Tài liệu Bồi dưỡng Chính trị Hè 2019

Chủ nhật - 25/08/2019 23:00 1.585 0
BÁO CÁO CHÍNH TRỊ HÈ CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KIÊN GIANG  
------
     
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH GIÁO DỤC KIÊN GIANG

I - Quy mô giáo dục

Năm học 2018-2019, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang có 673 đơn vị, trường học (MN 160, TH 290, PTCS 47, THCS 122, THPT 52, Trung tâm NN-TH  01, TT GDTX 01); có 1.614 điểm trường, với 11.483 lớp; huy động  347.323 học sinh. Và có 13 đơn vị ngoài ngành thực hiện công tác GDTX, với 67 lớp, 2.043 học sinh. Số học sinh 6-14 tuổi đi học so với độ tuổi đạt 96,06%; Tổng số phòng học hiện có là 11.100 phòng, tăng 677 phòng.

Toàn tỉnh hiện có 257 trường đạt chuẩn quốc gia (MN 53, TH 132, THCS 65, THPT 07), đạt tỷ lệ 38,30%; tăng 25 trường (MN 07, TH 09, THCS 05, THPT 04).  Hiện có 286 cơ sở giáo dục (trong đó, có 02 TTGDTX) đã được kiểm tra công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (MN 77, TH 111, THCS 74, THPT 22), đạt 42,49% tổng số đơn vị, trường học; tăng 70 đơn vị (MN 17, TH 29, THCS 20, THPT 04), trong đó, có 05 đơn vị được công nhận lần 2 (MN 02, TH 01, THCS 01, THPT 01).

Kiên Giang có 145/145 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học (gồm 12 xã  đạt mức độ 2, 133 xã đạt mức độ 3); đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (vào thời điểm tháng 12/2016). Tỷ lệ thanh thiếu niên 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS hai hệ đạt 88,58%, tăng 2,96%.

Toàn tỉnh hiện có 06 trường phổ thông dân tộc nội trú (PT.DTNT), với 52 lớp, 1.592 học sinh; trong đó, có 01 trường PT.DTNT THPT (12 lớp/391 HS) và 05 trường PT.DTNT THCS (40 lớp/1.201 HS). So với năm học 2014-2015, tăng: 01 trường PT.DTNT THCS, 16 lớp/230 học sinh THCS.

 Toàn ngành hiện có 22.877 cán bộ, giáo viên và nhân viên (CBQL 1.550, GV 18.716, CNV 2.611).

II - Công tác quản lý giáo dục (chỉ đạo, điều hành)

– Triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có liên quan đến các cấp quản lý và cơ sở giáo dục. Việc đẩy mạnh phân cấp quản lý giáo dục, cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật  đã tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục chủ động thực hiện nhiệm vụ năm học.

– Thực hiện Chương trình hành động  của Tỉnh ủy Kiên Giang, Kế hoạch  của UBND tỉnh Kiên Giang thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW  của BCHTW Đảng và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; Sở GDĐT đã xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai toàn ngành tích cực thực hiện 06 đề án: “Phát triển và đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2020”; “Nâng cao chất lượng thể dục, thể thao trong trường học trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2020”; “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm và trường chuyên biệt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2020”; “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giai đoạn 2016-2020”; “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2020”; “Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2025”.

– Tổ chức khảo sát, hoàn thiện quy hoạch hệ thống mạng lưới trường lớp học, kế hoạch phát triển GDĐT đến năm 2020, 2025 và tầm nhìn đến 2030 phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; tiếp tục xóa các điểm trường lẻ, khắc phục tình hình thiếu biên chế và qua đó khắc phục sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các địa bàn, địa phương.

– Thực hiện tốt chủ trương lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương, nâng cao chất lượng GDĐT. Các nguồn vốn đầu tư phát triển giáo dục đều được phân bổ cụ thể, đúng quy định về quản lý tài chính và đầu tư. Tổng kinh phí phân bổ cho sự nghiệp giáo dục năm 2019 là: 3.512.445 triệu đồng, tăng 10,96% so với dự toán năm 2018 (do tăng lương cơ sở và tăng đảm bảo cơ cấu). Trong phân bổ kinh phí có ưu tiên cho các trường nằm ở vùng sâu, vùng xa đi lại rất khó khăn, trường có nhiều điểm lẻ; các trường xây dựng chuẩn quốc gia, chuẩn chất lượng giáo dục; các trường thuộc xã xây dựng nông thôn mới.

– Toàn ngành tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình, SGK mới: thành lập Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục, xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, Kế hoạch thực hiện “ Đề án đảm bảo CSVC cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025‘‘‚ biên soạn tài liệu giáo dục địa phương…

– Các cấp QLGD và các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện hiệu quả, sáng tạo việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; gắn với việc tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng”; cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và phong trào  “Mỗi cơ sở giáo dục có ít nhất một công trình đổi mới thiết thực; mỗi cán bộ, công chức, viên chức có ít nhất một hoạt động đổi mới hiệu quả; mỗi học sinh có ít nhất một công việc đổi mới trong học tập và rèn luyện”.

 III . Kết quả thực thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp

1. Kết quả nổi bật
– Kiên Giang phát triển mạng lưới trường học đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL (sau An Giang).

 Để huy động HS vùng khó khăn, các cơ sở GD đã duy trì mô hình lớp ghép (129 lớp) ở các điểm lẻ vùng sâu, 42 trường TH-THCS, 23 trường THPT-THCS và 6 trường THCS-TH-MN ở xã đảo…đã giảm bớt đầu mối trung gian và biên chế gián tiếp, mang lại hiệu quả thiết thực.

Dự kiến sắp xếp lại đến 2020, nhập các trường liền kề có quy mô nhỏ sẽ giảm 14 trường, xóa tiếp 141 điểm trường lẻ so với năm học 2018-2019 và đến 2025 tiếp tục giảm 63 trường xóa 136 điểm trường lẻ.

 Tổng số phòng học hiện có là 10.423 phòng (còn thiếu …?); bình quân số phòng học/lớp ở Mầm non 1,45 (tăng 0,72); Tiểu học 0,85 (tăng 0,05); trung học cơ sở 0,72 (tăng 0,11) và Trung học phổ thông là 1,12 phòng học/lớp.

– Huy động học sinh 6-14 tuổi đi học đạt 96,06% so với độ tuổi; tăng 0,06% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

– Công tác giáo dục dân tộc, thực hiện chính sách trong giáo dục được quan tâm; công tác XHHGD được đẩy mạnh.

 Toàn tỉnh có 43.177 học sinh DTTS trên tổng số học sinh toàn tỉnh là 340.324 học sinh (tỷ lệ 12,68%). Cán bộ, giáo viên người DTTS có 1.236 người, chiếm tỷ lệ  6,59%. Có 33 trường tổ chức dạy chữ dân tộc với 5.898 học sinh học tiếng dân tộc (trong đó có 4.342 học sinh cấp tiểu học, 1.129 cấp trung học cơ sở, 427 học sinh cấp trung học phổ thông)

– Thực hiện phổ cập giáo dục và xóa mù chữ: Tỉnh Kiên Giang được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn PCGD trẻ em 5 tuổi vào thời điểm tháng 12 năm 2016; PCGD tiểu học đúng độ tuổi (11 tuổi) đạt mức độ 2, 3; PCGD THCS: Tỷ lệ thanh thiếu niên 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS hai hệ đạt 88,58%, tăng 2,96%; đạt mức độ 1, 2; Xóa mù chữ: Tỉnh Kiên Giang đạt chuẩn mức độ 2 (tỷ lệ 92,63% dân số độ tuổi 15-60 biết chữ).

– Năm học 2018-2019, có 145 trường tiểu học dạy môn Tin học với 21.291 lớp/37.057 học sinh có 246/290 trường tiểu học (tỷ lệ 84,82%) tổ chức dạy tiếng Anh với 3.106 lớp/85.582 em học sinh (chiếm 52,19% tổng số HS tiểu học). Tiếp tục mở rộng quy mô các trường dạy chương trình tiếng Anh 10 năm ở cấp THCS và THPT (cấp THCS có 94 trường/678 lớp/24.567 học sinh; cấp THPT có 15 trường/53 lớp/1.979 học sinh).

Mô hình trường học mới (VNEN) được tổ chức thực hiện ở 290 trường tiểu học, với 3.922 lớp/105.860 học sinh; có 80 trường có lớp THCS triển khai mô hình THM, với 467 lớp và 16.290 HS.  Toàn tỉnh có 52 trường tiểu học tham gia thực hiện phương pháp bàn tay nặn bột trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học. Đây là năm học thứ tư, toàn tỉnh áp dụng 100% dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, hiện (1.451 lớp/40.548 học sinh).

Chỉ đạo tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh, đặc biệt là giáo dục định hướng tích hợp Khoa học – Công nghệ – Kĩ thuật – Toán học (giáo dục STEM) trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở những môn học liên quan (trong năm học 2018-2019, Kiên Giang có 02 trường tham gia thí điểm giáo dục theo định hướng STEM)

– Kết quả các kỳ thi cấp quốc gia:

Tham dự Cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật; Thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia, Kiên Giang xếp trong nhóm 06 tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL; Hội thi QPAN học sinh THPT xếp thứ ba toàn quốc. Kiên Giang là một trong 28 tỉnh có học sinh thường xuyên tham gia và đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi toán tuổi thơ, Olympic tiếng Anh, giải toán bằng tiếng Anh trên Internet (từ nguồn kinh phí xã hội hóa).

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia:

 Năm 2015: Có 9.424/10.363 thí sinh tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 90,94%.

 Năm 2016: Có 8.665/9.252 thí sinh tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 93,66%.

 Năm 2017: Có 9.610/9.767 thí sinh tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 98,39%.

 Năm 2018: Có 11.768/11929 thí sinh tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 98,65%.

 Năm 2019: Có 11.334/12.024 thí sinh tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 94,26% (giảm 3,61%).

– Được Bộ GD&ĐT đánh giá kết quả nổi bật năm học 2018 – 2019 là: Tỷ lệ học sinh các cấp học; Trường học kiên cố và đạt chuẩn tăng; Tích cực triển khai các ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học.

– CBQL, giáo viên toàn tỉnh đạt chuẩn đào tạo 99,3%; trong đó, trên chuẩn: CBQL 91%, giáo viên 72% (Mầm non 65,77 %; Tiểu học 92,41%, THCS 82,10%, THPT 7,46%), có 01 tiến sĩ, 256 thạc sĩ, 157 đang học Sau đại học. Tổng số đảng viên trong ngành là 13.198 đảng viên, đạt tỷ lệ 58,1% (tăng 1.215 đảng viên so với cùng kỳ, tỷ lệ tăng 7,48%).

– Ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học được tăng cường. Trang “truonghocketnoi” đã cấp 22.541 tài khoản cho giáo viên, tăng 71% so với năm học 2014-2015; số TK học sinh được cấp là 307.170, tăng 88% so với năm học 2014-2015. Quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh qua phần mềm SMAS 3.0; khuyến khích các trường sử dụng sổ ghi điểm và học bạ HS từ phần mềm; thực hiện liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ HS và cộng đồng qua sổ liên lạc điện tử và website của trường… Khai thác phần mềm quản lý trường học trực tuyến, Sở GDĐT đã làm chủ cơ sở dữ liệu, toàn quyền vận hành, quản trị và khai thác dữ liệu; tự động chiết xuất các số liệu giáo dục, báo cáo thống kê.

– Trong giai đoạn 2015-2019, toàn ngành có nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu, hình thức thi đua cấp cao: 25 Nhà giáo Ưu tú (nâng tổng số Nhà giáo Ưu tú của tỉnh là 96); 03 Huân chương Lao động hạng Nhì (02 tập thể, 01 cá nhân); 03 Huân chương Lao động hạng Ba (01 tập thể, 02 cá nhân); 13 Cờ Thi đua của Chính phủ (tập thể); 160 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (08 tập thể, 152 cá nhân). Ngoài ra, toàn ngành còn có hàng ngàn lượt công chức, viên chức được công nhận CSTĐ cơ sở, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; có trên 40 cá nhân được công nhận CSTĐ cấp tỉnh.

2. Tồn tại, hạn chế
– Hệ thống trường trọng điểm, trường chất lượng cao, trường ngoài công lập phát triển chậm; Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đồng đều giữa các địa phương, giữa các trường trên cùng địa bàn cấp huyện. Tỷ lệ học sinh mầm non và học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày còn thấp; học sinh cấp trung học bỏ học còn nhiều. Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn khó khăn, chưa đạt yêu cầu.

 – Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy được quan tâm đầu tư, song chưa đồng bộ so với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; nhiều trường học thiếu diện tích đất, tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, thiếu phòng thực hành bộ môn, thiết bị đồ dùng dạy học theo quy định của chuẩn quốc gia; đặc biệt ở ngành học mầm non. Toàn tỉnh còn thiếu trên 1.500 phòng học, nhiều trường, lớp học đang xuống cấp trầm trọng và các công trình phụ không đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh (nhất là công trình vệ sinh)…

 – Tỉnh tuy đã được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi nhưng tính bền vững chưa cao (do khó khăn về biên chế, cơ sở vật chất,… nên chỉ tập trung huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi để đạt chuẩn phổ cập; còn trẻ trong độ tuổi nhà trẻ huy động chỉ đạt tỉ lệ 30% (Mục tiêu đến năm 2020 là 80%).

– Đội ngũ giáo viên thừa thiếu cục bộ; giáo viên mầm non và một số môn năng khiếu, ngoại ngữ khó tuyển; so với yêu cầu nhiệm vụ, hiện toàn ngành còn thiếu hơn 1.000 biên chế (do thực hiện phổ cập giáo dục mầm non; tăng cường dạy học 2 buổi/ngày; thực hiện nhiều hoạt động giáo dục bổ trợ…).

Đội ngũ kế toán trường học lương thấp, khó tuyển được người đạt chuẩn; vị trí bảo vệ và tạp vụ không được chi trả lương từ ngân sách, không được sử dụng nguồn huy động từ phụ huynh học sinh, phải sử dụng trong 18% chi thường xuyên ảnh đến chất lượng hoạt động.

– Công tác quản trị trường học nhất là quản lý tài chính của các CSGD còn nhiều hạn chế, yếu kém, sai phạm ảnh hưởng đến uy tín của Ngành.

– Cơ cấu chi thường xuyên theo tỷ lệ 82% cho con người và 18% cho hoạt động ở một số địa phương chưa đảm bảo đã tác động nhất định đến chất lượng giáo dục.

– Bộ GD&ĐT đánh giá một số tồn tại, hạn chế của Sở năm học 2018 – 2019 là:

Sáp nhập 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của các huyện: Tân Hiệp, Kiên Lương và Giồng Riềng vào 03 trường trung cấp nghề (việc sáp nhập này không đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 39/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV).
Thiếu trên 1.000 giáo viên.
Tỷ lệ học sinh mầm non và học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày còn thấp; học sinh cấp trung học bỏ học còn nhiều. Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn khó khăn, chưa đạt yêu cầu.
Tỷ lệ giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn theo quy định để chuẩn bị việc triển khai CT TA 10 năm cho học sinh lớp 3 toàn quốc từ năm học 2020 – 2021 còn rất thấp (nhỏ hơn 30%).
Còn thiếu trên 1.500 phòng học; nhiều trường, lớp học đang xuống cấp trầm trọng và các công trình phụ không đáp ứng nhu câu học tập, sinh hoạt của học sinh (nhất là công trình vệ sinh).
Đội ngũ Thanh tra Sở có 3 cán bộ thanh tra; chưa bồi dưỡng nghiệp vụ CTVTT theo Thông tư 24.
Nguyên nhân:

– Kiên Giang có địa bàn rộng, dân cư không tập trung nên quy mô trường lớp nhỏ, phân tán.

– Mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo ngày càng tăng, nhưng nguồn lực đầu tư (cả vật chất và nhân lực) chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

– Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục và đào tạo đạt hiệu quả, yêu cầu đề ra.

– Các cấp quản lý giáo dục từng lúc, từng nơi chưa tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục và đào tạo; thiếu chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế.

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NĂM HỌC 2019 – 2020

Năm học 2019 – 2020, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT và hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa từ năm học 2020-2021; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua; củng cố công tác thanh tra; triển khai tổ chức hiệu quả Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2020.
I. Phương hướng chung
- Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 – 2020; khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về giáo dục và đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương, nền nếp trong các nhà trường; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Giáo dục mầm non: Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị nhà trường gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
- Giáo dục phổ thông: Tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông.
- Giáo dục thường xuyên: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
II. Các nhóm nhiệm vụ chủ yếu
1. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT trong cả nước
1.1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó các địa phương thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục, quy hoạch đất dành cho giáo dục, đồng thời công khai đất quy hoạch để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường lớp mầm non, phổ thông.

1.2. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện giảm các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ khối mầm non, phổ thông tại các địa phương.

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp
2.1. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; thực hiện đúng quy chế làm việc và văn hóa công sở.

2.2. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, giảng viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên, giảng viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo, các chuẩn được ban hành, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp.

2.3. Thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục; đồng thời thực hiện các giải pháp bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên các cấp học theo quy định.

2.4. Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.

2.5. Thực hiện tốt các chính sách phát triển đội ngũ, tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập theo thẩm quyền; nâng cao chất lượng công tác đánh giá giáo viên gắn với thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao đời sống, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề.

3. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học
3.1. Xây dựng và triển khai tài liệu hướng dẫn nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ em tại gia đình và các nhóm trẻ độc lập, tư thục; hỗ trợ, nâng cao chất lượng các nhóm lớp độc lập tư thục; hướng dẫn và phối hợp với cha mẹ trẻ chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhà trường và tại gia đình.

Thực hiện Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025; Tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi ở những nơi có điều kiện, duy trì tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi, duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

3.2. Tổ chức tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý sử dụng sách giáo khoa lớp 1; hoàn thành các điều kiện chuẩn bị triển khai chương trình lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chỉ đạo biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông.

Tổ chức việc lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, không độc quyền.

3.3. Thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS, hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

3.4. Tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng tốt đẹp, gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; kết hợp với thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy tốt vai trò của tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương.

Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

3.5. Bảo đảm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục thể chất, y tế trường học; phát động phong trào học bơi và phòng, chống đuối nước cho học sinh; tăng cường tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa cho học sinh, sinh viên; bảo đảm các điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm trong trường học.

3.6. Tăng cường việc đổi mới quản lý nhà nước đối với việc tổ chức hoạt động dạy – học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập; hướng dẫn việc thực hiện chương trình xóa mù chữ, chương trình giáo dục thường xuyên phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

3.7. Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lý giáo dục dân tộc; tập trung nâng cao chất lượng các trường phổ thông dân tộc nội trú.
4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo
4.1. Triển khai các chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu, học liệu ngoại ngữ; khuyến khích triển khai cho trẻ làm quen với ngoại ngữ (tiếng Anh) ở các địa phương có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện.

4.2.  Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp giáo viên ngoại ngữ.

4.3. Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh theo chuẩn đầu ra, ưu tiên các định dạng hỗ trợ thi trên máy tính và thi trực tuyến và phát triển ngân hàng đề thi ngoại ngữ.

4.4. Tăng cường các điều kiện dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên bổ sung các trang thiết bị thiết yếu đáp ứng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới..

5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục
5.1. Hoàn thiện và đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào cơ sở dữ liệu ngành; xây dựng và triển khai các phần mềm quản lý, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành.

5.2. Tăng cường triển khai  sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, số liên lạc); triển khai mô hình giáo dục điện tử, lớp học thông minh ở những nơi có điều kiện.

5.3. Hoàn thành hệ thống bồi dưỡng giáo viên trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý.

5.4. Tiếp tục sử dụng hiệu quả ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung, kho bài giảng e-Learning, bản đồ số giáo dục trực tuyến.

6. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GDĐT
Hướng dẫn thực hiện, giám sát, kiểm tra, đánh giá thành lập và hoạt động của Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục.

7. Hội nhập quốc tế trong GDĐT
7.1. Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, GDĐH đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua việc hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài.

7.2. Thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

8. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GDĐT
8.1. Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, đặc biệt là lớp 1; triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025.

8.2. Bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, trong đó chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

8.3. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định.

9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
9.1. Đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 – 2020, xác định phương hướng phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2021 – 2030 nhằm tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

9.2. Phối hợp nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh của trường sư phạm CĐSP.

9.3. Triển khai thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

III. Các nhóm giải pháp cơ bản

1. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GDĐT
1.1. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ GDĐT.

1.2. Rà soát các vấn đề giáo dục và đào tạo trong toàn ngành để chủ động trong chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chỉ đạo các đơn vị thanh tra, kiểm tra.

2. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục
2.1. Triển khai các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý giáo dục các cấp; ban hành tiêu chuẩn cán bộ quản lý phòng, sở giáo dục và đào tạo. Hướng dẫn đánh giá, phân loại, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý giáo dục theo tiêu chuẩn chức danh; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, đạo đức lối sống đối với cán bộ quản lý giáo dục.

 2.2. Thực hiện tuyển dụng, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm; đánh giá, phân loại công chức, viên chức bảo đảm thiết thực, khách quan, công bằng.

3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GDĐT
3.1. Phân bổ, quản lý sử dụng kinh phí chi thường xuyên năm 2019 bảo đảm hiệu quả, bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển góp phần nâng cao chất lượng GDĐT. Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương kết hợp ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục.

3.2. Triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GDĐT giai đoạn 2019 – 2025.

3.3. Huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cho GDĐT; công khai quy hoạch, danh mục các dự án kêu gọi xã hội hoá giáo dục để thu hút nhà đầu tư; thực hiện các chính sách phát triển xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là chính sách phát triển trường lớp mầm non tại khu công nghiệp.

4. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục
4.1. Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau nhằm tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.

4.2. Kiểm tra việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; kiểm tra công tác quản lý văn bằng chứng chỉ, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục để nâng cao hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cơ sở GDĐT.

5. Đẩy mạnh công tác truyền thông về GDĐT
5.1. Tiếp tục truyền thông, tổ chức quán triệt, học tập nội dung Nghị quyết 29-NQ/TW và các quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về đổi mới về GDĐT trong giai đoạn tới.

5.2. Đẩy mạnh công tác truyền thông về GDĐT, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của mọi tầng lớp Nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới GDĐT, trước hết là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

5.3. Chủ động thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới về GDĐT và chủ động xử lý các vấn đề truyền thông về giáo dục.

5.4. Tăng cường truyền thông nội bộ; tổ chức truyền thông gương người tốt, việc tốt trong quá trình thực hiện đổi mới GDĐT, tạo sự đồng thuận trong toàn ngành và xã hội.

Các nhiệm vụ trọng tâm: Quy hoạch mạng lưới trường, lớp; Phát triển đội ngũ nhà giáo; Đổi mới cơ chế quản lý; Tăng cường dạy người; Phát triển nhân lực chất lượng cao.

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT GIÁO DỤC 2019

Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều), thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. So với quy định Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục 2019 có những điểm mới cơ bản sau đây:

1. Luật Giáo dục đã bổ sung quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục, làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế hướng nghiệp, phân luồng và liên thông, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người và giao Chính phủ quy định cụ thể (Đ 9, Đ 10).
Luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoagiáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13.
2. Luật Giáo dục quy định Chương trình giáo dục phổ thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước; Quy định phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của giáo dục phổ thông; thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa, thực hiện việc xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trên địa bàn (Đ 32).

3. Cơ sở giáo dục: Cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm: Trường tiểu học; Trường trung học cơ sở; Trường trung học phổ thông; Trường phổ thông có nhiều cấp học (Đ 33).
Cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: Trung tâm giáo dục thường  xuyên;  Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; Trung tâm học tập cộng đồng; Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên (Đ 44).

4. Cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông:
Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được sử dụng để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật (Đ 34).

5. Bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường.
Luật Giáo dục bổ sung quy định trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và giao Chính phủ quy định cụ thể (Đ 47).

Về hội đồng trường, Luật Giáo dục quy định áp dụng đối với trường công lập, trường dân lập, trường tư thục và quy định vị trí, chức năng, thành phần cụ thể của hội đồng trường của từng loại hình đối với giáo dục mầm non, phổ thông; hội đồng trường của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học (Đ 55).

6. Luật Giáo dục quy định giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc; Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (Đ 14).
Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện đối với trẻ em mầm non 05 tuổi và học sinh trung học cơ sở (Đ 99).

Theo quy định của Hiến pháp 2013 thì Nhà nước “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí” và theo Nghị quyết số 29-NQ/TW thì Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.

7. Luật Giáo dục quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước (Đ 96).
 

Quy định mới của Luật Giáo dục 2019 liên quan đến giáo viên 

8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục (Đ 22)
– Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.

– Xuyên tạc nội dung giáo dục.

– Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.

– Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.

– Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

– Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.

10. Quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học.
Luật Giáo dục quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Nhà giáo giảng dạy trình độ đại học từ đại học lên thạc sĩ. Để bảo đảm tính khả thi, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp, Luật Giáo dục đã giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (Đ 72).

11. Tiền lương, phụ cấp của giáo viên được quy định cụ thể hơn: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ (Đ 76).
Quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Luật Giáo dục quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.
Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo (Đ 85).
Ninh Thành Viên                 

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang

Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây