Vĩnh Thuận bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Thứ hai - 29/11/2021 04:23 707 0

Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã tiếp tục khẳng định bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử là yếu tố quan trọng góp phần giáo dục chủ nghĩa yêu nước; xây dựng, bồi đắp niềm tin, lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân.

29-11-21 IMG_2904.jpg

Đoàn viên thanh niên huyện Vĩnh Thuận xem triển lãm ảnh truyền thống của huyện, tại Trung tâm Chính trị huyện. Ảnh: Mai Tưởng

Vĩnh Thuận là nơi Tỉnh ủy Kiên Giang xây dựng khu lưu niệm Ranh Hạt, đánh dấu sự kiện vào năm 1932 tại Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Đảng bộ tỉnh được thành lập, do đồng chí Quản Trọng Linh làm Bí thư Chi bộ. Việc thành lập chi bộ đầu tiên ở Ranh Hạt là một bước ngoặt của phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, đồng thời chứng tỏ rằng, ngay từ buổi ban đầu, sau khi thành lập, Đảng ta đã gây được ảnh hưởng và xây dựng được cơ sở của mình ở ngay cả những nơi xa xôi nhất. Từ khi có Chi bộ Đảng lãnh đạo, nhân dân Kiên Giang đã một lòng theo Đảng, che chở, bảo vệ cách mạng, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Lịch sử đấu tranh của Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Thuận còn ghi dấu những sự kiện quan trọng: Ngày 23/10/1948, tại ấp Vĩnh Tây 2, xã Vĩnh Phong, đã diễn ra lễ khai giảng khóa đầu tiên của Trường Thiếu sinh quân Khu 9. Trên khu đất này, một trường học trong chiến tranh được xây dựng dành cho con em cán bộ từ các tỉnh trong Khu 9. Theo ông Nguyễn Minh Chiếu, nguyên Trưởng ban liên lạc Cựu thiếu sinh quân Khu 9, từ lịch sử ngôi trường này đã đào tạo cho Đảng nhiều cán bộ ưu tú đảm nhận những vị trí quan trọng trong kháng chiến, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại Vàm Chắc Băng đã diễn ra cuộc chia ly 200 ngày đêm tập kết ra Bắc “đi cũng vinh quang, ở lại cũng vinh quang". Ngày 17/11/1954, chuyến tàu cuối cùng chở cán bộ, chiến sĩ đi tập kết rời bến Chắc Băng. Có lẽ đây là cuộc chia tay dài nhất trong lịch sử, vì cứ ngỡ chỉ hai năm gặp lại, nhưng chiến tranh khốc liệt mãi đến 21 năm sau mới được trùng phùng. Chắc Băng - Vĩnh Thuận trở thành bến nước chia ly, nơi khởi nguồn cho tinh thần, ý chí quyết tâm “ra đi để trở về" xây dựng quê hương tươi đẹp hơn.

Vĩnh Thuận được biết đến là nơi ở và làm việc của Xứ ủy, Trung ương cục Miền Nam, Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn của Bộ Tư lệnh Nam bộ, Trường Phụ nữ cứu quốc của Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam bộ, Khu đoàn Tây Nam bộ. Vĩnh Thuận còn là nơi có nhiều cơ quan tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay) xây dựng căn cứ, như: Khu căn cứ Tỉnh ủy ở Xẻo Gia, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh, Ban An ninh, Ban Tuyên huấn, Tỉnh đoàn, Phụ nữ tỉnh, Ban Dân y... Đây cũng là nơi tập kết cuối cùng của tuyến đường vận chuyển chiến lược 1C - con đường huyền thoại.

Người dân Vĩnh Thuận đã che chở, đùm bọc, nuôi chứa nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng tuyệt đối an toàn, đó là các đồng chí Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Đệ, Ngô Thị Huệ, Ba Thi... Chính mảnh đất và con người của vùng quê Vĩnh Thuận đã mang hàng ngàn giạ lúa, xuồng, ghe, máy móc, thuốc men, hy sinh cả tính mạng để góp phần thắng lợi cho công cuộc đánh giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước. Văn hóa ở mỗi con người Vĩnh Thuận là sức mạnh nội sinh của lòng yêu nước, ý chí cần cù, lòng sắt son với Đảng, với cách mạng; thủy chung, son sắt, vẹn tình “có ơn phải trả, có nghĩa phải đền". 

Với những thành tích và chiến công đó, huyện Vĩnh Thuận đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Từ mảnh đất Vĩnh Thuận anh hùng đã tôi luyện và trưởng thành - nơi sinh ra và lớn lên của nhiều đồng chí cán bộ của tỉnh và Trung ương đang giữ những vị trí quan trọng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng mà các thế hệ cha anh đã dày công vun đắp.

Hiện nay, huyện Vĩnh Thuận tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các di tích lịch sử cách mạng; tiếp tục chăm lo đời sống người dân ở vùng căn cứ kháng chiến. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, góp phần tô thắm truyền thống yêu nước của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của huyện. Những địa danh - căn cứ hoạt động cách mạng trong kháng chiến ở Vĩnh Thuận là những chứng tích của phong trào giải phóng dân tộc, sẽ là “địa chỉ đỏ" giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc, ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do". 

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng trên quê hương Vĩnh Thuận anh hùng sẽ góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn", những giá trị nhân văn sâu sắc. Từ đó, xây dựng và phát triển văn hóa con người Vĩnh Thuận hướng đến chân - thiện - mỹ; ra sức xây dựng quê hương anh hùng ngày càng phồn vinh, phát triển.

Võ Thanh Xuân
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đảng bộ tỉnh Kiên Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay8,892
  • Tháng hiện tại38,701
  • Tổng lượt truy cập5,968,390
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây