Cách đây 40 năm, vào rạng sáng ngày 17/2/1979 chúng ta bất ngờ phải đương đầu với một cuộc chiến trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, diễn ra trên địa bàn 6 tỉnh, kéo dài từ Quảng Ninh cho đến Lai Châu được phân chia thành 2 cánh: Cánh chủ yếu và cánh thứ yếu. Cánh quân chủ yếu tiến công chính diện từ Cao Bằng đến Móng Cái, cánh quân thứ yếu tiến công chính diện từ Hà Tuyên đến Lai Châu.
Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm, thêm một lần nữa, quân và dân Việt Nam đã buộc phải cầm súng chiến đấu khi mà không còn sự lựa chọn nào khác để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình. Hay nói một cách khác, quân và dân Việt Nam đã phải tiến hành một cuộc chiến tranh bắt buộc để bảo vệ Tổ quốc.
Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc bất ngờ dùng hơn 60 vạn quân nổ súng xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Cuộc chiến tranh kéo dài đến năm 1988, để lại những thiệt hại to lớn và hậu quả lâu dài với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai đảng, hai nước. Hơn 13 năm sau, năm 1991 quan hệ ngoại giao Việt –Trung chính thức được bình thường hóa.
Sau gần một tháng đánh chiếm nhiều địa bàn trọng yếu và tàn phá hạ tầng cơ sở kinh tế, văn hóa ở các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, trước sức ép phản đối kịch liệt của dư luận trong nước, quốc tế và bị tổn thất nặng nề; ngày 5/3/1979 họ buộc phải tuyên bố rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Với mong muốn có hòa bình và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho quân và dân trên tuyến biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để cho đối phương được rút quân và phương tiện chiến tranh về nước trong yên ổn.
Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta trước quân xâm lược Trung Quốc nhờ vào sự đoàn kết toàn dân, cả nước một lòng đánh giặc; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; mỗi một người dân là một chiến sĩ; mỗi bản làng, xí nghiệp, nông trường, hợp tác xã, thị xã, quận, huyện là một pháo đài kiên cường chống giặc. Mỗi tỉnh, thành là một đơn vị chiến lược (khu vực phòng thủ chiến lược), cả nước ta là một chiến trường rộng lớn có đủ sức mạnh tiêu diệt quân địch.
(Thực tế đã chứng minh, ngay từ những ngày đầu cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, trong cuộc đọ sức với dân quân tự vệ và bộ đội địa phương ta, quân đội chính quy của chúng đã bị giáng trả những đòn trừng phạt nặng nề. Mỗi một ngọn đồi ở biên cương là một Chi Lăng chồng chất xác thù. Mỗi một con suối, dòng sông là một Bạch Đằng nhuộm đỏ máu giặc).
Xây dựng Quân đội ta có những binh đoàn chủ lực hùng mạnh, có sức đột kích lớn, khả năng cơ động cao, sức chiến đấu mạnh, vũ khí phương tiện hiện đại, tính kỷ luật nghiêm thì dù kẻ địch đông như thế nào, hung hãn đến đâu và được trang bị như thế nào củng bị chúng ta đánh bại. Đồng thời phát huy sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, phối hợp chặt chẽ lực lượng chiến đấu tại chỗ của nhân dân và ba thứ quân để đánh giặc. Vừa chiến đấu vừa rèn luyện, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, nâng cao kỷ luật trong toàn quân, làm chủ mọi thứ binh khí kỹ thuật hiện đại, nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến, tạo nên chất lượng chiến đấu cao, sức mạnh và hiệu lực chiến đấu thật lớn, làm tròn xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam góp phần khẳng định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc bén của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam, nhất là trong việc nắm bắt tình hình, đánh giá đúng khả năng hành động của đối phương, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang và nhân dân chuẩn bị các mặt sẵn sàng đối phó; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Qua thực tiễn điều hành, chỉ đạo chiến tranh, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định về quyền tự vệ chính đáng của mình, kiên quyết đánh trả mọi cuộc tiến công xâm phạm chủ quyền, nhưng đồng thời cũng luôn thể hiện rõ lòng bao dung, khát vọng hòa bình, mong muốn chấm dứt xung đột để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Bài và ảnh: Võ Thanh Xuân - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy