Được biết hiện nay trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận có 1.981 hộ người dân tộc Khmer với 7.910 khẩu. Người Khmer đa số làm nghề nông, sống xen kẻ với người Kinh và người Hoa tập trung đông nhất ở các xã như: Vĩnh Bình Bắc, Phong Đông. Đồng bào Khmer có truyền thống theo đạo Phật hệ phái Nam tông Khmer, luôn có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện các nghi thức lễ hội truyền thống đúng theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thượng tọa Danh Cảnh, chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Vĩnh Thuận cho biết: Trong những năm qua, với vai trò là thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Vĩnh Thuận, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Vĩnh Thuận luôn phát huy vai trò trách nhiệm của mình, đặc biệt là việc hướng dẫn sư sãi và đồng bào Phật tử hành đạo theo phương châm “Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội”.
Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp với các cơ quan ban ngành mở được 18 lớp tập huấn cho 630 vị sư và đồng bào Phật tử về hoạt động tôn giáo; tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong các buổi thuyết pháp vào các dịp lễ, tết diễn ra tại chùa và ở xóm thu hút trên 8000 lượt người tham gia. Phối hợp với phòng Tư pháp tổ chức xây dựng 05 tủ sách pháp luật ở 05 chùa Khmer, mỗi tủ có từ 80 đầu sách các loại trở lên, góp phần vào việc tuyên truyền chính sách pháp luật, làm giảm tình hình khiếu nại khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật trong đồng bào phật tử Khmer. Từ đó các vị trụ trì, Achar, Ban Quản trị, các vị sư và phật tử được nâng lên về nhận thức, góp phần ổn định xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó ở cộng đồng dân cư, có ý thức cảnh giác, đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.
Thượng tọa Danh Cảnh, chủ tịch hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Vĩnh Thuận cho biết: Toàn huyện hiện có 5 ngôi chùa Nam tông Khmer, với 30 vị sư sãi, trong đó Tỳ khưu có 18 vị và 12 vị Sadi. Về chức sắc, chức việc: có 01 Thượng tọa, 04 Đại đức, 10 vị Achar và 75 vị trong Ban quản trị ở các chùa. Chư tăng và Phật tử Khmer trong huyện từ trước đến nay luôn nêu cao tinh thần yêu nước, có truyền thống đoàn kết với các dân tộc anh em sống trên địa bàn, cần cù lao động vươn lên trong cuộc sống.
Công tác giáo dục, đào tạo trong giới sư sãi và đồng bào phật tử luôn được quan tâm. Hội tổ chức mở dạy được 12 lớp chữ Khmer, từ lớp 1 đến lớp 5, có 715 con em đồng bào Phật tử Khmer và 25 vị sư theo học. Cùng với việc dạy và học chữ Khmer ban chấp hành Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện đã xét tuyển đưa 08 vị sư đi học Pali tại Trà Vinh, 06 vị đi học tại trường Trung cấp Pali Nam bộ ở tỉnh Sóc Trăng; 05 vị đi học Đại học tại Kiên Giang, 01 vị đi học tại Học viện Phật giáo Nam tông ở Thành Phố Cần Thơ, 03 vị đi học Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại đức Danh Dung trụ trì chùa Đồng Tranh cho biết thêm: Các vị sư từ Sadi đến Thượng tọa đều có nhiều cố gắn trong học tập, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, giữ gìn tác phong, chấp hành kỷ cương pháp luật cũng như giới luật của người xuất gia. Từ đó làm tăng thêm lòng tin của Phật tử. Phát huy truyền thống yêu nước theo phương châm “Đạo pháp, Dân chủ và xã hội chủ nghĩa”, Hội đã luôn nỗ lực dấn thân đồng hành gắn bó cùng dân tộc, đoàn kết, năng động và có nhiều sáng tạo trong các hoạt động thi đua yêu nước, nhất là phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” gắn với thực hiện xây dựng “nông thôn mới”; vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… góp phần vào sự phát triển chung của huyện Vĩnh Thuận.
Theo thượng tọa Danh cảnh, trong thời gian tới Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Vĩnh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Chư tăng và Phật tử Khmer thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, tích cực phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác tăng sự. Thường xuyên đấu tranh cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ra sức thi đua lao động sản xuất, kinh doanh góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình phật tử ấm no, tiến bộ.
Võ Thanh Xuân