“No nói, đói làm”

Chủ nhật - 16/08/2020 22:27 1.291 0
Có những quan chức lợi dụng sự hoạt ngôn, lợi khẩu, đi đâu, chỗ nào, nhất là trên đăng đàn, hội nghị, khi tiếp xúc, trò chuyện với nhân dân, thì bao giờ cũng nói hay, diễn giỏi, hùng biện tốt cốt để lấy lòng người nghe, mà thực chất là “mị dân”; nhưng bản thân họ thì nói không đi đôi với làm, thậm chí nói một đằng, làm một nẻo. Người ta gọi đó là những kẻ “No nói, đói làm”!
 
272
(Hình minh họa)
Gặp anh - một giảng viên đại học - tại hội thảo chuyên đề về sự phát triển ngôn ngữ đời sống trong xã hội hiện đại, vốn là chỗ thân tình, tôi hỏi đùa: Dạo này có gì mới không, thưa ngài tiến sĩ “đầy lời, vơi túi?”. Cụm từ “đầy lời, vơi túi” do anh tự đặt cho mình, với hàm ý tự trào - là nhà nghiên cứu ngôn ngữ thì rất giàu vốn liếng ngôn từ, chữ nghĩa (đầy lời), nhưng cuộc sống vật chất thì khá chật vật, ít tiền bạc (vơi túi). 

Nghe đến cụm từ “đầy lời, vơi túi”, anh “đốc-tờ chữ nghĩa” cười và nói:

- Cùng với sự phát triển, biến đổi của muôn mặt đời sống, chữ nghĩa thời nay cũng đa dạng, phong phú lắm. Một số thành ngữ mới ra đời nghe “đối nhau chan chát” và thú vị đáo để!

- Đã thú vị lại còn đáo để! Thế nghĩa là sao? - tôi hỏi.

Như “gãi đúng chỗ ngứa”, nhà ngôn ngữ “nổi hứng” dẫn ra ví dụ và giải thích rành rọt.

- Này nhé, đề cập thực trạng không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị công quyền hiện nay chưa quyết liệt tinh giản biên chế, vì thế vẫn còn nhiều người làm cùng một việc, hay nhiều người mà rất ít việc để làm, người ta gọi đó là tình trạng “Thừa biên chế, thiếu ghế ngồi”!

Thực tế ở không ít nơi, nhất là các đơn vị sự nghiệp, trường học, bệnh viện có trụ sở ở các thành phố, thị xã, thị trấn, do một thời ồ ạt tiếp nhận các thành phần thuộc diện “con ông cháu cha” vào làm việc, mà những người này phần lớn đều thuộc diện làng nhàng, thậm chí có kẻ “ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời”, muốn cắt giảm biên chế nhưng khó vô cùng vì toàn “đụng chạm” đến con em lãnh đạo cả. Ở những đơn vị, cơ quan mà số lượng nhân viên đông vẫn không mạnh, người ta gọi đó là tình trạng “Thừa người yếu, thiếu người giỏi”!  

Trong “dân gian” hiện nay cũng đang xuất hiện nhiều câu “thành ngữ” để ám chỉ những “hạng người mới” nữa. Ví như, có những quan chức lợi dụng vị thế là “chủ tài khoản” nên đối với ngân sách công thì chi tiêu “bạo tay”, không ngại ngần cắt xén, bòn rút kinh phí cơ quan, đơn vị để đi biếu xén cấp trên nhằm giải quyết công việc có lợi cho bản thân mình; trong khi đó “một đồng bạc lẻ” của cá nhân họ cũng không bao giờ… sứt mẻ. Cái kiểu sống vun vén, vơ vào như vậy, người ta gọi đó là những kẻ “Hào phóng của chùa, ki bo của bọ”!

Lại có những quan chức lợi dụng sự hoạt ngôn, lợi khẩu, đi đâu, chỗ nào, nhất là trên đăng đàn, hội nghị, khi tiếp xúc, trò chuyện với nhân dân, thì bao giờ cũng nói hay, diễn giỏi, hùng biện tốt cốt để lấy lòng người nghe, mà thực chất là “mị dân”; nhưng bản thân họ thì nói không đi đôi với làm, thậm chí nói một đằng, làm một nẻo. Người ta gọi đó là những kẻ “No nói, đói làm”!

Nhưng đáng nói hơn là những kẻ uốn éo, lươn lẹo, thực dụng, cơ hội, không ngại bất cứ mưu mô nào để lôi kéo lợi lộc về cho bản thân; ngấm ngầm chèn ép người giỏi, đố kỵ người tài, nói xấu sau lưng đồng chí, đồng nghiệp, tìm mọi cách để tâng bốc người này, hạ bệ người nọ; nhưng bề ngoài thì vẫn tỏ vẻ ta đây là người thiện chí, niềm nở, chan hòa. Người ta gọi đó là những kẻ “Năng lực có hạn, thủ đoạn vô biên”!

- Ngôn ngữ bao giờ cũng ít nhiều phản ánh từ hiện thực đời sống. Vậy sự ra đời của những “thành ngữ” đó muốn nói lên điều gì? - tôi hỏi.

Bằng cách nói thâm thúy và hóm hỉnh, vị tiến sĩ ngôn ngữ trả lời:

- Những nơi “Thừa biên chế, thiếu ghế ngồi” giống như đứa trẻ lớn lên “to đầu, béo bụng” trên một đôi chân teo tóp nên khó mà đi đứng vững chắc. Những nơi “Thừa người yếu, thiếu người giỏi” thì lại chẳng khác mấy đứa trẻ có đôi chân to lớn kềnh càng, nhưng cái đầu lại nhỏ con nên cũng khó phát triển suôn sẻ, hanh thông.

Còn đối với những kẻ “Hào phóng của chùa, ki bo của bọ”, “No nói, đói làm”, “Năng lực có hạn, thủ đoạn vô biên” vẫn có thể tinh vi ẩn náu, tồn tại ở nơi này, nơi khác và trong một thời gian nhất định nào đó, nhưng theo quy luật “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” thì sớm hay muộn, những “chân tướng” đó sẽ bị “bóc mẽ” trước sự quang minh chính đại của nhân tâm và đạo lý, pháp luật./.
Thiện Văn

Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay6,548
  • Tháng hiện tại84,019
  • Tổng lượt truy cập6,013,708
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây