Ông Chín Tựu bên chiếc lu là căn hầm che chở gia đình ông trong những năm Mỹ - Diệm
thực hiện luật 10/59 ở xã Vĩnh Bình, nay là xã Vĩnh Bình Bắc huyện Vĩnh Thuận
Cả thời tuổi trẻ ông sống và chiến đấu bảo vệ căn cứ U Minh Thượng. Mỗi tên “thứ”, tên làng, mỗi sự kiện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đều in đậm vào dấu ấn của cuộc đời ông. Ông nói: Dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi là vào năm Kỷ Hợi 1959. Năm đó ông là bí thư chi bộ đảng của xã Vĩnh Thuận. Ông chính là Nguyễn Phước Kỳ tên thường gọi Chín Kỳ hiện cư ngụ tại Thành Phố Rạch Giá. Đôi mắt của người cựu chiến binh 95 tuổi đời, 70 tuổi đảng ngấn lệ khi nhắc về ký ức đầy đau thương cách đây 60 năm trên quê hương Vĩnh Thuận.
Ông nói: Địch dựng lên hệ thống chính quyền dày đặc, các tổ chức phản động như “bảo vệ hương thôn”, “thanh niên cộng hòa”, “ngũ gia liên bảo” lập các khu dinh điền, khu trù mật để khống chế cách mạng, các cuộc càn quyét, bắn phá, lùng sục, khủng bố diển ra hàng ngày. Trên vùng quê U Minh Thượng nhuốm màu bi thương, đau đớn. Ông và những người đồng chí của mình đã chiến đấu anh dũng để chiến thắng đạo luật 10/59 của Mỹ-Diệm- một đạo luật tàn ác, vô nhân tính.
ĐỐT NHÀ, LÙA DÂN BỎ RUỘNG VƯỜN VÀO KHU TRÙ MẬT
Thực hiện luật 10/59 địch điên cuồng thảm sát đồng bào ta, chỉ trong đêm 23/10/1959 tên đao phủ Văn Bá Ninh và bọn tay chân gian ác đã mổ bụng lấy mật 57 đồng bào và cán bộ yêu nước ở ấp Tân Sinh, Vĩnh Tuy, Vĩnh Phước, Vĩnh Hòa Hưng cột thành chùm năm, bảy người rồi thả trôi sông, riêng ở Lục Sự cũng chỉ trong một đêm chúng giết đến 20 người. Mỹ-Diệm đã thực sự dìm nhân dân trong biển máu.
Ông Chín Tựu ở ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận - đảng viên 55 năm tuổi Đảng cho biết: Ở xã Vĩnh Bình từ năm 1955 đến năm 1959, địch bắt bớ giam cầm tra tấn giết chết gần 200 đảng viên nhà nhân dân. Chính quyền Ngô Đình Diệm bắt dân đi học tập luật 10/59. Học “tố cộng, diệt cộng”. Kiểm tra kê khai gia đình, tra xét người lạ mặt, điều tra phân loại nhân dân để theo dõi. Chúng buộc người dân phải làm tờ “ly khai cộng sản”. Chúng bắt người dân vùng U Minh Thượng phải treo trước nhà, trên ghe xuồng hàng chữ “Tôi không chứa cộng sản”, trên nón lá đi làm phải viết khẩu hiệu “quyết tâm diệt cộng”. Ai không thực hiện thì chúng bắt giam cầm, đánh đập. Địch còn dã tâm tuyên truyền kích động để bà con dân tộc khmer hận thù với đồng bào người kinh.
Đỉnh điểm là từ tết Kỷ Hợi năm 59, Lâm Quang Phòng mở nhiều cuộc hành quân càn quét bắn phá, đốt nhà dân. Chúng dồn dân ra kinh xáng Chắc Băng, Lộ Mới bắt dân đi đào kinh để dể bề kiểm soát cộng sản. Chúng qui định những con kinh rạch từ hai ngàn thước trở vô là vùng tử địa, qui khu hàng ngàn gia đình vào khu trù mật. Chúng tổ chức hàng trăm điềm chỉ viên, mật báo để theo dõi, chỉ điểm cơ sở cách mạng, tách cán bộ, đảng viên ra khỏi quần chúng nhằm đánh phá cơ sở cách mạng, tiêu diệt Đảng.
Ông Chín Tựu nhớ lại: Khu trù mật chật hẹp, dơ bẩn, thiếu nguồn nước sạch nên trẻ con bị bệnh sốt ban, thương hàn, tiêu chãy. Người dân thì bị bắt vô qui khu bỏ ruộng vườn nên lâm vào cảnh túng quẩn. Gia đình tan nát, ly tán…nhân dân căm thù tột độ.
LÒNG DÂN THEO ĐẢNG !
Đảng viên 55 năm tuổi đảng Võ Thành Long tên thường gọi Mười Khởi ở ấp chống Mỹ huyện U Minh Thượng nhớ lại: mặc dù Mỹ - Diệm dùng đạo luật 10/59 khủng bố tàn bạo nhưng nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng không hề khiếp sợ. Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, ông Mười Khởi cùng cán bộ của ta kiên trì vận động tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ âm mưu của địch. Ông tham gia rãi truyền đơn kêu gọi nhân dân bám ruộng vườn, phản đối ấp chiến lược. Mọi hoạt động của cách mạng được người dân hưởng ứng thực hiện. Người dân khi xin giấy ra khỏi khu trù mật để đi làm đều tranh thủ nấu cơm thật nhiều, mang theo đồ ăn để tiếp tế cách mạng. Khi bị tra xét quá, họ tranh thủ ăn trước ở nhà, đi làm thì nhịn đói cơm mang theo nói là mang đi làm nhưng thực ra mang tiếp tế cho cách mạng.
Ông Chín Kỳ nhoẻn miệng cười sảng khoái: mặc dù Mỹ - Diệm nó đàn áp khủng bố dân mình vậy chứ người dân mình đâu có sợ. Chúng vây ráp bắt đi học luật 10/59 thì dân mình đi cho lấy lệ, đi học về nó chặn lại xét hỏi có thuộc không? bà con nói với chúng: quên hết rồi! thậm chí có người nói đi học để biết mấy ông ác cở nào!
Tôi hiểu nụ cười của ông, đó là nụ cười của những người chiến thắng một đạo luật dã man, khắc nghiệt mà Mỹ - Ngụy lê máy chém khắp chiến trường Miền Nam “tố cộng, diệt cộng” dìm phong trào yêu nước vào biển máu cách đây 60 mươi năm. Nụ cười chính nghĩa thắng hung tàn- nụ cười của người chiến sỹ giữ trọn lời thề suốt đời theo lý tưởng của Đảng nhưng để có được nụ cười đó những người đồng chí, đồng bào của ông đã phải chịu nhiều đau thương mất mát đầy đắng cay, tủi nhục căm hờn.
Chợt nhớ có lần về thăm quê hương Vĩnh Thuận, bà Lê Thị Lệ (Tư Lệ), nguyên bí thư huyện ủy Vĩnh Thuận đã bật khóc khi viếng nghĩa trang liệt sỹ huyện Vĩnh Thuận. Bà nghẹn ngào: hàng ngàn đồng chí, đồng bào vô tội của Kiên Giang đã nằm tại đây bởi đạo luật 10/59 tàn ác của Mỹ - Ngụy. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã dùng nhục hình treo nóc nhà, cho uống nước xà bông; bỏ vào thùng phuy, nhốt dưới hầm, chặt đầu mổ bụng, moi gan, móc mật, chôn sống thủ tiêu những người yêu nước tại Đặc khu An Phước này. Chúng càng độc ác, nhân dân vùng U Minh Thượng càng căm hờn. Người dân sẳn sàng bảo vệ đảng, che chở nuôi chứa cán bộ tới cùng. Quyết chiến đấu đến ngày độc lập!
Xuân Kỷ Hợi 2019 này Vĩnh Thuận tròn 55 năm thành lập huyện, những công trình đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng tạo động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội huyện nhà tiếp tục phát triển đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Phát huy truyền thống anh hùng, đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thuận sẽ chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.