Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

Thứ năm - 21/10/2021 22:24 953 0
Sau năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ và tay sai đã ngang nhiên xóa bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân xâm lược, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng ta xác định, con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực và đề ra chủ trương nhanh chóng chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. ​
 
21 10 21 bia 1
Tàu HQ-671 (trong kháng chiến chống Mỹ mang số hiệu 641) là con tàu duy nhất còn lại trong số những con tàu làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh: TL

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt" (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập với nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược trên bộ và trên biển cho miền Nam. Tháng 7/1959, Tiểu đoàn 603 trực thuộc Đoàn 559 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh". Cuối năm 1959, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên vào chiến trường Khu 5, nhưng không thành công, do vậy Tổng Quân ủy quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động để tìm phương án mới.

Đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ phát triển rộng khắp. Tổng Quân ủy chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5. Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển miền Trung và Nam bộ chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc. Giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử5 thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí, trực tiếp vận chuyển vũ khí và dẫn đường cho các tàu tiếp tế vào Nam. Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, gồm 38 cán bộ, chiến sĩ. 

Sau khi rút kinh nghiệm các chuyến vận chuyển chưa thành công, Đoàn 759 quyết định để thuyền “Bạc Liêu" đi chuyến trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam. Đêm ngày 10/4/1962, thuyền rời cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) đi về hướng Nam; đến 10 giờ đêm ngày 18/4/1962 cập vào Vàm Lũng (Ngọc Hiển, Cà Mau). Nghiên cứu, khảo sát bến xong, thuyền Bạc Liêu tiếp tục quay trở ra miền Bắc; chuyến đi trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam đã thành công. Trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển". Từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển mới, nhận bàn giao 4 tàu gỗ từ Xưởng đóng tàu I (Hải Phòng) và tiếp nhận bổ sung cán bộ. Để bảo đảm bí mật, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển, tên gọi “Đoàn tàu không số" được ra đời. Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên đã rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng); đến ngày 16/10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) và sau đó 3 chuyến tiếp theo lần lượt vào Nam an toàn. 

Xác định vận chuyển bằng đường biển lâu dài, cần có phải những phương tiện vận chuyển tốt hơn để đi trong mọi thời tiết, Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng đầu tư, trang bị cho Đoàn 759 loại tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn. Ngày 17/3/1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí lên đường đến bến Trà Vinh an toàn. Tháng 8/1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 trực thuộc Cục Hải quân. Ngày 29/1/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.

Những con tàu không số thô sơ, nhỏ bé, cùng với những cán bộ, chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm vượt qua sóng to, gió lớn, bão táp của biển cả, vượt qua sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của kẻ thù để đến với chiến trường miền Nam. Hàng trăm lượt tàu đã ra khơi, về đích; hàng trăm nghìn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa và hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn miền Bắc được đưa vào tiền tuyến, đáp ứng kịp thời cho chiến trường Nam bộ, Nam Trung bộ và Khu 5, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đoàn 125 thực hiện nhiệm vụ vận tải cho các tuyến đảo xa và phục vụ đi lại của cán bộ, nhân dân 2 miền Nam - Bắc, trong đó nhiệm vụ vận chuyển cho Trường Sa được đặt lên hàng đầu. Ngày 26/10/1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định về tổ chức lực lượng Lữ đoàn 172, trong đó Đoàn 125 đổi tên thành Hải đoàn 125 và sáp nhập vào Lữ đoàn 172. Để phù hợp nhiệm vụ mới, ngày 12/2/1979, Hải đoàn 125 được Bộ Quốc phòng quyết định nâng cấp thành Lữ đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, làm nhiệm vụ vận tải quân sự, đánh dấu một giai đoạn phát triển và trưởng thành mới của đơn vị. 

Những năm gần đây, các lực lượng vận tải quân sự được bổ sung hàng chục tàu vận tải mới, có trang bị đồng bộ, có trọng tải lớn để thay thế số tàu nhỏ. Cùng với thực hiện nhiệm vụ vận tải biển, các tàu vận tải hải quân đã tham gia nhiều chuyến trực bảo vệ chủ quyền trên biển, kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh, chủ động đấu tranh, ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển của nước ta, thực hiện đúng đối sách, kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình; thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn trên biển...

Có thể nói, đường Hồ Chí Minh trên biển là một sự sáng tạo của Đảng ta trong chiến lược chiến tranh. Những bài học về tuyến đường này vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, kế thừa vàphát triển sáng tạo vào hoạt động quân sự -quốc phòng, trong đó có công tác hậu cần - kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
Thái Văn Khởi

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đảng bộ tỉnh Kiên Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập49
  • Hôm nay8,892
  • Tháng hiện tại38,717
  • Tổng lượt truy cập5,968,406
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây