Cách đây tròn 40 năm, nhân dân các nước trên thế giới đã chứng kiến một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Với tinh thần và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tự lực tự cường, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam kiên quyết chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Đêm 16 rạng sáng ngày 17/2/1979, lợi dụng trời tối, sương mù, phía Trung Quốc đã bí mật đưa 60 vạn quân mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta với quy mô lớn. Để tấn công Việt Nam, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng trên 30 vạn binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng phía sau. Đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên.
Ngoài lực lượng quân chính quy, Trung Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công và lực lượng dân binh ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch. Chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động.
Tướng Hứa Thế Hữu, Tư lệnh Đại Quân khu Quảng Châu chỉ huy hướng tiến công vào Đông Bắc Việt Nam với mục tiêu chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng.
Tướng Dương Đắc Chí, Tư lệnh Đại Quân khu Côn Minh đảm nhiệm hướng tây bắc với mục tiêu chủ yếu là Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai).
Về phân chia lực lượng: hướng Lạng Sơn Trung Quốc sử dụng quân đoàn 43, 54, 55; hướng Cao Bằng có quân đoàn 41, 42, 50; hướng Hoàng Liên Sơn có Quân đoàn 13, 14; hướng Lai Châu có Quân đoàn 11; hướng Quảng Ninh, Hà Tuyên (nay là Hà Giang) mỗi nơi cũng có từ 1-2 sư đoàn.
Mở cuộc chiến tranh trên biên giới phía Bắc của Việt Nam, Trung Quốc hy vọng thực hiện được 5 mục tiêu: Một là, cứu bọn Pôn Pốt, giữ Campuchia trong quỹ đạo của họ. Hai là, tranh thủ Mỹ và các nước đế quốc giúp họ xây dựng “4 hiện đại hóa” (nông nghiệp, công nghiệp, quân đội và khoa học - kỹ thuật). Ba là, phá hoại tiềm lực quốc phòng và kinh tế của ta, làm ta suy yếu; hạ uy thế quân sự, chính trị to lớn của ta sau chiến thắng 30/4/1975. Bốn là, uy hiếp Lào từ phía Bắc, làm suy yếu liên minh chiến đấu Việt - Lào, buộc Lào “trung lập” trong cuộc đấu tranh giữa ta và họ; phá hoại Lào toàn diện, buộc Lào theo họ chống lại ta, uy hiếp ta từ phía Tây. Năm là, thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận thế giới để chuẩn bị cho những bước phiêu lưu sau này.
Trước cuộc tấn công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 17/2/1979, Chính phủ ta đã ra tuyên bố nêu rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước và khẳng định: “Quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”. Một lần nữa, quân và dân ta, nhất là nhân dân ở các tỉnh biên giới phía Bắc lại phát huy cao độ truyền thống anh hùng cách mạng, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã đánh trả quyết liệt các đợt tiến công của quân Trung Quốc. Ta đã bẻ gãy nhiều mũi tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm chậm ý đồ đánh nhanh, chiếm nhanh các mục tiêu theo kế hoạch ban đầu, buộc quân Trung Quốc phải đưa lực lượng dự bị chiến lược vào hỗ trợ, cứu nguy cho lực lượng bị bao vây, cô lập ở Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai.
Tuy nhiên, do ưu thế quân đông và nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật, nên quân Trung Quốc đã tiến sâu vào nội địa ta trên một số hướng và chiếm một số địa bàn trên vùng biên giới, sau khi ta chủ động chuyển hướng lực lượng về phía sau.
Ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi quân và dân cả nước, trong đó nêu rõ: “Đồng bào và chiến sĩ cả nước hãy phát huy khí thế cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất với kỷ luật chặt chẽ và năng suất cao, chi viện nhiều nhất cho tiền tuyến, hăng hái luyện tập quân sự, nâng cao cảnh giác”, quyết tâm “giữ vững biên cương của Tổ quốc”. Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước công bố Lệnh tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đáp lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, cả nước hết lòng, hết sức chi viện cho tiền tuyến. Mọi công dân có đủ điều kiện đều hăng hái lên đường nhập ngũ, gia nhập dân quân du kích tự vệ, thực hiện chế độ làm việc và luyện tập quân sự, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, quân và dân ta tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Do không đạt được mục đích đề ra, bị quân và dân các tỉnh biên giới nước ta giáng trả mạnh mẽ, bị dư luận tiến bộ trên thế giới và trong nước lên án gay gắt, ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng. Với truyền thống nhân nghĩa, bao dung và mong muốn củng cố hòa bình, hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ thị cho lực lượng vũ trang và nhân dân vùng biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để Trung Quốc rút toàn bộ lực lượng và phương tiện chiến tranh về nước. Từ ngày 6/3/1979, phía Trung Quốc vừa rút quân, vừa đánh phá, gây nhiều thiệt hại về người và của đối với đồng bào ta ở một số vùng giáp biên; ngày 18/3/1979, cơ bản Trung Quốc đã rút quân khỏi nước ta.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (tính từ ngày 17/2/1979 - 18/3/1979), quân và dân ta đã giáng trả và làm cho quân Trung Quốc bị tổn thất nặng nề. Trong đó, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự…
Cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược cách nay 40 năm là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Nhân dân ta đã đoàn kết toàn dân, cả nước một lòng đánh giặc; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.