phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận.
(Xem tại đây)
4. Thông báo số 404, ngày 23-10-2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phân công cán bộ theo dõi chỉ đạo toàn diện các chi, đảng bộ trực thuộc; theo dõi chỉ đạo toàn diện và tham gia sinh hoạt chi bộ ấp, khu phố.
(Xem tại đây)
5. Kế hoạch số 38, ngày 25-10-2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
(Xem tại đây)
6. Kế hoạch số 135, ngày 26-10-2021 của UBND huyện về thực hiện chương trình Chiến lược Quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận.
(Xem tại đây)
* Tài liệu này do Ban Tuyên giáo Huyện ủy biên soạn từ các nguồn:
- Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 11/2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
- Cổng thông tin, điện tử huyện Vĩnh Thuận.
- Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Huyện ủy.