Thăm lại nơi lưu dấu Khu di tích tập kết 200 ngày đêm

Thứ hai - 18/02/2019 21:08 3.146 0
Thăm lại nơi lưu dấu Khu di tích tập kết 200 ngày đêm
Những ngày cuối năm 2018, chúng tôi về lại chợ Vàm Chắc Băng, thuộc xã Phong Đông (Vĩnh Thuận) được nghe các thế hệ lớn tuổi hãnh diện vì quê mình có Khu di tích tập kết 200 ngày đêm; thế hệ trẻ đã và đang ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
NƠI LƯU DẤU LỊCH SỬ
Từ trung tâm thị trấn Vĩnh Thuận về chợ Vàm Chắc Băng khoảng 8km. Tới địa bàn ấp Thạnh Đông, Phong Đông sẽ có 2 con đường chính để đến trung tâm hành chính xã Phong Đông. Tại hai con đường này, nhiều người sẽ dễ dàng bắt gặp hai biển ghi dòng chữ: “Khu di tích tập kết 200 ngày đêm” Chắc Băng - Vĩnh Thuận - Kiên Giang. 
Nếu không để ý, nhiều người đi đường, thậm chí cả người dân địa phương rất khó để hiểu chuyện gì đã xảy ra cách gây 65 năm tại nơi đây. Đồng chí Lê Văn Gìn - Huyện ủy viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận cho biết: “Địa danh Vàm Chắc Băng - nơi diễn ra cuộc tập kết 200 ngày đêm để đưa cán bộ tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 là nơi lưu dấu lịch sử, đáng được giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau về quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của cha ông ta. Tuy nhiên, tư liệu về sự kiện này hầu như không có gì, hầu hết những người biết về sự kiện này chắc đều đã lớn tuổi, hoặc không còn sống”.
Đồng chí Gìn cũng cho biết, thời gian qua, huyện cũng đề xuất tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng, nhưng đến nay cũng chưa hình thành, mà vẫn chỉ là 2 biển ghi dòng chữ: “Khu di tích tập kết 200 ngày đêm” Chắc Băng - Vĩnh Thuận - Kiên Giang.
Các ông: Phạm Văn Ước (65 tuổi), ngụ ấp Thạnh Đông và Lê Minh Tiết (73 tuổi), ngụ ấp Cái Nhum, xã Phong Đông đều khẳng định: Sự kiện diễn ra, lúc ấy các ông còn quá nhỏ, hoặc chỉ mới sinh ra nên nắm cũng không chắc sự kiện, chỉ nghe các bậc cao tuổi hơn kể lại. “Sự kiện tập kết 200 ngày đêm là có thật. Tôi hãnh diện vì quê mình có sự kiện này. Tôi có 2 người anh tập kết ra Bắc để tiếp tục chiến đấu và đã hy sinh. Tôi cũng là người lính, thương binh, tuổi cũng đã lớn, giờ chỉ mong là có cuốn sách ghi chép lại, hay xây dựng một biểu tượng gì đó để ghi công thế hệ cha ông và giáo dục truyền thống của con cháu sau này”, ông Ước đề xuất.
THAY ĐỔI TẠI NƠI LƯU DẤU LỊCH SỬ
Song song với kênh xáng Chắc Băng, con đường lầy lội từ trung tâm thị trấn Vĩnh Thuận về chợ Vàm Chắc Băng dài khoảng 8km trước đây giờ đã được trải nhựa thẳng tấp. Hai bên đường nhà tường mộc san sát. Nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán tôm giống, thức ăn cho tôm, tiệm tạp hóa mộc ra nhiều vô số kể. Học sinh đến trường bằng xe hai bánh thuận lợi hơn nhiều… Tất cả chứng minh sự thay đổi đáng kể so với gần 10 năm trước của người dân nơi đây. 
Ông Lê Minh Tiết khẳng định: “Địa danh, nơi diễn ra cuộc tập kết 200 ngày đêm đưa cán bộ tập kết ra bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 xưa kia, giờ đã khác”. Theo ông Tiết, nếu như nơi đây là những cánh đồng năng, dừa nước, và sậy chỉ trồng được khóm và lúa cấy thì nay là những cánh đồng nuôi tôm trống trải, mênh mông. Tại địa phương nông dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có thể nuôi được tôm sú, tôm càng xanh đạt hiệu quả rất cao. “Riêng gia đình tôi, hàng năm từ 200 công đất nuôi tôm, thu nhập khoảng hơn 500 triệu đồng”. Còn ông Phạm Văn Ước thì phấn khởi: “Cuộc sống của người dân nơi đây giờ tốt hơn 10 năm trước đây rất nhiều. Điện - đường - trường - trạm được nhà nước đầu tư, xây dựng, giúp người dân nơi đây không chỉ được hưởng thụ được vật chất và mà cả về tinh thần. Con em trong độ tuổi đều được đến trường học tập và phát triển tốt hơn…”. 
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2018 của Đảng ủy xã Phong Đông cho biết, trong năm qua công tác xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Nhiều chỉ tiêu về kinh tế đạt kết quả tích cực. Trong đó, diện tích tôm hơn 810,6 hecta, sản lượng ước đạt 826 tấn, tăng hơn 122 tấn so với cùng kỳ. Trong năm xây mới 6 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 190 triệu đồng; xây dựng 5 căn, sửa chữa 1 căn nhà tình nghĩa trị giá 220 triệu đồng; nhiều chế độ chính sách đối với người có công thực hiện có hiệu quả. Trong năm, giới thiệu việc làm cho 470 đối tượng lao động trong và ngoài tỉnh. 
Nhờ thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, đến cuối năm 2018, toàn xã hộ nghèo còn 83/1.595 hộ; hộ cận nghèo có 137/1.595 hộ. Đến nay, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đang ở nơi cư trú chiếm 92,4%; hộ sử dụng điện đạt 98%; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%.
Cuối năm 2018, xã Phong Đông đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Trong năm 2019 này, xã Phong Đông phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới. “Thừa hưởng thành quả của các thế hệ đi trước, chúng tôi thế hệ trẻ hôm nay quyết tâm ra sức học tập, lao động để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”, đồng chí Nguyễn Văn Phường - Chánh Văn phòng Đảng ủy xã Phong Đông khẳng định.

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử huyện Vĩnh Thuận:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thông tin cần biết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay8,966
  • Tháng hiện tại83,569
  • Tổng lượt truy cập6,213,069
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây