Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang sáng ngày 8/9/2021 với thường trực các huyện, thành ủy và ban chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thành phố, Đồng chí Lâm Minh Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, đã nêu ra 16 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc Covid-19 trên địa bàn phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá. Ảnh: Trần Anh
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tỉnh, tính đến 7 giờ ngày 7/9/2021, cả nước có 536.788 ca mắc, tử vong 13.385 trường hợp. Số ca mắc trong 7 ngày qua là 74.818 ca, so với 7 ngày trước giảm 2,6%. Tuy nhiên tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong tỉnh có tổng số 2.713 ca mắc Covid-19 (so với ngày 1/9/2021 tăng 867 ca); đã xuất viện 981 ca, tử vong 18 ca, hiện đang điều trị 1.793 ca, trong đó có 5 ca nặng, 2 ca nguy kịch, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân xuất viện. Trong 5 ngày (từ ngày 2/9/2021 đến 7 giờ ngày 7/9/2021), có 630 ca mắc mới, các địa phương có số ca mắc cao là Rạch Giá(tăng 246 ca), Hà Tiên (tăng 78 ca), Kiên Lương (tăng 134 ca), Hòn Đất (tăng 67 ca), Bệnh viện Ung bướu (tăng 42 ca), Giang Thành (tăng 41 ca). Về đánh giá nguy cơ theo quy định, hiện nay tỉnh ở mức nguy cơ rất cao (vùng màu đỏ). Trong đó có 7 huyện, 20 xã, phường nguy cơ rất cao (vùng màu đỏ); 32 xã, phường nguy cơ cao (vùng màu cam); 2 huyện và 1 xã nguy cơ (vùng màu vàng); 6 huyện và 91 xã, phường bình thường mới (vùng màu xanh). Theo các tiêu chí phân loại thì tỉnh chưa kiểm soát được dịch Covid-19. Về chiều hướng dịch, đang có xu hướng tăng, vùng xanh bị thu hẹp hơn, vùng đỏ mở rộng thêm, đặc biệt là địa bàn các huyện, thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp ở thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong tỉnh hơn 4 ngày qua tuy không có thêm ổ dịch mới, các trường hợp phát hiện phần lớn trong khu phong tỏa, cách ly và những khu vực đã khoanh vùng qua xét nghiệm sàng lọc và những ca chỉ điểm trong cộng đồng. Mục tiêu đề ra trong thời gian tới là tỉnh ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, thông qua các biện pháp quyết định là: Hoàn thành xét nghiệm sáng lọc diện rộng đợt 3 trên toàn tỉnh, nhanh chóng tách F0 ra cộng đồng, tổ chức truy vết, cách ly F1, quản lý F2 chặt chẽ tại nhà; khoanh vùng, kiểm soát, xử lý triệt để các ổ dịch không để lây lan rộng; xiết chặt việc kiểm soát, chặn đứt nguồn lây từ bên ngoài; bảo vệ, giữ vững các địa bàn “vùng xanh" để từng bước giảm mức độ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 16/CT-TTg ở từng địa bàn cụ thể, từng địa phương phải xây dựng kịch bản ứng phó với với dịch, xây dựng biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng" thành “vùng xanh", “vùng cam" thành “vùng vàng"; khoanh chặt các “vùng đỏ" và nhanh chóng xử lý các ổ dịch.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, đồng chí Lâm Minh Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã nêu ra 16 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau: (1)Các địa phương phải khẩn trương hoàn thành xây dựng các khu cách ly trước ngày 15/9/2021, khu cách ly phải được đầu tư xây dựng bài bản, đủ các cơ sở trang thiết bị cần thiết; trả lại các khu cách ly đã tạm trưng dụng của các cơ sở giáo dục và đào tạo để phục vụ năm học mới. (2) Các địa phương có kế hoạch chuẩn bị tốt nhân lực để quản lý, điều hành, bảo vệ, điều trị trong các khu cách ly. (3) Các địa phương, các lực lượng phải chủ động truy vết khi có ca nhiễm, thực hiện tốt việc thu dung F0, cách ly F1; thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh. (4) Các ngành, địa phương phải chuẩn bị bảo đảm đủ vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ yêu cầu điều trị. (5) Các địa phương phải xây dựng bản đồ dịch tễ theo từng địa bàn cụ thể để theo dõi, phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch cụ thể trên bản đồ. (6) Trên cơ sở các kế hoạch chung đã có, phải cụ thể hóa thành kế hoạch theo từng cấp độ chống dịch của địa phương, phải chủ động khi có tình huống phát sinh trở lại ở mức độ xấu hơn. (7) Các địa phương khi tổ chức lại hoạt động của các chợ truyền thống, các siêu thi phải bảo đảm vệ sinh, an toàn về phòng chống dịch. (8) Các ngành, địa phương tập trung thực hiện công tác an sinh xã hội, trong đó chú ý đối tượng lao động tự do trên địa bàn và từ ngoài tỉnh trở về. (9) Tuyệt đối bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở những địa phương nới giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg. (10) Các địa phương phải có kế hoạch tổ chức hoạt động lại các ngành nghề, lĩnh vực được phép theo quy định của tỉnh. (11) Các ngành, địa phương phải quản lý, sử dụng tốt tài sản mua sắm trong phòng, chống dịch và phải đảm bảo hồ sơ thanh quyết toán theo quy định. (12) Tăng cường theo dõi, quản lý các đối tượng ở các địa bàn có dịch trở về địa phương, không để sót gây lây lan dịch bệnh. (13) Tăng cường tầm soát, xét nghiệm sàng lọc theo kế hoạch, kể cả các “vùng xanh" cũng phải tầm soát, sàng lọc theo quy định, không được chủ quan. (14) Các địa phương rà soát lại các doanh nghiệp trên địa bàn, những doanh nghiệp có khó khăn về tài chính phải báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh để có hướng tháo gỡ khó khăn. (15) Tiếp tục theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là thực hiện tốt việc tiêm vắc xin được phân bổ; chú ý ưu tiên tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi khi có chủ trương của Trung ương. (16) Thực hiện phân bổ, điều tiết các tài sản đã mua sắm, được tài trợ về cho các ngành, địa phương và quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý.
Nguyễn Thanh Phong
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang