Tự thân cái danh không có lỗi. Cái lỗi là người ta đã lạm dụng, đã hiểu sai về nó. Một khi suy nghĩ không thấu, hành xử không đúng về cái danh, tự thân cái danh sẽ mất giá trị.
Ở đời, ai cũng muốn có một chữ “danh”. Nội hàm chữ “danh” chứa đựng ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp. Nhưng chữ “danh” thời nay đã bị không ít người hiểu sai, làm biến dạng, méo mó ý nghĩa đích thực của nó.
Háo danh. Đây là từ dùng để chỉ những người ham danh, háo lợi đến mức khác thường. Ở mức độ nhẹ, họ khôn khéo lấy lòng người khác, “mua chuộc” nhân tâm, ra sức ra luồn vào cúi, nịnh nọt, ton hót cấp trên để mong được bổ nhiệm chức quyền cao hơn. Nặng hơn, có người dù ở đâu, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến “cái ghế” mà mình nhắm tới, bằng mọi cách để tiếp cận, leo lên được “vị trí ngon”, thậm chí không ngại ngần sử dụng đủ thứ mánh khóe, chiêu bài để chiếm đoạt được quyền cao chức trọng. Có người háo danh đến mức bất chấp luân thường đạo lý, quên cả tình bằng hữu, chà đạp lên tình đồng chí, đồng nghiệp, sẵn sàng biến “đối tác” thành “đối thủ”, hạ bệ người khác để đạt được tham vọng cá nhân.
Hão danh. Đây là từ chỉ cái danh ở mức hão huyền, viển vông, không tưởng. Số người này trong xã hội ít thôi, nhưng không phải của hiếm đâu nhé. Thì đấy, thời gian qua, dư luận chẳng được phen tá hỏa khi một số kẻ “họ không ai biết, tên chẳng ai hay”, bỗng đùng đùng nổi đình nổi đám… kinh thiên động địa. Loại người này hầu như không tài cán gì, nhưng lợi dụng mạng xã hội, Internet để cố tình khoe thân, “lộ hàng”, phát ngôn gây sốc, tìm kiếm một sự nổi tiếng bằng tất cả sự tai tiếng của mình gây ra. Khi được “bầy đàn đám đông” nhẹ dạ cả tin tung hô, họ cứ tưởng mình là “danh ca”, “siêu mẫu”, “siêu sao” để rồi “mặt trơ mày tráo” vỗ ngực tự nhận là “người của công chúng”!
Hư danh. Đây là từ để chỉ những cái danh không có thực, nhưng người ta vẫn bị quyến rũ, bị mê hoặc đến mức mụ mị, lú lẫn. Có một số người tài năng ở mức “thường thường bậc trung”, nhưng vì sĩ diện, vì muốn “lòe mắt” thiên hạ, họ cố kiếm cho được cái học vị, học hàm này hay cái giải thưởng nọ, danh hiệu kia. Dù không đi bằng đôi chân của mình, nhưng một khi gắn những cái “mác” đó lên tấm card visit, họ luôn tỏ ra “tự tin, tự hào” khi giao lưu, tiếp xúc, trao đổi với người khác. Hơn thế, họ cố lấy cái “mác” ấy để đánh bóng bản thân, lên tiếng “thuyết trình, rao giảng” trên đăng đàn hội nghị, hội thảo và có lúc cũng “lên mặt” huấn thị, chỉ đạo cấp dưới đầy vẻ… oai phong, lẫm liệt!
Suy cho cùng, cái danh không có lỗi. Cái lỗi là chính người ta đã lạm dụng, đã hiểu sai về nó. Một khi suy nghĩ không thấu, hành xử không đúng về cái danh, tự thân cái danh sẽ mất giá trị. Háo danh à? Có thể bằng mọi giá để đoạt được danh đấy, nhưng cái danh ấy không bền vững, trước sau cũng sẽ bị lung lay từ gốc. Còn cố hão danh? Cứ mải miết bám đuổi, rất có thể kiếm chác được chút ít hào nhoáng giả tạo cho bản thân, nhưng chẳng mấy chốc mà tan thành mây khói! Chạy theo hư danh ư? Cũng có thể tìm kiếm được vài ba lợi lộc nào đó cho cá nhân, nhưng cái lợi ấy chỉ nhất thời, bồng bềnh như nước chảy bèo trôi.
Cách đây mấy ngàn năm, nhà hiền triết cổ đại Khổng Tử từng nói: “Danh chính, ngôn thuận, sự tất thành” và “Danh bất chính, ngôn bất thuận, sự bất thành”. Tạm hiểu điều đó là: “Việc đúng, nói nghe xuôi tai, việc chắc chắn sẽ trôi chảy” và “Việc không đúng, nói nghe không vào tai, việc sẽ không tới đâu”. Đã là bậc quân tử thì phải có “chính danh”. Chính danh, hiểu theo nghĩa tích cực nhất, là biết khả năng, chức phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình để làm đúng những chuẩn mực đạo đức cộng đồng và luân lý xã hội. Khả năng, năng lực mình đến đâu, thì cố gắng tận dụng, khai thác, phát huy để phục vụ xã hội tới đó. Thế nên, sống ở trên đời, để xứng đáng với tư cách Người, đừng bao giờ xem nhẹ, coi thường chữ “chính danh”. Dân gian có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Cái danh không bằng tài năng, đức độ, thực lực của bản thân tạo ra, mà càng phải mua đắt bao nhiêu thì giá trị của nó càng bị rẻ rúng bấy nhiêu. Nếu ai đó còn háo danh sẽ sa chân vào vòng xoáy của sự giả dối, gian hùng; nếu vẫn mắc bệnh hư danh sẽ đi vào “ngõ cụt” của lẽ phải, niềm tin; nếu tiếp tục hão danh sẽ dẫn tới con đường nhầy nhụa, nhơ nhớp về nhân cách.
Ai cũng tưởng người đời hơn nhau ở chữ “danh”. Thực ra không phải vậy. Khả năng, mức độ tiếp cận, nhận diện, suy nghĩ về chữ “danh” thế nào cho thấu và hành xử đối với chữ “danh” cho đúng với bản chất và phù hợp với logic nội tại của nó, đó mới là thước đo về sự minh triết, đức độ của con người./.
THIỆN VĂN