Nguy và cơ

Thứ sáu - 24/04/2020 04:03 817 0
Dịch bệnh đến cùng những nỗi lo về sức khỏe, rồi việc chăm sóc con cái, cha mẹ… Tuy thế, cần xác định,  việc chia sẻ là cần thiết, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ chung không thể buông lơi. Giãn cách xã hội không phải là nghỉ thư giãn.
 
nguy va co
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
 
- Cứ thế này thì nguy quá, anh ạ!

Thấy vợ vừa dọn dẹp bếp sau bữa sáng, vừa than thở, chồng (vốn là Giám đốc công ty tư nhân về xây dựng) kéo ghế cho vợ ngồi, rồi nhỏ nhẹ: Mới giãn cách xã hội có hai tuần, mà ngày nào anh cũng thấy em than thở. Bình tĩnh cùng cả nước chống dịch, tư tưởng phải thoải mái mới nghĩ ra được cách chứ, em cứ than ngắn, thở dài, anh thêm não ruột ấy! Thế công việc của phòng như thế nào? Trưởng phòng xinh đẹp nói anh xem nào.!

Cô vợ ngồi phịch xuống ghế, buông giọng buồn: Cả hai tuần nay, em với anh phó phòng thay nhau trực cơ quan, nhất cử nhất động trao đổi hết qua group zalo. Hai chuyên viên cấp dưới đến cơ quan trực, mà tâm hồn cứ để đâu, chốc lại hét lên: Thôi, thêm một người nhiễm rồi! Trong khi đó, công việc thì bê trễ. Chưa kể mấy bạn có con nhỏ ở nhà không tới cơ quan, em gọi điện đốc việc lúc 9h sáng mà vẫn: Em đang nấu cháo cho con. Hay, chị thông cảm, em đang đứng trước cửa đợi ship đồ làm bánh cho vợ. Chưa kể cả những cuộc điện thoại không ai nghe máy lúc 10h, bởi đêm cày phim, sáng ngủ bù…

- Trước hết, cần chia sẻ với họ em ạ. Dịch bệnh đến cùng những nỗi lo về sức khỏe, rồi việc dạy dỗ con cái, chăm sóc cha mẹ… Tuy thế, cần xác định, việc chia sẻ là cần thiết, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ chung không thể buông lơi. Giãn cách xã hội không phải là nghỉ thư giãn.  Em cần phải giao nhiệm vụ và kiểm tra rốt ráo. Cho dù không nhìn thấy nhân viên ở bên, nhưng vẫn biết công việc đang “chạy” như thế nào, văn bản tới đâu, hội nghị, hội thảo chuyển sang trực tuyến như thế nào. Nên thay đổi tư duy phải nhìn thấy nhân viên mới thấy việc.Công ty anh mấy ngày nay vẫn nhận thầu thiết kế, làm việc trên mạng, vẫn phải gọi điện chăm sóc khách hàng chứ. Em thấy, anh lúc nào cũng cháy máy điện thoại, nhân viên gọi báo cáo kết quả, xin ý kiến sửa thiết kế….

Cự cãi lại, mắt rơm rớm, cô vợ giọng dỗi hờn: Thì kiểm tra chứ, đốc thúc chứ, nhưng không xong thì làm sao. Thay đổi tư duy làm việc qua mạng, có phải ai cũng làm được như nhân viên anh đâu. Anh là công ty tư nhân, anh trả lương theo sản phẩm. Còn chúng em, làm nhà nước, lương có ngạch có bậc, ngồi cơ quan có lúc giục còn khó nữa là làm việc ở nhà. Anh còn cắt lương được, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động. Chứ như em, đành chấp nhận vừa giám sát, vừa "nịnh", vừa phải tâm lý mới xong việc. Chưa kể những cán bộ kiểu “con ông, cháu cha”, mắng vẫn chai lỳ ra đó ấy chứ. Em cảm tưởng, nhiều người có tâm lý coi kỳ giãn cách xã hội chống covid - 19 thành kỳ nghỉ, chăm sóc, gần gũi con cái, vợ chồng, dọn dẹp nhà cửa 24/24, mà không cần biết ngày thường 8 giờ vàng ngọc phải làm việc. Trước đi làm đủ, đòi sản phẩm, thì lý do, việc nhiều, năng lực vừa phải lên xin giãn tiến độ, giờ thì cứ lôi covid ra mà đổ lỗi. Nào là lo quá không làm được, nào là việc nhà, việc cơ quan…

Cắt lời vợ, anh chồng vẫn ôn tồn: Bình tĩnh vợ nhé, em hãy nghĩ, em biến cái nguy của dịch bệnh, thành cơ hội để em nhìn nhận, đánh giá cách làm hiệu quả, đánh giá năng lực cấp dưới đi. Anh biết là dù sao làm nhà nước, cũng khó có cách “phạt” nhân viên hơn làm tư nhân, nhưng không phải là mình đành bó tay, chấp nhận. Em phải lập kế hoạch, lên kế hoạch công việc, giao việc tận tay cấp dưới, có thời hạn đàng hoàng. Đến thời hạn, chưa thực hiện phải có chế tài. Chế tài có chứ, là việc nhận xét, đánh giá hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Đừng nghĩ chồng làm tư nhân không biết nhé, trừ khi cuối năm, các em cứ làm ước lệ, bình bầu hoàn thành hết, không thẳng thắn đánh giá, nhận định, chỉ lỗi để họ rút kinh nghiệm. Kể cả là con ông cháu cha, nếu không hoàn thành cũng cần phải phê bình nghiêm túc, kỷ luật nghiêm minh chứ.

Tiếp mạch, anh chồng hạ giọng: Nói thật với vợ, công ty anh cũng điêu đứng kỳ này, công trình trên giấy cả, làm việc để chờ tương lai tươi sáng hơn thôi. Nhưng đây là lúc anh nhận thấy mình cần thay đổi tư duy làm, không cần quá nhiều nhân viên, chỉ cần họ hết sức, hết lòng trong công việc. Người nỗ lực, trách nhiệm, tìm tòi cách làm mới không ít đâu em à. Tất nhiên, người ỉ lại, lười nhác, không chịu động não cũng có chứ. Sau kỳ nghỉ dịch này, anh sẽ xiết chặt quân số, cắt hợp đồng với những người thiếu ý thức, không làm việc, kêu khó, kêu khổ, chẳng hết lòng, hết sức cùng lãnh đạo công ty vượt khó khăn.

- Nói qua, lại nói lại, anh thấy ở phòng em, nhiều lúc vô tình đi qua tìm vợ, thấy các chuyên viên cứ ngồi chat zalo, Face book cười rúc rích, túm năm tụm ba đủ chuyện… Công ty anh, không có đâu nhé, làm việc nghiêm túc, hiệu quả, quý giờ vàng ngọc ban ngày lắm.  Em cần phải thay đổi tư duy làm việc đi, anh thấy, chính em mới là người cần thay đổi, trước khi cấp dưới thay đổi. Ngày mai, thử họp trực tuyến rút kinh nghiệm công việc qua hai tuần xem nào, khen chê rõ ràng, mạch lạc. Giao việc cụ thể, yêu cầu lập kế hoạch thực hiện. Em cứ thay đổi đi, cấp dưới em sẽ phải theo. Hai, ba, thậm chí đến cả tháng nếu phải giãn cách xã hội, cần tạo cho nhân viên mình cách liên kết, phối hợp, đoàn kết, đồng lòng em ạ. Thế được chưa nào? Gớm cười lên tý đi, cô Trưởng phòng của anh.

- Nguy thì nguy thật, nhưng phải biến nó thành cơ, thời cơ để thử thách con người, cơ hội để tập trung tâm sức hoàn thành công việc, và cũng cả cơ sở để đánh giá chất lượng thực thi nhiệm vụ, rồi việc chấn chỉnh nội bộ cơ quan, xốc lại bộ máy nữa, vợ nhé! Và đương nhiên, làm sếp, dù nho nhỏ như em, cũng cần quan tâm hỏi han, động viên tinh thần anh chị em cấp dưới, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh như thế này. Thế thôi nhỉ, bắt đầu tám tiếng vàng ngọc của em rồi đấy. Triển khai thôi! - Anh chồng thủng thẳng vừa nói, vừa đi lên phòng, đóng cửa,  lấy laptop làm việc.

Ngày làm việc mới bắt đầu!
Song Minh

Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập93
  • Hôm nay11,586
  • Tháng hiện tại193,655
  • Tổng lượt truy cập6,323,155
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây