Học tập suốt đời để thích ứng với xã hội số toàn cầu

Thứ sáu - 02/10/2020 05:05 1.257 0
Sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ở nước ta hiện đang có định hướng phát triển mới trước yêu cầu của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3-6-2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
 
3hopbaobotc
Một tiết học tại Trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: QUANG THÁI.

Thực chất của sự định hướng mới này là thúc đẩy việc học tập suốt đời của mọi công dân trong xã hội để có đủ năng lực thực hiện mục tiêu xây dựng một Chính phủ số, một nền kinh tế số và một xã hội số.

Cách học hiện đại mới tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao

Năng lực đó có được hay không phụ thuộc vào việc tạo được nguồn nhân lực, bồi dưỡng được nhân lực và có được vốn con người đủ để quốc gia chủ động hội nhập quốc tế. Để đạt được mục đích này, phải thay đổi tư duy giáo dục, đổi mới căn bản và triệt để giáo dục-đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai, chúng ta phải bảo đảm cho thế hệ trẻ được đào tạo trong hệ thống giáo dục ban đầu theo hướng xây dựng nhà trường số hóa, lớp học thông minh theo phương thức giáo dục điện tử. Cách thức tổ chức, xây dựng nội dung và phương pháp dạy học cũng như quản lý nhà trường theo mô hình “nhà trường phấn trắng bảng đen” cần phải xóa bỏ từng bước. Mô hình nhà trường truyền thống đó không còn thích ứng trong xã hội số mà chúng ta mau chóng phải có trong giai đoạn 2021-2030.

Trong hệ thống giáo dục ban đầu này, trường đại học sẽ là lực lượng chủ công để có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Giáo dục phổ thông với học vấn mà nó cung cấp không thể tạo ra cho chúng ta năng lực vươn ra thế giới trong thời đại này. Một hệ thống đại học mở, một hệ thống chính sách phát triển để đại chúng hóa học vấn đại học, một cơ chế chia sẻ tri thức và kỹ năng mà chỉ có được trong trường đại học, cho mọi người dân có nhu cầu là yêu cầu tiên quyết đối với các trường đại học. Những trường đại học đẳng cấp cao cùng những trường đại học hiện đại của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn là lực lượng cực kỳ cần thiết cho việc đào tạo nguồn nhân lực hiện đại. Người Mỹ quan niệm rằng, trường đại học là pháo đài bảo vệ quốc gia chính từ vai trò nói trên của trường đại học trong kỷ nguyên số.

Xây dựng năng lực cốt lõi

Nếu như hệ thống giáo dục ban đầu được phát triển trong môi trường internet, trong đó đặc biệt là các trường đại học, để có được nguồn nhân lực hiện đại thì hệ thống giáo dục tiếp tục, bao gồm những thiết chế giáo dục thường xuyên sẽ là cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của xã hội hiện đại. Việc học tập suốt đời của người lớn, bao gồm tất cả những ai không học trong hệ thống giáo dục ban đầu, đặc biệt là những cán bộ, công chức, viên chức, kỹ thuật viên, thầy thuốc, thầy giáo, những doanh nhân và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật... là điều kiện để đất nước có được nhân lực chất lượng cao.

Theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 8-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, để có lực lượng lao động chất lượng cao, mỗi người lớn phải trở thành một công dân học tập. Đó là những công dân có đủ các năng lực cốt lõi, kỹ năng cơ bản và các phẩm chất mong muốn để sống và làm việc trong một nền kinh tế tri thức số hóa với sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các quốc gia đang xác định những năng lực cốt lõi của công dân sống trong thế kỷ 21. Người ta thường chọn những năng lực hết sức cần thiết như năng lực tự học suốt đời để có được sự thích ứng với thế giới bên ngoài luôn thay đổi nhanh chóng, năng lực sử dụng ngoại ngữ để sống hòa nhập với thế giới hiện đại và năng lực sử dụng công nghệ thông tin để tương tác thành công trong mọi quan hệ, nhất là trong điều kiện sản xuất với sự tham gia ngày càng nhiều của trí tuệ nhân tạo, của robot thông minh trong môi trường internet kết nối vạn vật.

Trong điều kiện đó, tại những xã hội số đã hình thành khái niệm công dân số (công dân kỹ thuật số-Digital Citizen). Đó là người có kiến thức và kỹ năng mà nhờ đó có thể truy cập internet thông qua máy tính, điện thoại di động và các thiết bị kỹ thuật số khác để tương tác với cá nhân, với tổ chức và cộng đồng. Trong mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu xây dựng mô hình công dân số là rất rõ ràng. Công dân số chính là một biểu hiện cụ thể của công dân học tập. Sự phát triển công dân học tập sẽ từng bước hướng đến hình thành những công dân toàn cầu để tiến tới xây dựng một thế giới hòa hợp, hòa bình và thịnh vượng.

UNESCO khuyến cáo rằng, muốn mỗi quốc gia trở thành một xã hội học tập thì điều kiện tiên quyết là nhà lãnh đạo cần có những cam kết chính trị thực hiện chủ trương và các nhà chiến lược phải thật sự coi phát triển xã hội học tập, giáo dục thường xuyên là chính sách cần được ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách phát triển giáo dục.
GS, TS PHẠM TẤT DONG

Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập148
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm145
  • Hôm nay10,415
  • Tháng hiện tại192,484
  • Tổng lượt truy cập6,321,984
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây