Trong các cuộc họp, đôi khi cách nói cũng chỉ là thói quen. Tuy nhiên, không phải "soi" câu chữ, nhưng đúng là dùng từ ngữ nếu không chuẩn xác đôi khi cũng gây tác động không nhỏ, thậm chí là gây hậu quả tai hại...
Chuẩn bị cho cấp trên kiểm tra thi đua quý II của Tiểu đoàn vào cuối tháng, đồng chí Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn triệu tập các đồng chí là Bí thư chi bộ Đại đội mang sổ sách ngành tổ chức xây dựng Đảng lên kiểm tra trước một bước. Khi đọc và kiểm tra đến cuốn sổ ghi biên bản sinh hoạt chi bộ của Chi bộ Đại đội 1, đồng chí Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn nếu vấn đề với đồng chí Bí thư chi bộ Đại đội 1: “Đồng chí bí thư cho tôi biết giữa “kết luận của chủ tọa và chủ tọa kết luận” trong hội nghị chi bộ có gì khác nhau”?
Vừa nghe dứt câu hỏi của Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn, đồng chí bí thư của Đại đội 1 tự tin trả lời: Theo tôi thì chẳng có gì là khác nhau cả, người ghi biên bản có thể dùng cả hai câu trên không có gì sai cả. Sau khi các đảng viên đã đóng góp ý kiến xong, đồng chí chủ tọa tóm tắt kết luận các ý kiến tại buổi họp. Về phương pháp kết luận của chủ tọa có thể toàn diện các mặt công tác hoặc có thể kết luận theo từng “mảng” mà các đảng viên đề cập, sau đó lấy biểu quyết của đảng viên. Nếu số lượng biểu quyết quá bán với tổng số đảng viên có mặt tại hội nghị nhất trí với ý kiến kết luận của chủ tọa thì chi bộ đó đã có nghị quyết lãnh đạo”
Nghe xong câu trả lời của đồng chí Bí thư chi bộ Đại đội 1, đồng chí Bí thư chi bộ Đại đội 2 cũng đồng tình ủng hộ, song cũng nêu lên chính kiến: Theo tôi, xét về mặt logic thì “chủ tọa kết luận” thì hợp lý hơn bởi đồng chí chủ tọa sẽ là người kết luận toàn bộ nội dung của buổi họp. Tuy nhiên, hai cụm từ trên đều có thể sử dụng trong biên bản được vì nội hàm đều mang nội dung là đồng chí chủ tọa kết luận hội nghị để ra nghị quyết lãnh đạo đơn vị.
Một vấn đề tưởng chừng nhỏ, nhưng các đồng chí Bí thư chi bộ Đại đội thảo luận sôi nổi. Lúc này, đồng chí Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn ôn tồn giải thích: Tôi vừa đọc cuốn ghi biên bản của chi bộ Đại đội 1, thấy phần kết luận có ghi trong sổ “Kết luận của chủ tọa”. Điều này hoàn toàn sai với bản chất. Phải dùng cụm từ “Chủ tọa kết luận” mới thể hiện đúng bản chất dân chủ, cởi mở, thống nhất trong chi bộ.
Nghe Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn giải thích, các đồng chí Bí thư chi bộ Đại đội mới hiểu ý tứ của cấp trên. Đồng chí Bí thư Đảng ủy tiếp tục giải thích:
- Nếu là “Kết luận của chủ tọa” trong một buổi họp chi bộ vô hình trung sẽ là những kết luận mang ý nghĩ chủ quan của chủ tọa, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, xa rời thực tiễn, chưa thể hiện tính thống nhất, đoàn kết trong chi bộ. Nguy hại hơn nếu kết luận của chủ tọa qua loa, đại khái, dựa vào kết luận để hạ bệ, công kích phê bình cá nhân lẫn nhau, đó là một điều nguy hiểm. Còn “Chủ tọa kết luận” mới thể hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng, lúc này đồng chí chủ tọa là người thay mặt chi bộ nhận xét và kết luận toàn bộ kết quả lãnh đạo của chi bộ trong tháng trước, đồng thời xác định những chủ trương biện pháp lãnh đạo trong tháng tới. Hai cụm từ này hoàn toàn khác nhau về mặt bản chất nên các đồng chí hết sức lưu ý.
Tiếp đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn nhắc nhở thêm:
“Chi bộ lãnh đạo đơn vị thông qua chỉ thị, nghị quyết, do vậy trước khi chuẩn bị dự thảo nghị quyết, cấp ủy cần họp để trao đổi thống nhất và biện pháp lãnh đạo phải xuất phát từ thực tiễn huấn luyện, đời sống của bộ đội. Có như vậy nghị quyết mới đúng, trúng, hiệu quả”./.
Đào Ngọc Lâm