Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu”. Tôn sư trọng đạo là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Vì vậy nhớ ơn, quý trọng thầy, cô giáo là đạo lý, là nghĩa cử của tất cả chúng ta.
Nhà báo Đoàn Hồng Phúc, phó chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Kiên Giang (thứ 2 từ phải sang)
tặng giải trang thông tin điện tử trường học hoạt động chất lượng, hiệu quả do
ban tuyên giáo Huyện uỷ Vĩnh Thuận tổ chức năm 2021
Trong xã hội Việt Nam từ xưa đến nay, Người thầy luôn được tôn vinh, quý trọng. Người thầy không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn là người tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất của xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta đã có biết bao người thầy trở thành tấm gương sáng: Đó là người thầy Sư Vạn Hạnh - người đã có công nuôi dạy và dìu dắt Lý Công Uẩn trở thành một vị vua anh minh lỗi lạc. Chính Lý Công Uẩn là người đã ra chiếu dời đô đến đất Thăng Long và mở ra một kỷ nguyên phát triển phồn hoa của dân tộc Việt Nam. Không những vậy, ông còn là người đã đặt nền móng đầu tiên cho công cuộc giáo dục của đất nước Đại Việt bằng cách lập nên Quốc Tử giám, trường học đầu tiên dành cho con, cháu quý tộc năm 1070. Đó là thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370) - người dạy học cho thái tử, cũng là người đã dâng “Thất trảm sớ” xin vua chém lũ gian thần rồi cáo quan về quê sống cuộc đời thanh bạch. Đó là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), người vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân; đồng thời cũng là nhà thơ lớn, tác giả của nhiều bài thơ, văn bất hủ tràn đầy nhiệt huyết và thấm đẫm tấm lòng yêu nước thương dân. Đó là các bậc thầy cao quý, như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Võ Trường Toản…Thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.... Những người thầy từ xưa cho đến hôm nay đã mang lại vinh quang cho đất nước và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.Nhà bác học Lê Quý Đôn là học sỹ thời vua Lê chúa Trịnh, nổi tiếng uyên bác, từng lãnh chức Thượng thư bộ Công. Sinh thời trong cảnh nhiễu nhương, ông chỉ ra năm nguy cơ có thể mất nước. Đó là:1. Trẻ không kính già.2. Trò không trọng thầy.3. Binh kiêu tướng thoái.4. Tham nhũng tràn lan.5. Sĩ phu ngoảnh mặt. Có thể thấy, trong năm nguy cơ mà nhà bác học Lê Quý Đôn chỉ ra vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay. Đặc biệt đó là việc phải quý trọng, biết ơn tôn trọng thầy, cô giáo.Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm chính là dịp để mỗi người trong chúng ta cùng nhau gặp gỡ, ôn lại truyền thống và tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng truyền đạt tri thức và đạo làm người cho những thế hệ học trò nối tiếp nhau khôn lớn, trưởng thành.Năm nay, ngày nhà giáo Việt Nam diển ra trong điều kiện “bình thường mới”, đó là huyện Vĩnh Thuận cùng với cả nước tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, sẽ không có những buổi họp mặt liên hoan, không có những buổi tiệc chúc mừng. Nhưng không vì thế mà mất đi ý nghĩa quý báo của truyền thống “tôn sư trọng đạo”.Thời gian qua, ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận luôn được huyện uỷ, uỷ ban và người dân quan tâm, chăm lo, hỗ trợ. Nhờ đó, công tác dạy và học đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng hai mặt giáo dục được nâng lên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư. Nhiều thầy giáo, cô giáo vinh dự nhận được danh hiệu nhà giáo ưu tú; nhiều tập thể, cá nhân được thủ tướng chính phủ tặng bằng khen. Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước, nhiều sáng kiến kinh nghiệm được hội đồng thi đua khen thưởng của tỉnh Kiên Giang công nhận và triển khai ứng dụng vào thực tế giảng dạy của tỉnh. Ngành giáo dục Vĩnh Thuận đã đạt được các tiêu chí trong xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.Tất cả những thành tích đó rất đáng tự hào góp phần quan trọng vào sự phát triển quê hương Vĩnh Thuận. Trong những thành tích quan trọng đó có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của đội ngũ thầy, cô giáo ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận.Hôm nay ngày 20 tháng 11 - ngày Nhà giáo Việt Nam và không chỉ có hôm nay mà trong cuộc sống này mọi người chúng ta hãy bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn đối với công lao giảng dạy của quý thầy cô.
Võ Thanh Xuân Ban tuyên giáo Huyện uỷ Vĩnh Thuận