Ông Quản Trọng Linh ( tên thường gọi Lê Minh ) sinh ngày 06 tháng 01 năm 1907, tại xã An Định, Huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Ông có nhiều tên gọi khác nhau trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng như Lê Minh, Lê An Định, Trịnh Long Quân, Quản Trọng Bình...Quản Trọng Linh sớm giác ngộ tinh thần yêu nước thương dân nên đã cùng em trai là Quản Trọng Hoàng tham gia vào các phong trào yêu nước tiến bộ tại quê nhà. Gia nhập vào các tổ chức tiền thân của Đảng như Tâm Tâm xã, Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng đồng chí hội tại xã Tân Hòa, tổng Bảo Quới, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Giữa năm 1929, Quản Trọng Linh được kết nạp vào An Nam Cộng Sản Đảng tại Chi bộ đường phố Đakao Sài Gòn do đồng chí Châu Văn Ký – Bí thư chi bộ xí nghiệp Sài Gòn giới thiệu.
Năm 1931, Quản Trọng Linh là Bí thư chi bộ trực thuộc lâm thời Xứ ủy Nam Kỳ chuyên trách kinh tế cho Đảng. Để thực hiện nhiệm vụ ấy, đồng chí đã lập Hội đoàn bí mật “ Đông Dương vận động cứu tế đoàn”. Trong thời gian này, Quản Trọng Linh, Quản Trọng Hoàng đã tham gia một số trận đánh làm bọn mật thám và cảnh sát Bến Tre truy lùng khắp nơi.
Ngày 19/6/1931, cảnh sát tỉnh Mỹ Tho bắt được một số thành viên trong hội đoàn bí mật. Quản Trọng Linh và một số đồng chí khác bị bắt. Riêng Quản Trọng Hoàng chạy thoát. Rạng sáng ngày 20/6, Quản Trọng Linh vượt ngục về với cách mạng. Thời gian này địch truy nã gắt gao nên ông cùng một số đồng chí khác chuyển về Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu hoạt động. Đầu năm 1932 Quản Trọng Linh, Quản Trọng Hoàn đặt chân đến vùng đất Ranh Hạt, Chắc Băng, Vĩnh Thuận. Hai ông đã tập hợp thanh niên tuyên truyền cách mạng sau đó bắt liên lạc với một số đồng chí khác và thành lập chi bộ Ranh Hạt. Đây là chi bộ đảng đầu tiên ở trên vùng đất Kiên Giang ( Ranh Hạt ngày nay là ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận).
Đảng chỉ đường, dẫn lối
Với cương vị là Bí thư chi bộ, đồng chí Quản Trọng Linh đã cùng với các đảng viên trong chi bộ tiến hành vận động quần chúng, xây dựng và phát triển cơ sở Đảng, tìm cách mở rộng liên lạc với các chi bộ khác và liên lạc với tổ chức, cơ sở Đảng cấp trên. Chi bộ Đảng đã vận động quần chúng tiến hành cuộc biểu tình, đấu tranh đòi giảm tô, đòi cải thiện giờ làm,…đưa phong trào đấu tranh quần chúng tiến lên một bước mới. Lớp Thanh Niên được chi bộ Đảng phân công làm giao thông liên lạc, in ấn, tuyên truyền dần dần trở nên hoạt bát và hăng hái. Chi bộ tiến hành tổ chức học tập cho một số anh chị em tiến bộ về lịch sử tiến hóa loài người, tình hình trong nước và thế giới; đường lối cách mạng tư sản dân quyền… Từ khi có chi bộ Đảng dẩn đường, chỉ lối đã hun đúc ý chí bất khuất, lòng căm thù giặc sâu sắc trở thành ngọn lửa yêu nước bùng cháy quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Chi bộ Ranh Hạt ( Vĩnh Thuận ) đã tuyên truyền cho hàng ngàn quần chúng nêu cao tinh thần yêu nước, chống “sưu cao, thuế nặng”, không tham gia vào các tổ chức của địch, lãnh đạo đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực hàng ngày về dân sinh, dân chủ; vận động quần chúng nhân dân xây dựng được hai tổ chức nông hội ở Cái Bát ( An Biên ) và Chắc Băng ( Vĩnh Thuận ) xây dựng một số quần chúng tích cực làm nòng cốt, phát triển đảng viên. Đây chính là hạt nhân chính trị tập hợp, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống thực dân phong kiến, càng đấu tranh càng lớn mạnh.
Việc thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Ranh Hạt, Kiên Giang là một bước ngoặt của phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, đồng thời nó cũng chứng tỏ rằng ngay từ buổi ban đầu, sau khi thành lập, Đảng ta đã gây được ảnh hưởng và xây dựng được cơ sở của mình ở ngay cả những nơi xa xôi nhất.
Vinh quang người cộng sản kiên trung
Sau khi thành lập chi bộ đảng tại Ranh Hạt, Quản Trọng Linh tiếp tục hoạt động cách mạng ở các vùng lân cận sau đó ông về Sài Gòn. Ngày 25/8/1937 địch đã phát hiện và bắt ông. Ngày 28/4/1938, tòa đại hình Sài Gòn đã xử Quản Trọng Linh với mức án 15 năm khổ sai sau đó đày đi Côn Đảo. Năm 1941, Quản Trọng Linh vượt Côn Đảo lần thứ nhất về tới đất liền thuộc bờ biển tỉnh Mỹ Tho thì bị bắt lại. Ngày 05/8/1941, tòa thượng thẩm Sài Gòn xử chồng án thêm 4 năm khổ sai. Năm 1942, Ông vượt Côn Đảo lần thứ hai về tới bờ biển Cà Mau thì bị bắt lại. Ngày 30/6/1942, tòa thượng thẩm Sài Gòn xử chồng án thêm 5 năm khổ sai. Tổng hình phạt 24 năm khổ sai, giam ở hầm cấm cố nhà tù Côn Đảo. Cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, Quản Trọng Linh là một trong số gần 2000 tù nhân cách mạng tại Côn Đảo được chính quyền cách mạng đón tiếp. Sau đó, ông tiếp tục tham gia cách mạng. Cuối năm 1947 được bầu là bí thư chi bộ công an thuộc thành ủy Sài Gòn. Năm 1949, được bầu vào Thành ủy viên thành ủy Sài Gòn phụ trách công an. Ngày 7/8/1949, ông bị cảnh sát đặc biệt Miền Đông bắt. Ngày 17/4/1951, Quản Trọng Linh đã vượt ngục thành công. Đây là lần vượt ngục thứ 4 của ông. Ngày 23/4/1951, tòa án quân sự của địch do đại tá Garnies chủ tọa, thiếu tá Franchi ngồi ghế thanh tra chính quyền đã tuyên án: “ Tử hình khiếm diện đối với Quản Trọng Linh”. Ngày 25/10/1952, tòa án quân sự tổng hành dinh của tổng tư lịnh các lực lượng võ trang ở Viễn Đông của Pháp tổng trấn Sài Gòn lại tuyên án “ tử hình” vắng mặt ông. Thời gian này Quản Trọng Linh làm trưởng phòng chấp pháp sở Công An Nam Bộ. Tháng 11 năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được học tập tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Sau đó làm trưởng phòng giao thông liên lạc Bắc Nam thuộc Ủy ban thống nhất Trung Ương. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước ông về Sài Gòn. Tại đây ông đã trút hơi thở cuối cùng ngày 27/9/1975. Với những công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Đồng chí Quản Trọng Linh đã được chủ tịch nước tặng huân chương độc lập hạng nhất vào tháng 12 năm 1999.
Để ghi nhận công lao và sự đóng góp của đồng chí Quản Trọng Linh, ngày 14/12/2018, hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành nghị quyết số 195 về việc đặt tên đường Quản Trọng Linh tại khu vực nội ô thị trấn Vĩnh Thuận. Đường mang tên người cộng sản tiền bối Quản Trọng Linh dài 1297 m nằm dọc theo Kênh Xáng Chắc Băng từ giáp cầu Kênh Xáng đến cầu Kênh Một hướng về khu di tích Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuậnh thuộc khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận
Ths Võ Thanh Xuân
Trưởng Ban Tuyên Giáo Huyện Ủy