Ngày 10-2, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2020. TGVT trân trọng giới thiệu toàn văn bản Hướng dẫn.
Năm 2019, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta đạt được những kết quả toàn diện. Để phát huy những thành quả đó trong năm 2020 - năm có ý nghĩa quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ đại hội XII của Đảng, của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020; tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Thông qua tuyên truyền những thành tựu ấn tượng đạt được năm 2019, khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; sự chỉ đạo của Đảng, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước.
- Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về bối cảnh quốc tế, khu vực, thế và lực của đất nước để chủ động tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm đạt được các mục tiêu năm 2020 và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
- Tạo niềm tin, sự phấn khởi và khí thế mới cho mọi tầng lớp nhân dân, khơi dậy sức mạnh, ý chí, niềm tự hào dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
- Công tác tuyên truyền kinh tế - xã hội cần bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phản ánh sinh động thực tế triển khai nhiệm vụ chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ngoại giao của đất nước; dự báo những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế; đóng góp những giải pháp thiết thực và hiệu quả.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, nhiệm vụ, giải pháp năm 2020
- Khẳng định kết quả toàn diện và ấn tượng của Việt Nam năm 2019 trên một số lĩnh vực chủ yếu sau:
Chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu. Trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, Việt Nam vẫn duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,02%; được xếp vào nhóm các nước có tăng trưởng cao hàng đầu trong khu vực và thế giới. Năng suất lao động tăng 6,2%. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng, lần đầu tiên đạt 517 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt kỷ lục 210 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt 80 tỷ USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia, vùng lãnh thổ tăng 10 bậc. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có an ninh, an toàn hàng đầu, là môi trường kinh doanh tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm đến hấp hẫn thu hút hàng triệu khách du lịch. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm có nhiều tiến bộ. Xây dựng, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, cải cách hành chính, cải cách tư pháp có chuyển biến. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tạo sự đồng thuận và ủng hộ trong nhân dân. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, trong đó Việt Nam tổ chức thành công những sự kiện quốc tế lớn, tham gia vào các tổ chức quốc tế lớn, góp phần quan trọng giữ gìn hòa bình, kiên định bảo vệ được những lợi ích cơ bản của đất nước, khẳng định vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
- Làm rõ tồn tại, hạn chế cần khắc phục và khó khăn, thách thức trong thời gian tới, đó là: Trong nước, nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn. Kinh tế vĩ mô còn một số yếu tố chưa vững chắc; tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Sắp xếp, cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước chuyển biến chưa rõ nét. Khu vực nông nghiệp chịu tác động, ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, Corona, thiên tai, hạn hán, nắng nóng; giá nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp; tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng lớn. Tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. An ninh, trật tự trên một số địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại giữa một số quốc gia, nền kinh tế lớn diễn biến phức tạp và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng…
- Tuyên truyền mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2020 thể hiện trong Kết luận 63-KL/TW ngày 18/10/2019 Hội nghị Trung ương 11 khóa XII, Nghị quyết 85/2019/QH14 ngày 11/11/2019 của Quốc hội, được cụ thể hóa thành 10 giải pháp trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ.
2. Tiếp tục tuyên truyền nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế - xã hội
-Tuyên truyền nghị quyết, chủ trương của Đảng về phát triển đất nước thể hiện trong văn kiện các kỳ đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực kinh tế - xã hội. Năm 2019, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Kết luận số 63-KL/TW ngày 18/10/2019 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 11 khóa XII…
- Tuyên truyền các nghị quyết, bộ luật mới được Quốc hội ban hành và các bộ luật đến thời điểm thực hiện; tuyên truyền kết quả các kỳ họp của Quốc hội khóa 14, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết 85/2019/QH14 ngày 11/11/2019 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của Quốc hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; công tác giám sát của Quốc hội sau khi ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội.
- Tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, chính sách mới của Chính phủ: Tuyên truyền Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019, ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ, triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại năm 2020.
Tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa, các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn xã hội; đặc biệt phản ánh, cảnh báo về nạn mê tín dị đoan, tín dụng đen, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và công tác ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.
3. Công tác điều hành, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật về kinh tế - xã hội
- Tập trung tuyên truyền về công tác chỉ đạo, điều hành, thực Nghị quyết 01/NQ- CP của Chính phủ với phương châm hành động năm 2020 “kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” và 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2020.
- Phản ánh tốc độ gấp rút hoàn thành các nhiệm vụ và phấn đấu các mục tiêu năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế 2016-2020 của các bộ, ngành, địa phương. Tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân trong tham gia ý kiến đóng góp xây dựng các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là về chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong chặng đường tới.
4. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế
- Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, đường lối, sách lược ngoại giao của Việt Nam, trong đó có Chỉ thị 32-CT/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới”. Tuyên truyền những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
- Tập trung tuyên truyền Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, thể hiện quan điểm, đường đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Giới thiệu hình ảnh một Việt Nam thanh bình, ổn định, thân thiện, đổi mới và tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế, danh lam, thắng cảnh, có truyền thống văn hóa tốt đẹp, giàu tính nhân văn của Việt Nam là: “hiếu khách, thuận hòa, tình nghĩa”.
- Tuyên truyền các hoạt động và đóng góp của Việt Nam khi đảm nhiệm Chủ tịch AIPA 41 năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
- Tuyên truyền việc triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác.
5. Đấu tranh chống tham nhũng; đấu tranh với tội phạm trên lĩnh vực kinh tế -xã hội; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
6. Đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, kết hợp với việc giáo dục truyền thống nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; phát hiện, biểu dương những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội
- Tổ chức tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu và xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện của cấp ủy đảng; phát động các phong trào thi đua thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Chủ động nắm bắt tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên lĩnh vực kinh tế - xã hội; từ đó tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy kịp thời có giải pháp định hướng, ngăn chặn những tư tưởng tiêu cực phát sinh kéo dài dẫn đến khiếu nại, tố cáo, gây mất trật tự an toàn xã hội.
- Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tăng cường các lớp bồi dưỡng kỹ năng, cập nhật kiến thức, thông tin kinh tế - xã hội cho phóng viên, biên tập viên làm công tác tuyên truyền kinh tế - xã hội.
2. Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông
Tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí, kiểm tra việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền cho các cơ quan báo chí; xử lý kịp thời những vi phạm của cơ quan báo chí và phóng viên trong hoạt động báo chí.
3. Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao
- Chủ trì theo dõi, cung cấp thông tin, tuyên truyền các sự kiện lớn, nổi bật trong công tác đối ngoại năm 2020; hướng dẫn các cơ quan ngoại giao, phóng viên, biên tập viên thường trú ở nước ngoài đưa tin, viết bài về tình hình kinh tế - xã hội; các hoạt động của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam và Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch AIPA 41 năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin, tài liệu cho các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên ở trong nước và quốc tế về các sự kiện đối ngoại nổi bật của năm 2020 và các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế.
4. Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chỉ đạo hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, triển lãm, cổ động trực quan về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 - 2020, các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật năm 2020; các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2020), 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020); 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), 75 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2020); 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch, danh lam, thắng cảnh, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam trong các sự kiện và trong các hoạt động Năm Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
5. Ban cán sự đảng bộ các bộ, ngành thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội: Chủ động thông tin, tuyên truyền về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, kịp thời cung cấp thông tin đối với các vấn đề nhạy cảm cho cơ quan tuyên giáo các cấp để định hướng dư luận xã hội, tránh để sai sót, sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, suy diễn tiêu cực, phát tán, gây nhiễu thông tin trong xã hội.
6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
- Tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng các Ngày lễ lớn trong năm 2020; đặc biệt tinh thần thi đua chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện quyền làm chủ, giám sát của nhân dân trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
- Thực hiện tốt việc hướng dẫn và tổng hợp ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng trên những vấn đề về chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
7. Các cơ thông tấn báo chí Trung ương và địa phương
- Bám sát nội dung hướng dẫn, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương; phối hợp các cấp, các ngành tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và các sự kiện, ngày lễ lớn trong năm.
- Tăng cường các bài viết có chất lượng về tình hình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; về các phong trào thi đua lao động, sản xuất của các cấp, các ngành, địa phương chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là diễn đàn để nhân dân đóng góp trí tuệ, tâm sức xây dựng các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng..
- Tập trung phản ánh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tham gia tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
- Chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm an toàn an ninh kinh tế, xã hội, nhiệm vụ quốc phòng- an ninh, công tác đối ngoại, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc./.
Ban Tuyên giáo Trung ương