Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất; tên tuổi của Người gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc ta và có ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở thế kỷ XX. Sự xuất hiện của Hồ Chí Minh là một hiện tượng lịch sử rất đặc biệt. Có một điều đến nay có lẽ ít người để ý nhưng hết sức thú vị, đó là trong nhiều thời khắc, sự kiện lịch sử đặc biệt, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn gắn liền với con số 9 một cách rất tự nhiên.
NHỮNG SỰ KIẾN, DẤU ẤN CỦA BÁC HỒ GẮN VỚI CON SỐ 9
Bác Hồ sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 (ở thế kỷ 19).
Sau cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, thay mặt Chính phủ lâm thời cách mạng, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và cũng từ ngày đó, Bác trở thành Chủ tịch nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác có một câu nói nổi tiếng và đã trở thành quyết tâm của cả dân tộc: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Câu nói này có 19 từ.
Trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tại đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, ngày 19 tháng 9 năm 1954, Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên Phong câu nói nổi tiếng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày 17 tháng 7 năm 1966, trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Người đã nói câu bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Lời tuyên bố này có 9 từ và trở thành chân lý của thời đại.
Theo lịch sử ghi lại, khi 75 tuổi, tiên lượng được sức khỏe của mình có hạn, Bác Hồ đã bắt đầu khởi thảo Di chúc từ lúc 9 giờ sáng ngày 10 tháng 5 năm 1965. Từ đó, vào lúc 9 giờ ngày 10 tháng 5 những năm sau, Bác Hồ đều dành thời gian để xem lại, sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện Di chúc. 9 giờ ngày 19 tháng 5 năm 1969, đúng dịp sinh nhật lần thứ 79 của mình, Bác đã xem lại Di chúc lần cuối. Thời điểm 9 giờ buổi sáng được gọi là “giờ tâm linh”, “giờ thiêng” của Bác.
Bác Hồ từ trần vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, thọ 79 tuổi. Đặc biệt, trong Di chúc, Bác đã viết một đoạn vô cùng xúc động về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình như sau: “Về việc riêng, suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Đoạn viết này có 79 từ.
Và ngay cả tên Người - Hồ Chí Minh - cũng được ghép lại bởi 9 âm tiết.
Một điều kỳ lạ và rất linh thiêng là, ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1945 - ngày lịch sử trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam, ngày Bác nhậm chức Chủ tịch nước cũng là ngày Bác Hồ về cõi vĩnh hằng hằng 24 năm sau đó (ngày 2 tháng 9 năm 1969). Lấy ngày sinh, tháng sinh cộng lại (19+5) thì đúng bằng thời gian Bác Hồ trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
CON SỐ 9 CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?
Trong dãy số tự nhiên một con số (0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9) thì con số 9 đứng ở vị trí cuối cùng và có giá trị cao nhất. Vậy con số 9 có gì đặc biệt?
Trong toán học, chúng ta đều biết, tất cả các số chia hết cho 9 đều có tổng bằng chính nó (tức bằng 9) khi cộng các con số đó lại với nhau.
Ví dụ:
18: 9 = 2 (9 = 1+8)
27: 9 = 3 (9 = 2+7)
54: 9 = 6 (9 = 5+4)
234: 9 = 26 (9 = 2+3+4)
1233: 9 = 137 (9 = 1+2+3+4)
Điều thú vị nữa là, nếu thay đổi vị trí của các số chia thì chúng vẫn chia hết cho 9.
Ví dụ:
18: 9 = 2
81: 9 = 9
27: 9 = 3
72: 9 = 8
45: 9 = 5
54: 9 = 6
423: 9 = 47
243: 9 = 27
324: 9 = 36
1323 : 9 = 147
1332 : 9 = 148
2331 : 9 = 259
3123 : 9 = 347
3321 : 9 = 369
...
Như vậy, con số 9 là con số rất đặc biệt trong dãy số tự nhiên. Nó đứng ở vị trí cao nhất và có khả năng quy tụ tất cả mọi vị trí thay đổi của các con số mà nó đồng thời chia hết cho. Đó cũng là số lớn trong dãy số dương nên được gọi là cực dương và chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt lành. Vì thế, người ta có cơ sở khi cho rằng con số 9 là con số hoàn hảo và đẹp nhất.
Con số 9, theo tiếng Hán, phát âm trùng với âm tiết của từ “cửu” với ý nghĩa là trường tồn, lâu dài, mãi mãi. Trong ký ức, tâm hồn, văn hóa dân tộc Việt Nam, con số 9 cũng có một vị trí rất đặc biệt. Theo truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh, lễ vật cầu hôn mà vua Hùng yêu cầu Sơn Tinh và Thủy Tinh phải mang đến là “Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao”. Ở kinh thành Huế thuộc Khu di tích lịch sử cố đô Huế hiện còn lưu giữ Cửu Đỉnh, tức là chín cái đỉnh bằng đồng - một công trình nghệ thuật giá trị, mang biểu tượng về sự giàu đẹp, thống nhất, vững bền.
Người mẹ mang thai 9 tháng mười ngày để đứa con được phát triển vẹn tròn, hoàn thiện. Như để nhắc nhớ, tôn vinh công lao của cha mẹ, dân ta có câu ca dao: “Công cha như núi ngất trời / Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông / Núi cao biển rộng mênh mông / Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”. “Chín chữ cù lao” là chín chữ thiêng liêng mà phận làm con không bao giờ được phép quên ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. “Chín chữ” gồm: Sinh (cha mẹ đẻ ra), cúc (nâng đỡ), phủ (vỗ về), súc (bú mớm, cho ăn), dưỡng (nuôi thể chất), dục (giáo dưỡng tinh thần), cố (trông nom), phục (săn sóc không rời tay), phúc (giữ gìn, lo cho con đầy đủ).
MỘT NHÂN CÁCH, SỰ NGHIỆP HOÀN HẢO NHƯ CON SỐ 9
Trở lại những sự kiện, dấu ấn của Bác Hồ liên quan đến con số 9. Dù chúng ta không phải là những người duy tâm và tin vào những điều thần bí, nhưng hiện tượng của các sự kiện đã diễn ra và gắn liền trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ lại hoàn toàn khách quan. Những sự trùng hợp ngẫu nhiên vừa đặc biệt, vừa thú vị này rất đáng để các nhà khoa học nghiên cứu làm sáng tỏ thêm. Chúng ta thường nói, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ rất giản dị nhưng vô cùng vĩ đại. Sự giản dị trong con người Bác hết sức tự nhiên và diễn ra một cách bình thường như những điều tự nhiên vốn có, song cái giản dị đó đã trở nên hoàn hảo, hoàn thiện, hoàn mỹ.
Một con người sinh ra vào ngày 19 (trong thế kỷ 19); khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, làm Chủ tịch nước và từ trần vào tháng 9; thọ ở tuổi 79; viết nhiều sách báo, làm văn thơ, sáng tác kịch, nhưng chỉ viết đúng 79 từ về cuộc đời riêng của mình và để lại cho đời một chân lý thời đại chỉ với 9 từ (Không có gì quý hơn độc lập, tự do) âu cũng là một sự tình cờ. Nhưng đó là sự tình cờ rất đặc biệt và thiêng liêng.
Hồ Chí Minh - ba tiếng thân thương, gần gũi cũng chỉ có 9 âm tiết. Từ tên, ngày sinh, tuổi thọ cùng với cuộc đời, sự nghiệp của Người đã là một sự hoàn hảo như con số 9 tự nhiên có giá trị cao nhất vậy! Chính vì sự hoàn hảo về tâm hồn, nhân cách đó nên Người đã tập hợp, đoàn kết, quy tụ được mọi tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc, lứa tuổi và mọi chính kiến, tư tưởng khác nhau trong xã hội Việt Nam để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nước nhà trong thế kỷ 20. Và Người đã thành công. Thần thái và sự vĩ đại cũng như sự ảnh hưởng, lan toả của Người có lẽ là ở chỗ đó. Nhà thơ Tố Hữu viết: “Bác sống như trời đất của ta”. Chủ tịch Cuba Phidel Castro Ruz cho rằng: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc những lớp người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”.
Đúng vậy. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ đã trở thành huyền thoại. Nhưng đó là huyền thoại có thực, bởi vì Bác đã cống hiến trọn đời mình cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam và đóng góp cho nhân loại nhiều giá trị tư tưởng, văn hoá, đạo đức lớn lao, bền vững. Những giá trị đó kết tinh cùng thời gian và thăng hoa cùng trời đất để theo quy luật của tự nhiên, Hồ Chí Minh - tên tuổi của Người lưu danh muôn thuở và ngày càng toả sáng./.
Nguyễn Văn Hải