Cách đây 67 năm (tháng 11/1954), Vàm Chắc Băng thuộc xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, đã được chọn là nơi trung chuyển của khu vực tập kết 200 ngày đêm. Tại đây, người dân đã chứng kiến một cuộc chia tay dài nhất trong lịch sử với nhiều niềm vui, nỗi buồn, có nụ cười lẫn nước mắt, có hy vọng cả lo âu. Cuộc chia tay đi vinh quang, ở anh dũng.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận tổ chức tọa đàm với các nhân chứng lịch sử đã tham gia sự kiện tập kết 200 ngày đêm vào tháng 11/1954 tại Vàm Chắc Băng.
Ngày 25/8/1954, Ủy ban quân chính được thành lập và tổ chức tiếp quản khu tập kết. Khu tập kết 200 ngày đêm gồm khu vực bán đảo Cà Mau, bắt đầu từ vịnh Thái Lan vào bờ Nam sông Cái Lớn,đến ngã ba sông Nước Trong, qua kinh xáng Ngang Dừa, xuống ngã tư Vĩnh Phú, đến Vĩnh Hưng và ra Biển Đông. Khu vực này phần lớn là vùng độc lập của 2 tỉnh Bạc Liêu và Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay).
Từ phía Nam sông Cái Lớn trở xuống Cà Mau là khu tập kết 200 ngày dành cho cán bộ và chiến sĩ miền Tây Nam bộ. Ta chủ trương xây dựng khu tập kết như là mô hình mẫu của chính quyền cách mạng, một chính quyền của dân, do dân, vì dân để đồng bào cảm nhận sâu sắc những quyền lợi mà cách mạng đem lại cho họ, tạo điều kiện cho nhân dân đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng mà 9 năm kháng chiến đã giành được.
Trong thời gian 6 tháng ngắn ngủi, chính quyền cách mạng tập trung thực hiện một số chính sách như: đổi tiền, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân; xây dựng trường học, trạm y tế, nhà bảo sanh. Nhiều lớp bình dân học vụ được thành lập khắp nơi. Hơn 10 nghìn lượt người trong khu căn cứ đã tham gia tháo gỡ cản đất ở vàm kinh xáng Chắc Băng; tháo cản cây ở Bến Luông; xây cất doanh trại cho cán bộ, bộ đội dừng chân; bố trí chỗ ăn nghỉ cho trên 5 ngàn đồng bào ở thành thị vùng địch kiểm soát vào thăm viếng, tiễn đưa người thân đi tập kết; làm nhiều nhà kho có sức chứa hàng chục ngàn giạ lúa cùng các tài sản từ các nơi chuyển về, chuẩn bị đưa đi tập kết.
Ông Lê Thanh Tiết, cán bộ hưu trí ở xã Phong Đông, cho biết: Tại khu tập kết, các sân bóng đá, bóng chuyền được xây dựng, phong trào thể dục - thể thao phát triển sôi nổi. Các đoàn văn công, văn nghệ, các đội ca vũ thiếu nhi, chiếu phim hoạt động ngày đêm, tạo không khí sôi động, phấn khởi trong nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ cùng đồng bào địa phương sửa nhà, làm đường, bắc cầu, làm vệ sinh làng xóm sạch sẽ; giúp đỡ, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, người neo đơn. Người dân thì gói bánh, mang gạo, rau, củ cho bộ đội. Tình quân dân vô cùng thắm thiết.
Để có nơi đón rước, đưa tiễn bộ đội, cán bộ đi tập kết, đồng thời tiếp đón các phái đoàn quốc tế và liên hiệp đình chiến đến làm việc, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã xây dựng một bến cảng tạm thời ở vàm Chắc Băng.
Tháng 8/1954, từ miền Trung, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương phân công trở lại Nam bộ lãnh đạo cách mạng. Đồng thời, Trung ương cử phái đoàn thay mặt Trung ương do đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu vào Nam bộ để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hiệp định đình chiến. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, tháng 10/1954, tại khu căn cứ Chắc Băng, trong rừng U Minh (Vĩnh Thuận, Cà Mau) đã diễn ra Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam bộ. Đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Lê Đức Thọ chủ trì hội nghị.
Công tác chỉ đạo tập kết chuyển quân ở miền Nam do các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ phụ trách. Trước tình hình cụ thể lúc bấy giờ, đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo các địa phương Nam bộ phải tích cực đối phó với tình huống xấu nhất “Địch có thể xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, thẳng tay đàn áp cách mạng miền Nam".
Ông Phạm Hùng Vinh, người đã xuống tàu tập kết tại Vàm Chắc Băng, xúc động tâm sự khi trở về thăm lại Chắc Băng: “Tôi không bao giờ quên được trên quê hương Chắc Băng, Vĩnh Thuận của mình đã có một bến nước chia ly để người đi, kẻ ở đều phải bước vào một cuộc đấu tranh mới vô cùng cam go, gian khổ trước kẻ thù hết sức xảo quyệt và tàn bạo".
Khu tập kết 200 ngày ở Vàm Chắc Băng là một dấu ấn lịch sử, một biểu tượng sáng ngời niềm tin cách mạng, là căn cứ vững chắc trên quê hương Vĩnh Thuận anh hùng. Thời gian tới, nơi đây sẽ xây dựng một công trình có ý nghĩa to lớn, nhằm góp phần giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn", tri ân các thế hệ cha anh đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Võ Thanh Xuân
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Vĩnh Thuận